Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin các sản phẩm âm nhạc đang có nhiều hướng tiếp cận tới khán giả. Tuy nhiên, với cơ chế “mở” việc kiểm duyệt ngôn từ, hình ảnh… lại đang bị bỏ ngỏ.
“Loạn” ngôn từ ca khúc
Mới đây, ca sĩ Big Daddy (tên thật là Tô Tất Vũ) vừa cho ra MV ca nhạc với cái tên khá “lạ” tai “Mẩy thật mẩy”.
Đây là một sản phẩm âm nhạc thuộc thể loại Tech house, Electro đang được giới trẻ Việt ưu chuộng. Tuy nhiên, bên cạnh phần giai điệu thì ngay khi ra mắt MV đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ khán giả về phần lời của ca khúc.
MV không dán nhãn giới hạn độ tuổi người xem nhưng có kèm theo dòng chú thích “MV thích hợp cho người trưởng thành”. MV này cũng bị YouTube ẩn nếu như người dùng bật chế độ “hạn chế người xem”.
Xuyên suốt thời lượng hơn gần 4 phút của MV, khán giả không khỏi hốt hoảng bởi bản Rap có những ca từ miêu tả sự gợi cảm của phái đẹp kiểu như: “hở hở hang hang”, “nở nở nang nang”, “lột đồ”, “ngon đét”, “căng đét”… Thậm chí, Big Daddy còn ví những đường cong hình thể của người phụ nữ là “bộ loa nẩy thật nẩy”, “bàn tọa mẩy thật mẩy”.
Không những vậy, hình ảnh trong MV cũng đủ khiến người xem ngượng chín mặt khi ống kính máy quay liên tục lia sát vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể các nữ vũ công. Thậm chí vợ của BidDaddy là ca sĩ Emily cũng xuất hiện trong MV khoe hình thể gợi cảm và vô cùng nóng bỏng.
Khi sản phẩm vừa được ra mắt, rất nhiều khán giả đã thể hiện sự phẫn nộ. Thậm chí nhiều người cho rằng, trong phần lời bài hát cũng chứa một số ca từ đang thể hiện sự thiếu tôn trọng phụ nữ và không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Tuy nhiên, “Mẩy thật mẩy” không phải là sản phẩm âm nhạc đầu tiên phải nhận “búa rìu” từ dư luận. Trước đó, MV “Ơ sao bé không lắc” của Emily và BigDaddy cũng bị tố “đánh lận” tên bài hát với một ca khúc thiếu nhi mà các trường mầm non vẫn mở trong lúc tập thể dục. Nội dung xuyên suốt MV là hình ảnh vũ công lẫn nữ ca sĩ trong trang phục bikini, lắc và uốn éo phản cảm trên bãi biển.
Hay ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân với MV “Nước chảy hoa trôi” khai thác đề tài tình đồng giới, có yếu tố ma mị và kinh dị. Mặc dù MV được xếp hạng cao trên YouTube nhưng nội dung lại khiến nhiều người “nóng mặt” với những cảnh “giường chiếu” phản cảm và gợi dục giữa hai nhân vật nam chính. Thậm chí, MV còn xuất hiện “xác sống”, những khuôn mặt máu me rợn người.
“Đừng yêu lại người cũ” của Bùi Caroon cũng khiến khán giả phẫn nộ khi suốt 1 phút đầu MV là cảnh “người lớn” của hai nhân vật chính. “Ra vô” của Kay Trần cũng bị cho là câu khách rẻ tiền khi lạm dụng các cảnh quay đầy dung tục. “Em muốn cho anh xem này” của Nhã Tiên nhận nhiều chỉ trích khi toàn bộ MV chỉ đơn thuần là tổng hợp những cảnh mặc hở hang, thả dáng, những điệu nhảy gợi cảm và khung cảnh chơi đùa cùng các chàng trai trong phòng ngủ…
Tạo “tường lửa” kiểm duyệt
Có thể thấy, với sự bùng nổ công nghệ các sản MV ca nhạc trên nền tảng mạng xã hội đã hoàn toàn thay thế các sản phẩm băng đĩa. Nhưng bên cạnh lợi thế về truyền tải tới khán giả lại tạo ra những lỗ hổng trong công tác quản lý và những tranh cãi về bản quyền. Cùng với đó, thành công từ số lượng người xem cùng lợi nhuận thu được đã tạo ra một thị trường âm nhạc “mạng” xô bồ, đánh lừa khán giả.
Nhiều ca sĩ thay vì chú tâm vào giọng hát hay những các ca khúc có giá trị nghệ thuật lại chọn chủ đề phản cảm, ca từ dung tục để “câu kéo” khán giả. Thậm chí, nội dung nhiều ca khúc gần như không liên quan, có phần đối lập với chính những thước phim bóng bẩy được trình chiếu.
Nổi bật và gây nhiều bức xúc nhất hiện nay có lẽ là xu hướng làm MV lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa cổ truyền Việt Nam. Đơn cử như loạt MV “Tự tâm”, “Màu nước mắt”, “Canh ba” của Nguyễn Trần Trung Quân; “Chân ái” của Châu Đăng Khoa. Nghiêm trọng hơn, có MV còn trực tiếp hoặc gián tiếp quảng cáo cho trò chơi điện tử mang nội dung phản cảm, cờ bạc trực tuyến.
Từ thực tế trên, thị trường âm nhạc Việt Nam đang bị điều tiết bởi một nền tảng mạng xã hội kiếm tiền bằng quảng cáo như YouTube. Đó cũng là lý do có những bài hát rất nhạt, phản cảm vẫn vào tab thịnh hành YouTube.
Đây là vòng tròn luẩn quẩn của một thị trường âm nhạc chỉ có thể lôi “lượt xem” ra để đánh giá. Trong khi đó, hiện nay những MV từng bị YouTube gỡ bỏ khỏi hệ thống khi chứa nhiều cảnh bạo lực gia đình, cảnh tự sát gây ám ảnh… chưa thực sự nhiều. Còn với khán giả do không phải trả phí nên đang phải cảm nhận các sản phẩm âm nhạc thông qua sự thẩm thấu của chính mình. Bởi MV ca nhạc “sáng tạo” hay “phản cảm” phụ thuộc vào định đoạt của mỗi người xem.
Thị trường âm nhạc nói chung và nền giải trí Việt nói riêng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Việc kiểm duyệt MV ca nhạc đăng tải trên Internet không phải là bất khả thi khi nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện tốt phương án này nhằm ngăn chặn những nội dung xấu lan truyền.
Tuy nhiên, trên tất cả vẫn phải kể đến ý thức của người đăng tải, cung cấp nội dung và người truy cập, theo dõi nội dung đó. Ngoài ra, với khán giả một trong những cách làm đơn giản mà hiệu quả nhất là khi thấy một nội dung xấu độc hãy bấm nút report (nút báo cáo vi phạm quy tắc cộng đồng theo luật của YouTube).
Nếu nhiều người cùng bấm nút report, kiên quyết không theo dõi trang vẫn thường xuyên chia sẻ những MV ca nhạc không lành mạnh, sẽ tạo ra làn sóng phản đối và chắc chắn các nội dung đó sẽ sớm bị xoá bỏ. Sử dụng sức mạnh cộng đồng là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để loại bỏ khỏi môi trường mạng những sản phẩm âm nhạc có nội dung nhảm nhí, độc hại.