Sáng 12/4, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền Luật tín ngưỡng, tôn giáo” nhằm giới thiệu Luật tín ngưỡng, tôn giáo đến các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Định, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế -Thanh tra Ban Tôn giáo Chính phủ giới thiệu Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại Hội nghị.
Nhiệm vụ của Mặt trận là rất nặng nề
Tại Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Định, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế -Thanh tra Ban Tôn giáo Chính phủ đã khẳng định vai trò của Mặt trận trong việc triển khai, tuyên truyền Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Và nhấn mạnh đây là nhiệm vụ, chức năng rất nặng nề.
Theo bà Định, Luật tín ngưỡng, tôn giáo bổ sung rất nhiều nội dung, trong đó liên quan tới chức năng mới của Mặt trận đó là phản biện xã hội. Trách nhiệm đầu tiên của Mặt trận đó là tập hợp bà con tín ngưỡng tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trách nhiệm thứ hai là phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan Nhà nước. Ví dụ, trong quá trình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mà người dân phát hiện ra có những vấn đề bất cập thì có thể kiến nghị với Mặt trận, và Mặt trận sẽ đề xuất, đề đạt những tâm tư nguyện vọng đó với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đó là chức năng, nhiệm vụ rất nặng nề của Mặt trận.
Thứ ba, về tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Với Luật tín ngưỡng, tôn giáo Mặt trận cũng đã tham gia với tư cách thành viên ban soạn thảo và thành viên tổ biên tập khi xây dựng Luật này. Nội dung tiếp theo là phản biện xã hội với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc kế hoạch quy hoạch khi liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo.
Luật tín ngưỡng, tôn giáo là một trong 2 luật mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lấy để làm phản biện và tổ chức rất nhiều hội thảo. Mặt trận tham gia tuyên truyền vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện tín ngưỡng tôn giáo.
Cuối cùng, Chính phủ giao nhiệm vụ, chức năng cho Mặt trận có trách nhiệm và triển khai, tuyên truyền Luật này đến đông đảo chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, các tổ chức tôn giáo. Giám sát hoạt động của các cơ quan tổ chức đại biểu dân cử và cán bộ công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Những điểm sáng của Luật
Ngày 18/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 306 về việc triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo và hiện nay quyết định đã được gửi đến UBND các tỉnh thành, các Bộ ngành có liên quan để đồng loạt triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo trên phạm vi toàn quốc. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018,
Nói về sự cần thiết xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Bà Định cho rằng: Năm 2013, Việt Nam có một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng, đó là Hiến pháp 2013 được ban hành, trong đó có rất nhiều nội dung mới liên quan đến chính trị, xã hội, đặc biệt vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã được nhìn nhận một cách đổi mới. Điều 24 của Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Như vậy Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Còn Hiến pháp năm 2013 đã chuyển chủ thể từ công dân sang mọi người. Mọi người ở đây không chỉ là người Việt Nam mà còn là công dân người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam cũng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhà nước Việt Nam bảo hộ.
Và Hiến pháp 2013 còn quy định, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là một trong những quyền tự do cơ bản của con người, quyền con người sẽ được nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo hộ và bảo đảm. Và quyền này chỉ bị giới hạn bởi Luật.
Trước đây Hiến pháp năm 1992 quy định quyền này bị giới hạn bởi pháp luật. Pháp luật ở đây có rất nhiều các văn bản có thể là Luật, Pháp lệnh… Tuy nhiên Hiến pháp 2013 quy định cụ thể là quyền con người, trong đó quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo chỉ bị giới hạn bởi Luật.
Trong Hiến pháp 2013 cũng có quy định cụ thể về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo là do Quốc hội quyết định. Đó là lý do đầu tiên dẫn tới việc xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Lý do thứ hai là chúng ta tiếp tục thể chế hóa quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước, như Nghị quyết 25, hay Nghị quyết qua các kỳ đại hội. Nội dung tiếp theo, đó là xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo có thể đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nội dung cuối cùng là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn một số nội dung đã trở nên lạc hậu, một số vấn đề lại chưa được quy định. Vì vậy trong thực tiễn các hoạt động của các tổ chức tôn giáo gặp không ít khó khăn. Do đó việc thay thế Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo là hết sức cần thiết.