Qua thực tế công việc tại các địa phương ở vùng sâu, vùng xa đã khẳng định vai trò quan trọng của những người cán bộ dân tộc thiểu số, họ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như gìn giữ bình yên cho buôn làng.
Mỗi cán bộ cơ sở mặc dù có tuổi đời, tuổi nghề khác nhau nhưng ai cũng năng nổ, nhiệt tình bám cơ sở.
Hiện cả nước có khoảng 65.000 cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số (DTTS), đạt tỷ lệ 12,2%. Trong đó, ở Trung ương là gần 6.900 người (5%); ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 57.660 người (14,83%). Trong quá trình làm việc, ngoài những vốn kiến thức thực tế sau khi được đào tạo, cán bộ người DTTS còn có những thuận lợi nhất định khi gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, họ đã góp phần làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con.
Mỗi cán bộ cơ sở mặc dù có tuổi đời, tuổi nghề khác nhau, với nhiều phương thức, cách làm khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung đó là những người “chân đi, miệng nói, tay làm”. Họ là những người có năng lực, uy tín trong cộng đồng dân cư, nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao. Nhiều vụ việc diễn ra trên địa bàn đã được giải quyết nhờ vai trò dân vận của những cán bộ là người DTTS. Bằng mối quan hệ họ hàng, làng xóm, đặc biệt là cách thức nói chuyện do luôn bám sát cơ sở đã khiến việc tiếp xúc và nắm bắt tâm tư của cán bộ với bà con thuận lợi hơn.
Là địa phương có tỷ lệ người DTTS hơn 50%, những năm qua, huyện ủy Chư Sê (Gia Lai) luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ người DTTS. Số cán bộ người DTTS từ cấp huyện tới cơ sở chiếm tỷ lệ khá cao, với hơn 100 người trong tổng số 474 cán bộ công chức.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở có nhiều cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo, quản lý, được đánh giá cao. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy cử nhiều lượt cán bộ là người dân tộc thiểu số đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài huyện.
Hay như xã Tà Nung (TP. Đà Lạt – Lâm Đồng) có 6 thôn, trong đó có 5 thôn có bà con DTTS sinh sống. Xã có 15 trong số 38 cán bộ công chức là người DTTS. Đảng bộ xã hiện có 25 đảng viên, trong đó 9 đảng viên là người DTTS.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tà Nung Nguyễn Thành Lý, với đặc thù địa bàn đông đồng bào DTTS như Tà Nung thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS là điều không thể thiếu. Thời gian qua, Đảng ủy xã luôn chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về các mặt cho con em, cán bộ ở địa phương, nhất là người DTTS. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được đảm bảo gắn liền với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, cũng như nhu cầu của người học.
Ngoài ra, những cán bộ là người DTTS luôn tích cực vận động đồng bào phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, kết hợp hài hoà giữa “luật tục” và luật pháp, giữa truyền thống và hiện đại, giúp các già làng, trưởng bản thực hiện tốt các hoạt động tự quản tại cộng đồng, xây dựng qui ước, hương ước trong từng cộng đồng dân cư, trong thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” xoá đói giảm nghèo, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn trong đó, nguyên nhân hạn chế của đội ngũ cán bộ DTTS là do công tác đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nội dung, chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng chưa thật sự phù hợp…