Từ đầu tháng 8/2024, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn nhằm chuẩn bị nguồn tín dụng cho mùa kinh doanh cuối năm.
Chẳng hạn Agribank, tại kỳ hạn 1-2 tháng, 3-5 tháng và trên 24 tháng điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm, lần lượt lên mức 1,7%/năm, 2%/năm và 4,8%/năm. Các kỳ hạn khác được giữ nguyên.
Cũng từ đầu tháng 8/2024, Sacombank điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn, đưa lãi suất cao nhất lên 5,2%/năm khi khách hàng gửi kỳ hạn từ 36 tháng. Saigonbank cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động cho tất cả kỳ hạn thêm 0,3%/năm, với lãi suất cao nhất lên tới 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
TPBank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức tăng 0,2%/năm cho các kỳ hạn từ 1-6 tháng, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,7%/năm kỳ hạn 36 tháng…
Theo phân tích của giới chuyên gia, về cuối năm với các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn, các ngân hàng sẽ mạnh tay cho vay. Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiền gửi để tăng huy động và tăng cho vay.
TS Châu Đình Linh (Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) nhận định, tiết kiệm vẫn sẽ là “hầm trú ẩn” an toàn của dòng tiền ở hiện tại và trong thời gian tới. Đây là kênh đầu tư dành cho mọi người dân, người dân sẽ được “kê cao gối ngủ” bởi trong bất kỳ tình huống nào, tiền gửi của họ luôn được đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng. Mặt khác, hàng loạt ngân hàng cũng đang điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tăng ở nhiều kỳ hạn để thu hút tiền gửi sau một thời gian dài giữ ở mức thấp.
TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhận định, lãi suất tiết kiệm trên thị trường tăng nhẹ như thời gian qua là hợp lý, giúp cân bằng lợi ích các bên, giữ chân người gửi tiền.
Với kênh đầu tư bất động sản, hiện nay thị trường đang ở ngưỡng tâm lý chờ 3 bộ luật (gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực vào ngày 1/8/2024) “ngấm” dần.
Theo đó, thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như một số lĩnh vực có liên quan đang chờ đợi về hiệu lực và hiệu quả của các luật và nghị định quan trọng này. Đặc biệt khi thị trường bất động sản, nhà ở đang có những dấu hiệu phục hồi ở một số phân khúc.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc đầu tư Công ty DKRA Group cho rằng về trung và dài hạn, các luật này sẽ giúp cho thị trường minh bạch hơn, bảo vệ nhà đầu tư và giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, ông Thắng dự báo trong ngắn hạn rất khó để có thể có sự tăng trưởng đột biến về giá cũng như cung trong thị trường. “Các bộ luật cần 6-12 tháng mới thực sự thẩm thấu vào thị trường” - theo ông Thắng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy tổng lượng tiền gửi tính đến cuối tháng 6 là trên 13,6 triệu tỷ đồng, bất chấp lãi suất ở mức rất thấp. Tâm lý phòng thủ này đã khiến cho thanh khoản của thị trường bất động sản dù có tăng nhưng còn hạn chế.
Báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy, tháng 7/2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành thành công giảm 82% với tháng trước và giảm 38% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành đạt hơn 148.700 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Các đợt phát hành đáng chú ý bao gồm: VietinBank (3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,1%); SHB (2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 6%) và HDBank (1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 96 tháng, lãi suất 7,47%).
Việc các ngân hàng thương mại cổ phần đồng loạt đẩy mạnh phát hành trái phiếu được cho là nhằm củng cố nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vay của DN trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 14% trong những tháng cuối năm. TS Lê Xuân Nghĩa cũng đánh giá, thị trường TPDN đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, có dấu hiệu ấm lên cùng thị trường bất động sản khi thanh khoản đã có sự cải thiện. “Để các DN có thể huy động trái phiếu dễ dàng hơn thì cần tăng cường hoạt động xếp hạng tín nhiệm và niêm yết trái phiếu trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, các DN cũng cần làm ăn nghiêm túc hơn, minh bạch hơn và từ đó tạo được lòng tin cho nhà đầu tư” - ông Nghĩa nhấn mạnh.