Là vùng đất nghìn năm văn hiến, văn hóa ứng xử của người Hà Nội được hun đúc từ bao đời nay với những nét hào hoa, thanh lịch. Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa và phát triển của đời sống xã hội, văn hóa ứng xử của người Hà Nội đang dần có những thay đổi theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, những nét văn hóa đặc biệt của Hà Nội như dòng hải lưu ngầm vẫn cuồn cuộn chảy.
Năm 2023, bước vào năm thứ 6 Hà Nội thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô.
Khơi dậy ý thức từ mỗi người
Sau một hành trình, từ tuyên truyền đến thực hiện, không thể phủ nhận văn hóa ứng xử nơi công cộng đã có những chuyển biến tích cực. Ở đó, từ mỗi cá nhân, cho đến từng nhà, từng tổ dân phố, khu dân cư, các quy tắc đã được triển khai một cách linh hoạt, với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để “người dân nghe, người dân hiểu và người dân thực hiện”.
Có thể kể đến các mô hình chung cư văn hoá, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung, không lấn chiếm biến thành của riêng gia đình; Mô hình nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ; Mô hình hướng dẫn nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường; Mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; Mô hình sinh viên tình nguyện tuyên truyền du lịch thân thiện; Mô hình Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn; Mô hình làng văn hóa tiêu biểu; Mô hình phường đạt chuẩn văn minh đô thị… Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, thông qua các mô hình đã khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi con người với nơi mình sống, làm việc là mục tiêu quan trọng của việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về quy tắc ứng xử, từ đó nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ngoài việc vận động, hướng dẫn triển khai mô hình, các địa phương cần thường xuyên khích lệ, có chính sách động viên, hỗ trợ để các mô hình có sức sống bền bỉ, thực sự phát huy hiệu quả trong việc hình thành, bồi đắp văn hóa ứng xử trong cộng đồng.
Nhân rộng những mô hình hay
Vốn được xem là những “điểm nóng” của sự lộn xộn, tràn lan rác thải, nhưng mô hình điểm “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội triển khai, thời gian qua đang “biến” nhiều khu chợ trên địa bàn TP Hà Nội khoác lên mình một diện mạo mới. Đơn cử như tại chợ Thái Hà, chỉ sau một thời gian triển khai mô hình đã có nhiều đổi khác. Không còn nhìn thấy tình trạng bừa bộn, bày bán hàng ra lối đi chung, hay tình trạng bán hàng rong bên ngoài chợ như trước, không gian chợ thoáng đãng, rác thải được dọn gọn gàng, sạch sẽ. Khi triển khai thực hiện mô hình “Chợ văn minh”, các hộ kinh doanh, tiểu thương tại chợ Thái Hà cam kết thực hiện tốt Quy tắc ứng xử tại chợ. Những ứng xử nên làm như: niêm yết giá và nguồn gốc sản phẩm; cung cấp, trao đổi thông tin, giao tiếp đúng mực; xếp hàng khi mua bán; sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường. Những ứng xử không nên làm như: mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng; nói sai, cân đong gian dối; gây mất an ninh trật tự; mua, bán ngoài phạm vi quy định… Đặc biệt, chợ Thái Hà đã được đầu tư 100 đèn lồng đường kính 45cm/đèn trị giá 10 triệu đồng treo dọc 2 bên tuyến phố trước cổng chợ tạo điểm nhấn để nhận diện chợ; tặng 4 thùng đựng rác cỡ đại; hơn 100 tạp dề có nút điều chỉnh; hơn 100 hộp găng tay cho các tiểu thương của chợ và hộ kinh doanh...
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch - văn minh, nhiều năm qua, các cấp Hội Phụ nữ thành phố đã tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại, dịch vụ thông qua Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, đặc biệt là mô hình “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả”.
Gốc vững thì không sợ
Có thể nói, dù chỉ là những gạch đầu dòng đơn giản nhưng để những quy tắc ứng xử nơi công cộng đến được từng nhà, để mọi cá nhân hiểu và thực hiện là một hành trình không hề đơn giản. Đơn cử như việc cứ vào mỗi dịp lễ, Tết, những địa điểm tổ chức bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật nổi lên hình ảnh ngổn ngang rác thải. Từng có giai đoạn, hình ảnh Cột cờ Hà Nội, tháp Hòa Phong… trở nên xấu xí trong mắt du khách khi xuất hiện rất nhiều những nét vẽ nham nhở từ một bộ phận du khách thiếu ý thức. Các hành vi này không chỉ gây mất mỹ quan, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến giá trị của các di tích, cảnh đẹp. Không chỉ viết, vẽ, khắc bậy lên di tích, ăn mặc hở hang, không phù hợp khi đến các di tích có tính tôn nghiêm như đình, chùa; văng tục chửi bậy; sẵn sàng gây gổ đánh nhau; chen lấn, không xếp hàng; xả rác bừa bãi tại các điểm tham quan, du lịch… cũng từng là vấn đề gây nhức nhối.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, đó là hiện tượng cá biệt, không phải phổ quát. Không một thành phố nào trên thế giới này toàn bích, Hà Nội cũng vậy, vì thế khi nhận xét nên nhìn vào cái phổ quát. Một thời chúng ta xây dựng văn hóa mới, con người mới, nhưng nội hàm của “văn hóa mới” quá chung chung, rất khó đi vào đời sống trong khi cái gì thuộc về truyền thống đều bị quy kết là sản phẩm của chế độ phong kiến, tín ngưỡng bị đánh đồng với mê tín… Kinh tế thị trường nảy sinh lối sống thực dụng, đồng tiền lên ngôi cũng phần nào làm tha hóa một bộ phận người dân. Tất nhiên lớp trẻ trong nhiều gia đình vẫn lưu giữ được sự thanh lịch trong lối sống, ứng xử, có chăng, những biểu hiện của thanh lịch đã khác đi, có sự tiếp biến khi lớp trẻ ngày càng được tiếp xúc nhiều hơn với lối sống, các nền văn hóa trên thế giới. Lối sống, văn hóa ứng xử không phải là hằng số. Thay đổi mới đúng quy luật. Thay đổi trên cái gốc đã có, gốc vững chắc thì không có gì phải sợ.
“Nếu ai đó nghi ngờ Hà Nội không còn ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch thì cứ đến các gia đình sống nhiều đời ở Hà Nội sẽ tìm được câu trả lời. Những nét văn hóa này như dòng hải lưu ngầm vẫn cuộn chảy” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ.
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, tất cả những người đến sinh sống ở Hà Nội mang đến những điều tốt đẹp ở nơi họ sinh ra, nơi họ từng sống. Và họ cũng nhận những cái hay, cái đẹp ở đây để trộn hai điều đó vào với nhau, tạo ra nét mới cho đô thị. Sự thanh lịch vẫn có, ở đây không ai tô vẽ hay tự hào chỉ có Hà Nội mới có nhưng điều đó là thật. Nó không mất đi. Nó có thể biến đổi một chút nhưng cái cốt lõi của nét thanh lịch vẫn còn. “Tôi lạc quan rằng, những nét hay, nét đẹp như dòng hải lưu vẫn chảy trong đời sống của Hà Nội hôm nay”- ông Tiến nói.