Viết về nhân dân chiến đấu là một trong những đặc điểm lớn của văn học Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Mấy chục năm qua ngay trong khói lửa của cuộc chiến tranh, có thể nói văn học đã hiện diện kịp thời và trả lời các câu hỏi lớn đặt ra cho cả dân tộc và thời đại: Vì sao chúng ta dám đánh và đã thắng cả ba đế quốc tàn bạo trong chưa đầy một thế kỷ? Vì sao con người Việt Nam bằng vũ khí thô sơ đã dám đối mặt với kẻ thù với một bộ máy chiến tranh hiện đại nhất?
Đông đảo các nhà văn Việt Nam, cả mấy thế hệ những người cầm bút, người này ngã xuống, người khác đứng lên, tự nguyện xếp vào hàng ngũ những người ra trận, tập trung trí tuệ và sức lực nhận diện gương mặt và tầm vóc con người Việt Nam tạo ra hàng loạt chân dung những người cầm súng, từ hình ảnh người ra trận đến người hậu phương, miền ngược hoặc miền xuôi, miền Nam hay miền Bắc, những anh hùng có tên hoặc không tên… văn học đã thực sự làm một cuộc đồng hành cùng dân tộc.
Người ta có thể tìm thấy trong những trang viết dấu vết nóng bỏng của thời sự, có cả khói bom, máu và nước mắt. Ở một đất nước mà cuộc sống lớn quá, hùng vĩ quá và cùng nhiều thách thức khốc liệt quá, văn học phải lấy việc chạy đuổi và nắm bắt, cắm những cái mốc lớn của hiện thực làm mục tiêu chính.
Bởi, những cái mốc đó chính là gương mặt, là tầm vóc, phẩm chất con người được bộc lộ trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, cam go của lịch sử. Hãy có ngay những tư liệu, những ghi chép trung thành với sự thật, trước hết là để cổ vũ, động viên. Trong những hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, cuộc chiến tranh này chưa xong, cuộc chiến tranh khác đã dồn tới, câu chuyện còn - mất, sống - chết, nô lệ hay tự do… chưa bao giờ nhạt đi ý nghĩa thời sự.
Có thể nói không ngoa rằng, văn học Việt Nam mấy thập niên qua đã thực sự là vũ khí, là nguồn sức mạnh là điểm tựa cho con người để vượt qua mọi gian khó, nguy nan. Đó là nền văn học viết cho người mẹ đã dám tiễn đứa con cuối cùng lên đường, cho người vợ xa chồng trong chín năm, lại tiếp tục một cuộc chia ly mới không hẹn ngày đoàn tụ.
Văn học viết về hậu phương cho người tiền tuyến yên tâm, viết về tiền tuyến cho người hậu phương vững dạ. Trong hàng vạn người hy sinh, lời nhắn nhủ gửi về phía sau là lời của người sống và niềm khao khát của họ nhằm vào chữ Đợi. Một mối liên hệ có vẻ kỳ bí nhưng cần thiết. Tôn trọng sự thật, không tô vẽ, người viết tự đặt cho mình trách nhiệm: không làm nản chí những ai trên đường ra trận, đang giáp mặt với kẻ thù và cả những ai đang chờ đợi ở phương xa. Bởi vì, hơn ở đâu hết, ở nước ta trong những tháng năm máu lửa ấy, số phận mỗi cá nhân luôn gắn liền với số phận dân tộc.
Người vợ ở miền Nam sau Hiệp định Genève, chung thủy với chồng cũng chính là chung thủy với cách mạng. Kẻ thù đánh vào lòng chung thủy của người phụ nữ là nhằm đẩy lùi lòng tin, nới lỏng sự gắn bó giữa cách mạng và nhân dân. Ở đây khó có thể nói đến chủ nghĩa nhân đạo chung chung. Đòi hỏi một người phụ nữ đôi mươi đã chờ chồng một cuộc chiến, lại chờ thêm một cuộc nữa, chúng ta đâu dám gọi đó là điều nhân đạo.
Nhưng nếu không chấp nhận sự chờ đợi này thì cách mạng phải lùi bước, nghĩa là phải chấp nhận nhiều cái mất nhân đạo hơn. Sự nhận thức ấy đã thành kinh nghiệm, bản năng, thành máu thịt trong mỗi con người, chẳng hạn như câu nói của anh hùng Núp: Ăn tro tranh khổ, nhưng khổ một đời mình, còn ăn muối Pháp thì khổ hết đời con đời cháu mình nữa. Đó chính là nguồn gốc cái quyết tâm còn cái lai quần còn đánh của chị Út Tịch. Đó cũng là lý do để chúng ta chấp nhận mọi hy sinh, mọi nỗi đau để vượt lên, vì phẩm giá của con người và phẩm giá của dân tộc.
Một tờ báo nước ngoài có viết về chuyện một bà mẹ Nga có chín đứa con hy sinh cho Tổ quốc. Ngày chiến thắng ngôi nhà của bà được xây dựng thành nhà bảo tàng địa phương, trước sân là ba dãy bia mộ của chín người con. Ở Việt Nam không ít những bà mẹ như vậy.
Làm sao để những sự mất mát lớn lao ấy được bù đắp? Đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội nhưng cũng là trách nhiệm của những người cầm bút. Câu hỏi làm sao có thể đóng góp trí tuệ của mình để tiếp tục khẳng định giá trị tinh thần của con người Việt Nam trong cuộc hành trình đầy chông gai đi đến độc lập tự do… vẫn là món nợ tinh thần lớn lao đối với các thế hệ nhà văn hôm nay và mai sau.