Thời gian qua, các nền tảng công nghệ đã tạo ra những không gian sáng tạo cho sự phát triển của văn học mạng. Thế nhưng với một môi trường mở, không gian này lại tiếp tay cho hàng loạt sản phẩm “rác văn hóa”.
Sự bùng nổ của văn học mạng
Từ khi mạng internet có mặt tại Việt Nam, cùng với các loại hình văn hóa, nghệ thuật, giải trí… văn học mạng đã có một quá trình hình thành và phát triển mạnh mẽ. Trong gần 2 thập kỷ qua, văn học mạng đã hình thành 2 bộ phận tác giả chính. Đó là một số tác giả đã thành danh, có nhiều sản phẩm được công chúng đón nhận và theo dòng chảy của thời đại, họ sử dụng internet để đa dạng hóa hình thức truyền tải, giúp đông đảo người đọc tiếp nhận tác phẩm của mình theo lựa chọn cá nhân. Bên cạnh đó, là sự xuất hiện của những cây viết tự sáng tác và công bố tác phẩm trên môi trường số, tương tác trực tiếp với độc giả.
Văn học mạng đang tạo ra những lợi thế cho riêng mình. Ở đó, không cần thông qua các nhà xuất bản hay đơn vị phát hành sách, người viết chỉ cần thông qua các tài khoản mạng xã hội đã có thể đưa tác phẩm của mình tiếp cận công chúng một cách dễ dàng, nhanh chóng. Việc tiếp cận tác phẩm của người đọc cũng vô cùng thuận lợi khi chỉ cần có trên tay một thiết bị thông minh, có một tài khoản mạng xã hội, mọi cá nhân đều có thể tìm đọc các tác phẩm.
Theo TS Vũ Thu Hà - Viện Văn học, lợi thế của văn học mạng là chỉ cần vài thao tác, người viết đã có thể hoàn thành bài viết rồi đăng tải lên trang cá nhân. Bạn đọc cũng chỉ cần tìm theo từ khóa, rồi click chuột là có thể tìm thấy mọi thứ mình muốn đọc mà không mất quá nhiều chi phí, đồng thời lại dễ được giao lưu với tác giả. Chưa kể, chi phí quảng bá tác phẩm trên môi trường số cũng thấp hơn nhiều so với những kênh khác. Họ có thể tận dụng lượt thích, lượt chia sẻ hay những bình luận để tạo sức lan tỏa cho tác phẩm.
“Văn học mạng phát triển là khi các trang xã hội “lên ngôi”. Trong giới văn chương, không ít cây viết tự lập những trang về văn xuôi, thơ để giới thiệu sáng tác của mình, đồng thời giao lưu trao đổi, thảo luận với nhau và tương tác với độc giả. Đây là sự cộng hưởng trong sáng tác rất hữu ích, hiệu quả. Với sự “dịch chuyển” của cả người viết lẫn người đọc, các sáng tác trên không gian mạng luôn có đất để tồn tại” - TS Hà bày tỏ.
Cần “bộ lọc” thông minh
Cùng với sự phát triển của văn học mạng, bên cạnh những cây bút đã thành danh mang đến những tác phẩm chất lượng đến với độc giả, vẫn còn đó những mảng tối. Có một thực tế hiện nay, với một môi trường cởi mở, văn học mạng xuất hiện rất nhiều “rác văn hóa”. Tình trạng “vàng thau” lẫn lộn trong văn học mạng là chuyện thường gặp, vì đây là tác phẩm không qua kiểm duyệt. Đáng lên án hơn nữa, nhiều tác giả vì chạy theo sở thích đám đông mà không hướng tới những giá trị phổ quát, nhân văn của văn học. Thậm chí, với mong muốn tạo sức hút cho tác phẩm của mình, một số người đã đưa vào những yếu tố đồi trụy, kích động bạo lực, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử, thuần phong mỹ tục gây tác động xấu; dẫn đến nhận thức sai lệch, thiếu toàn diện cho người đọc, nhất là thanh thiếu niên.
Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, văn học mạng hiện nay đang không có người “cầm cân nảy mực”, thiếu giới chuyên môn để phê bình, đánh giá, thẩm định, xác định đâu là những tác phẩm mang lại giá trị đích thực. Ngoài ra, cũng vì không có định hướng nên nhiều cây viết trẻ chưa có nền tảng nhận thức, kiến thức tốt trong sáng tác, dễ bị chao đảo và chạy theo những thị hiếu thẩm mỹ tầm thường. Họ tự “bẻ cong” ngòi bút và cho ra đời những sản phẩm không mang bất kỳ giá trị nào của văn chương. Và cũng chính vì không có người “cầm cân nảy mực” nên những người sáng tác cũng không xác định được hướng đi nào là tốt khi tiếp nhận đủ khen, chê trên mạng. Không ít cây viết giữ tâm lý “thấy đông là theo”, bất chấp đúng sai.
Ngoài ra, nếu đi ngược lại số đông, họ ngại sẽ bị công chúng quay lưng, dẫn đến không dám nêu ra quan điểm. Nghịch lý xảy đến là khi người biết thì không dám lên tiếng, còn những người “không biết gì” lại ra sức đánh giá, dẫn dắt người viết đi theo hướng sáng tác không tích cực, thiếu chuyên nghiệp.
Từ đó, theo ông Nguyên, để thanh lọc các sản phẩm “rác văn học” mạng, các giải pháp về công nghệ, tăng cường quản lý đều sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Nhưng quan trọng hơn cả, bạn đọc phải trang bị cho mình “bộ lọc” thông minh. Đối với những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, cha mẹ, thầy cô phải là người định hướng cho các em về việc lựa chọn tác phẩm để đọc; không thể “thả nổi” việc lựa chọn sách.
TS Hà Thanh Vân - Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng, văn học mạng không phải là sản phẩm thứ cấp của văn học, nó có những đặc thù riêng mà văn học truyền thống không có. Nhưng cũng từ đó hình thành nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Văn học mạng đã tạo ra một bộ phận độc giả dễ hài lòng với những tác phẩm kém chất lượng do không có một cơ chế thẩm định, đánh giá công minh, nghiêm ngặt. Do đó, đối với những tác phẩm có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục hay có tác động xấu về mặt xã hội cần được xử lý kịp thời bằng những quy định và cơ chế phù hợp, rõ ràng.
TS Vân cũng cho rằng, đã đến lúc nghĩ tới việc thành lập hội về văn học mạng (có thể đặt dưới sự quản lý của Hội Nhà văn Việt Nam) giúp cho việc quản lý nhà nước được chặt chẽ hơn, đồng thời cũng là động lực cho văn học mạng Việt Nam phát triển. Bởi, văn học mạng cũng là sự thích ứng của đời sống văn học đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà các phương tiện kỹ thuật giúp người ta xích lại gần nhau hơn.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Vũ Dương Thuý Ngà cho rằng, chúng ta cũng cần tính đến phương án hình thành nhóm các nhà phê bình văn học mạng và nhóm bạn đọc tích cực, có kiến thức và hiểu biết rộng lớn làm cộng tác viên để sẵn sàng lên tiếng khi xuất hiện những dấu hiệu lệch chuẩn. Việc lên tiếng cũng thể hiện thái độ quyết liệt của công chúng trước những sản phẩm “mạo danh” văn học. Một khi bị quay lưng, những sản phẩm kiểu này sẽ không còn “đường sống.