Trước ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, sáng 30/5 Nhà xuất bản Kim Đồng công bố thành lập Giải thưởng văn học Kim Đồng và phát động cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023-2025. Cũng cần nhắc lại, đã gần 10 năm kể từ cuộc vận động sáng tác năm 2015, nhà xuất bản dành cho thiếu nhi lớn nhất cả nước chưa tổ chức một cuộc thi sáng tác nào.
Trẻ em có phải là nơi để người lớn “trút giận”?
Nói như Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang thì sáng tác văn học cho thiếu nhi chính là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn hướng thiện, lành mạnh, vị tha, giàu lòng nhân ái, hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người ngay từ khi còn nhỏ. Còn nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hy vọng cùng với cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn thì Giải thưởng văn học Kim Đồng sẽ là sự khích lệ, động viên lớn với những cây bút, từ đó có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc cho con trẻ.
Đó là kỳ vọng, kỳ vọng đưa trở lại niềm say mê đọc sách của thiếu nhi khi mà công nghệ tưởng chừng đã và đang tiếp tục làm thay đổi tất cả. “Văn hóa đọc” có vẻ như biến mất, không chỉ với người lớn mà còn “lây” cả sang trẻ em. Hôm nay, người ta dễ dàng thấy những đứa trẻ mải mê với điện thoại di động, “ăn di động, ngủ cũng di động”.
Lo lắng, nhiều bậc cha mẹ tìm cách đưa con cái đến thư viện, hiệu sách nhưng việc tạo cảm hứng với sách cho trẻ rất khó khăn. Từ đó, họ cho rằng lỗi là từ nhà trường không khuyến khích, hướng dẫn trẻ em bước vào thế giới phong phú của những áng văn chương.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết, trước đây một cuốn sách có thể in từ 20 đến 30 nghìn bản, còn hiện nay chỉ in từ 2 đến 5 nghìn bản. “Như vậy, tính trên số trẻ em cả nước thì số lượng đó còn rất khiêm tốn” - bà Liên nói. Còn PGS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, với một thế hệ bị ám ảnh bởi các màn hình thì đó chính là một thách thức với văn hóa đọc truyền thống. “Điều đó tạo ra một thế hệ dễ vỡ và dễ bị tổn thương bởi các vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần” - theo ông Nam.
Trong khi đó nhà thơ Lữ Mai cho rằng chúng ta không thể hy vọng có một thế hệ măng non mê sách khi mà người lớn lại mê mạng xã hội, ôm điện thoại tối ngày thay vì đọc sách cùng con. Nhà trường thì lịch học dày đặc, không có chương trình khuyến đọc và quan trọng nhất là thầy cô giáo cũng lười đọc sách.
Đọc sách, yêu văn học liên quan rất lớn đến việc dạy và học Văn trong nhà trường. Thật ngại ngần khi “vấp” phải những đề thi, kiểm tra môn Văn chỉ chú trọng tới kiến thức học thuộc lòng mà không một chút đánh thức thổn thức trong tâm hồn các em. Rất nhiều đề kiểm tra chỉ hỏi tác giả là ai, sinh năm nào, mất năm nào, viết trong hoàn cảnh nào... mà không để tâm hồn các em được bay bổng, được “cùng sáng tạo” với nhà văn.
Lại có những đề kiểm tra Văn nhân danh “tiếp cận đời sống” khi yêu cầu “hiểu thế nào khi nhiều người chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần”. Với đề bài ấy, hầu hết học sinh chỉ có một hướng giải quyết: con người phải biết “lo” cho tâm hồn, tiền không quan trọng bằng tâm hồn. Áp lực điểm số đã khiến các em viết bài bàn về sự vô cảm một cách vô cảm.
Vậy, liệu các em có đáng trách, có phải là nơi để người lớn trút giận khi mà các em phải trải qua những giờ học Văn trong sự mệt mỏi và cả sự thờ ơ?
Một thời chói sáng...
Tới đây, lại nghĩ về những thành tựu chói sáng của một thời văn học viết cho thiếu nhi của Việt Nam.
Rất nhiều thế hệ “người lớn” bây giờ đã được đắm chìm trong những trang văn vô cùng đẹp đẽ. Trước tiên, đó là cuộc phiêu lưu kỳ thú, cuộc đời lắm chỗ ngoặt bất ngờ của chú Dế mèn trong “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài (1920-2014). Tới nay, chú Dế mèn ngạo nghễ trong ký ức tuổi thơ đã chu du tới hơn 40 quốc gia, được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Nhưng với trẻ em “ta” hôm nay, thử hỏi có mấy em đã đọc?
Lấy bối cảnh khi thực dân Pháp vừa trở lại Nam Bộ, nhà văn Đoàn Giỏi (1925-1989) qua “Đất rừng phương Nam” đã đưa cả trẻ em lẫn người lớn theo chân cậu bé An phiêu bạt khắp vùng đất “mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh”. Cũng viết về một miền quê, nhưng ở đây là miền Trung trong “Quê Nội” của nhà văn Võ Quảng (1920-2007), nơi có hai cậu bé Cục và Cù Lao rượt đuổi nhau trên những cánh đồng, rồi từ đó mà lớn lên, trưởng thành...
Nhiều lắm những tác phẩm viết cho thiếu nhi đã trở thành kinh điển. Nhiều nhà văn tên tuổi lừng lẫy cũng dành những tình cảm trìu mến nhất khi viết cho các em. Trong số đó phải kể đến Nguyễn Đình Thi (1924-2003) và Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960). Trong “Cái Tết của Mèo con” - nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi tác giả của Vỡ bờ, Bài thơ Hắc Hải, Xung kích, Vào lửa, Mặt trận trên cao, Diệt phát xít, Người Hà Nội... đã kể lại một câu chuyện lý thú về chú Mèo con, chị Chổi, bác Nồi đồng và lũ chuột được dẫn đầu bởi con Chuột cống già “coi trời bằng vung”.
Còn Nguyễn Huy Tưởng - nhà văn, nhà viết kịch, tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn, như Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với Thủ đô... thì cũng để lại một thiên truyện viết cho trẻ em không khác gì cổ tích: Tìm Mẹ. Ngày xưa, ở một làng nhỏ, có một người mẹ nuôi hai đứa con. Đứa lớn là thằng Nhà. Đứa nhỏ là con Gạo. Tên của chúng là ước mong của cha mẹ khi con lớn lên có nhà để ở, có gạo để ăn. Câu chuyện lấy đi nước mắt của bất cứ ai khi dõi theo hành trình gian nan đi tìm Mẹ của hai đứa nhỏ, phải băng qua ba rừng, bốn sông, bảy núi... Để rồi khi tìm thấy Mẹ, con Gạo giơ manh áo rách vẫy: - Mẹ ơi! Thằng Nhà cũng gọi: - Mẹ ơi!
Rồi, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Người đàn bà giơ tay ra đón hai đứa trẻ. Mặt người mẹ không buồn nữa, mắt người mẹ không mờ nữa. Tiếng nói êm như ru cất lên: - Lại đây con”.
“Bao giờ cho đến ngày xưa”, nhiều người đã than thở như thế khi nói đến chuyện “nhạt lòng” với văn hóa đọc. Nhưng thật ra thì người lớn phải có trách nhiệm “kéo lại ngày xưa” cho trẻ em bằng những áng văn chương. Để cho tâm hồn các em xao xuyến. Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”...