Theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, tỷ lệ hội viên trẻ trong Hội (tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu từ 35 tuổi trở xuống, con số này chỉ vào khoảng 1,7%. "Tôi cho rằng đây là con số cực kỳ thấp”, TS Hà Thanh Vân đánh giá.
Mở đầu câu chuyện về các vấn đề của văn học Việt Nam hiện nay, TS Hà Thanh Vân nhìn nhận:
Tình hình tương tự có thể nhìn thấy ở 2 Hội Nhà văn địa phương lớn là Hà Nội và TPHCM. Hội Nhà văn TPHCM mấy năm gần đây liên tiếp kết nạp nhiều tác giả trẻ, nhưng tỷ lệ dưới 50 tuổi chỉ là 9%. Còn Hội Nhà văn Hà Nội thì tỷ lệ tác giả trẻ dưới 40 tuổi là 6%. Từ hiện tượng thiếu hụt tác giả trẻ trong Hội Nhà văn, tôi nhìn thấy hai vấn đề: Một là thực tế ở bên ngoài có rất nhiều tác giả trẻ viết văn, được công chúng biết đến, tác phẩm bán cũng chạy, nhưng họ không tham gia vào Hội Nhà văn. Vậy nguyên nhân do đâu? Từ đó dẫn đến vấn đề thứ hai: Tác giả trẻ không vào Hội Nhà văn vì Hội thiếu sức hấp dẫn đối với họ, vì bản thân Hội Nhà văn cũng chưa làm tốt công tác vận động nhà văn trẻ vào Hội, chưa tự quảng bá chính bản thân để các tác giả thấy được ích lợi của việc vào Hội.
PV: Với Hội Nhà văn thì việc kết nạp thêm các tác giả trẻ là cần thiết, vì tỷ lệ này đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng trên thực tế việc kết nạp mới vẫn ưu ái hơn cho những người tuổi đã cao mà có nhu cầu vào Hội, trong khi các tác giả trẻ thì lại không mặn mà lắm, thưa chị?
TS HÀ THANH VÂN: Từ nhiều năm nay dõi theo danh sách kết nạp hội viên mới, đúng là có tình trạng kết nạp nhiều tác giả cao tuổi. Trong khi các tác giả trẻ tỷ lệ kết nạp rất thấp. Trong khi đó, Hội
Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn TPHCM đều có Ban Nhà văn trẻ. Hội Nhà văn Việt Nam còn tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ từ nhiều năm nay, có giải thưởng cho tác giả trẻ. Thế nhưng tỷ lệ kết nạp tác giả trẻ vẫn rất thấp. Tôi là người có nhiều mối quan hệ thân thiết với nhiều tác giả trẻ. Một bộ phận trong số họ thì hào hứng với việc vào Hội Nhà văn và có làm đơn xin kết nạp. Nhưng đa số nhà văn trẻ cảm thấy không cần thiết. Bởi vì theo họ, vào Hội Nhà văn hay không vào Hội cũng không ảnh hưởng gì đến công việc sáng tác. Một số lời đồn đại tiêu cực từ việc kết nạp Hội Nhà văn, nhưng cho dù chỉ là lời đồn đại, cũng ảnh hưởng đến tâm lý không muốn tham gia vào Hội của nhiều tác giả trẻ.
Các tác giả trẻ ngày nay, có sân chơi riêng, độc giả riêng và bản thân họ cũng rất thực tế?
Tiến sĩ Ngữ văn Hà Thanh Vân hiện sống và làm việc tại TPHCM, là tác giả của “So sánh loại tiểu thuyết "tài tử giai nhân" ở một số nước phương Đông thời kỳ trung đại”, “Văn học trẻ TPHCM 1975 - 2000”, “Đàn bà thì phù phiếm”, “Tôi cầm mặt trời và ném”... Bên cạnh đó, chị đã tham gia vào 15 đề tài thuộc lĩnh vực văn hóa và truyền thông, văn học, là đồng tác giả của 22 đầu sách.
- Đúng là như vậy! Thực tế bây giờ với sự phát triển của các phương tiện công nghệ hiện đại, mà mạng Internet là rõ thấy nhất, các tác giả trẻ có một kênh để sáng tác và quảng bá hiệu quả, thu hút đông đảo độc giả. Ngoài việc phổ biến sách in giấy theo kiểu truyền thống, quảng bá trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng, thì ngày nay, mạng xã hội và sự kết nối online đã trở thành nơi mà tiếng nói và cá nhân tác giả trở nên rõ nét hơn bao giờ hết, thể hiện rõ con người và tác phẩm của tác giả. Do vậy, Internet xét theo khía cạnh tích cực là nơi có nhiều tiện lợi đối với người viết trẻ.
Một là, Internet là cách thức nhanh nhất, đơn giản nhất, tiện lợi nhất để xuất bản tác phẩm văn chương và cũng là nơi nhanh nhất để độc giả tiếp cận với những sáng tác của tác giả trẻ, thay vì những cuốn sách giấy in theo kiểu truyền thống.
Hai là, tính thực tế và phổ quát trong việc nâng cao trình độ cho người viết trẻ: Internet đã mang lại cho người viết trẻ những lợi ích văn học, văn hóa thực tế. Tác giả trẻ ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận với những giá trị văn hóa, kiến thức về các môn học (lịch sử, địa lý, toán học, vật lý...), biết về những cảnh quan du lịch, danh lam thắng cảnh, lễ hội, phong tục văn hóa của các dân tộc... nhờ những kiến thức được truyền tải rộng rãi trên Internet. Cùng với những điều đó dĩ nhiên không thể thiếu những kiến thức văn chương, những tác phẩm văn chương có thể được tìm thấy dễ dàng trên Internet.
Ba là, sự nhanh chóng và cập nhật: Có những thông tin thời sự chính trị, xã hội, văn chương… mà trước kỷ nguyên Internet, chúng ta phải mất nhiều thời gian mới thu nhận được. Ngày nay, với Internet, tác giả trẻ có thể cập nhật nhanh chóng, dễ dàng, chỉ trong giây lát sau khi sự kiện đó xảy ra, từ đó tác động trực tiếp đến nội dung sáng tác của các tác giả trẻ, giúp họ nhạy bén, thực tế hơn trong các đề tài sáng tác.
Bốn là, sự nối kết, giao lưu văn học, văn hóa: Không chỉ là giao lưu, tiếp xúc, mà những người sử dụng Internet đã tạo ra một sự nối kết, giao lưu từ nhiều nền văn hóa, nhiều cấp độ văn hóa, thông qua một ngôn ngữ chung: ngôn ngữ trên mạng. Người tham gia Internet có thể đến từ nhiều vùng miền, quốc tịch khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, nhưng họ có thể có chung mối quan tâm đến những vấn đề văn chương, và gặp gỡ trên mạng để thảo luận, trao đổi, qua đó có thể học hỏi, hiểu biết thêm về tri thức văn chương của nhau.
Năm là, sự công khai và bình đẳng trong việc xuất bản và tiếp nhận văn chương trên Internet: Tác phẩm văn chương trên mạng là công khai, là nguồn tri thức chung mà ai cũng có thể tiếp cận, tất nhiên là sau khi đã chọn lọc, gạn đục khơi trong. Mọi độc giả trẻ đều có thể tiếp nhận tác phẩm văn chương với tâm thế bình đẳng như nhau và với những quan điểm khác nhau.
Bên cạnh đó, mạng xã hội và sự kết nối online của thời đại 4.0 cũng không thiếu những khía cạnh tiêu cực đối với sáng tác của các tác giả trẻ cụ thể như: Lượng thông tin khổng lồ từ mạng xã hội trong đó tốt xấu, thật giả lẫn lộn có thể làm cho nhiều tác giả trẻ chìm đắm và thiếu đi khả năng phân biệt đúng sai từ đó làm ảnh hưởng đến nội dung sáng tác cũng như tư duy sáng tạo. Do vậy, một nhận thức và tâm thế tiếp nhận tỉnh táo, khách quan là rất cần thiết cho các tác giả trẻ.
Sự nổi tiếng trên mạng xã hội và sự hâm mộ của công chúng cũng có thể là con dao hai lưỡi. Một mặt, đó là thước đo cho thành công của tác giả đối với công chúng, mặt khác, lại dễ khiến các tác giả trẻ sa vào ảo tưởng với thành công của chính mình, từ đó dễ lệch lạc hay dừng lại, tự thỏa mãn với sáng tác của bản thân, không thay đổi, không tự làm mới mình.
Mạng xã hội là nơi thuận tiện để gây sự chú ý, song cũng có những chiêu trò văn chương từ phía nhiều tác giả để lợi dụng văn chương vào những mục đích khác, mang màu sắc tiêu cực, hay thậm chí là nơi diễn ra những hành vi phản văn chương: nói xấu, mạt sát lẫn nhau khi không cùng quan điểm sáng tác, tiếp nhận…
Từ những trao đổi, phân tích ở trên, thay vì dừng lại ở mong muốn, Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng và các hội văn học nói chung cần làm gì để khuyến khích các tác giả trẻ tham gia, trở thành hội viên thưa chị?
- Tôi cho rằng cần có sự thay đổi trong những hoạt động của Hội Nhà văn để thu hút các tác giả trẻ. Còn những hoạt động nêu trên thì chưa đủ. Ít nhất cũng phải có sự ưu ái trên nhiều phương diện: tài trợ sáng tác cho các tác giả trẻ, thường xuyên mở các trại sáng tác cho các tác giả trẻ, thậm chí mở các khóa dạy sáng tác cho người viết trẻ, kêu gọi các mạnh thường quân yêu văn chương giúp đỡ vật chất, tạo điều kiện cho người trẻ sáng tác… và đặc biệt tôi cho rằng những hoạt động này không chỉ dành cho hội viên, mà còn dành cho các tác giả trẻ ngoài Hội. Họ có thể đăng ký và Ban Nhà văn trẻ cùng với lãnh đạo Hội Nhà văn xét duyệt công tâm. Tờ báo Văn nghệ Trẻ cũng cần hoạt động mang màu sắc “trẻ” hơn, dành đất cho nhiều tác giả trẻ khác nhau, đến từ nhiều vùng miền, địa phương để có sự phong phú, đa dạng hơn về mặt nội dung.
Thế hệ người cầm bút trẻ luôn nhận sự kỳ vọng của các thế hệ đi trước và chính họ cũng phải là những người ghi chép, phản ánh, lưu giữ và để lại cho văn chương những giá trị, văn hóa của thời đại mình.
Vừa là nhà nghiên cứu ngữ văn với nhiều công trình đã được công bố, đồng thời, chị cũng là một tác giả và là một giảng viên đại học, tiếp xúc trực tiếp với các bạn trẻ, chị có thể chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ, quan sát của chị về thực trạng sáng tác văn học trẻ hiện nay?
- Khi nhìn lại sáng tác của các nhà văn trẻ hiện nay, nếu gọi tên những tác phẩm/nhà văn cùng tạo dấu ấn thế hệ và văn hóa thời đại, lựa chọn của tôi sẽ là vài từ ngữ để nhắc về họ: công nghệ, toàn cầu, thay đổi, cô đơn, tìm về, tưởng tượng.
“Công nghệ” là vì thế hệ của họ khác hẳn những thế hệ trước, họ lớn lên và trưởng thành trong thời đại Internet, dùng mạng xã hội, viết văn bằng cách gõ phím trên laptop hay đọc trực tiếp để chuyển đổi âm thanh thành văn bản.
“Toàn cầu” bởi vì với sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật, bây giờ người ta có thể dễ dàng biết mọi thông tin sau vài phút, hay đi đến khắp mọi nơi trên thế giới, điều mà các thế hệ trước không thể có được và các nhà văn trẻ có điều kiện để đưa những chất liệu mang tính “toàn cầu” vào trong sáng tác của họ.
“Thay đổi” bởi vì con người phải thích ứng với một thời đại sống mà mọi sự đều biến đổi rất nhanh, mà đại dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ và sáng tác của các nhà văn trẻ cho thấy sự thay đổi đối với những nhà văn thế hệ trước, cả trên phương diện nội dung và ngôn ngữ thể hiện.
“Cô đơn” bởi vì khi mà mọi điều đều có thể dễ dàng đến gần với nhau hơn bao giờ hết, khi mọi khoảng cách địa lý bị xóa nhòa, khi các nền văn hóa cùng giao thoa, xích lại gần nhau thì bản thân các nhà văn, nhà thơ là những con người thấy rõ ràng nhất rằng bản chất con người vẫn là như thế, vẫn yêu thương, vẫn đơn độc trong hành trình ở cõi nhân sinh của mình, cho dù ngoại cảnh đã khác xưa và tác phẩm của họ biểu hiện điều này.
“Tìm về” là bởi vì càng đi ra ngoài thế giới, các tác giả trẻ Việt Nam càng khao khát viết về quê hương và việc ngày càng nhiều các tác giả trẻ gốc Việt ở nước ngoài thành danh, tìm về quê hương mình là một ví dụ. Bản thân chủ đề quê hương cũng là sự tìm về xuyên suốt trong nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đương đại.
“Tưởng tượng” bởi vì nhiều tác giả bây giờ đã hướng đến những đề tài sáng tác mang tính đại chúng và yêu cầu trí tưởng tượng cao độ như: kỳ ảo, khoa học viễn tưởng, kinh dị… rất khác với yếu tố “hiện thực” luôn được đề cao trong văn học Việt Nam suốt trong một thời gian dài vừa qua. Và những từ ngữ mà tôi nêu ở trên, không chỉ là phản ánh chân dung tác giả trẻ trong văn học Việt Nam đương đại, mà nhìn rộng ra, còn chính là các nội dung được phản ánh đậm đặc nhất trong các tác phẩm của văn học Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Ở hệ thống giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam vừa diễn ra, nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho biết, năm nay, số lượng tác phẩm tham gia xét giải khá khiêm tốn, dừng ở con số 14, trong đó văn xuôi 6 tác phẩm, thơ 7 tác phẩm và lí luận phê bình 1 tác phẩm. Đây có phải con số phản ánh thực tế số lượng tác phẩm của các tác giả trẻ, thưa chị?
- Hoàn toàn không phải! Con số tác phẩm thực tế của các tác giả trẻ còn lớn hơn nhiều. Hiện nay có khá nhiều công ty kinh doanh xuất bản sách mà chủ nhân là những người trẻ, ở cả Hà Nội và TPHCM. Họ rất ưu ái xuất bản sách cho những tác giả cùng độ tuổi với họ. Tôi nêu một ví dụ cụ thể: Một công ty sách do một người trẻ làm chủ đã cho tôi biết là năm 2023 họ in 29 tác phẩm của 26 tác giả trẻ, trong đó có nhiều tác phẩm bán rất tốt! Vậy thì rõ ràng nhiều tác giả trẻ không gửi tác phẩm đến tham gia xét giải và công tác quảng bá cho giải thưởng của Hội Nhà văn chưa tốt.
Hội đồng chấm giải đã chọn tiểu thuyết giả tưởng “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” của tác giả Đức Anh để trao giải duy nhất. Chị đã đọc cuốn này chưa và nhận định của chị về cuốn sách?
- Tôi may mắn được nhà văn trẻ Đức Anh gửi tặng cuốn sách này khi mới xuất bản. Tôi đã đọc một mạch và rất thích thú, sau đó đã viết một bài về tác phẩm này. Theo tôi, giải thưởng Tác giả trẻ 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho Đức Anh hoàn toàn xứng đáng. Tôi đọc tác giả trẻ Đức Anh từ lâu và đã đọc hết những tác phẩm của bạn ấy. Tôi cho rằng cuốn sách “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” của Đức Anh thể hiện hai điều mà xưa nay rất thiếu hụt trong nền văn học Việt Nam đó là trí tưởng tượng và sự triết lý.
Mạng xã hội là nơi thuận tiện để gây sự chú ý, song cũng có những chiêu trò văn chương từ phía nhiều tác giả để lợi dụng văn chương vào những mục đích khác, mang màu sắc tiêu cực, hay thậm chí là nơi diễn ra những hành vi phản văn chương: nói xấu, mạt sát lẫn nhau khi không cùng quan điểm sáng tác, tiếp nhận…
Theo chị, đề tài ưa thích của các tác giả trẻ hiện tại là gì?
- Tôi cho rằng những người viết trẻ bây giờ là một thế hệ viết rất thú vị. Họ sẵn sàng dấn thân vào những đề tài nóng: những vấn đề tiêu cực của xã hội hiện tại, vấn đề giới tính, tình dục, vấn đề dịch bệnh… với ngôn ngữ hiện đại và hậu hiện đại, sắc sảo và cái nhìn rất riêng của thế hệ trẻ, đồng thời tốc độ sáng tác cũng rất nhanh. Thậm chí họ dấn thân cả vào những đề tài mà xưa nay ít nhà văn Việt Nam sáng tác như fantasy (kỳ ảo), kinh dị, trinh thám… Sự dấn thân này cho chúng ta có quyền hy vọng vào một thế hệ thành công tiếp theo của văn chương Việt. Bên cạnh đó vẫn có một bộ phận tác giả trẻ sáng tác theo kiểu truyền thống hơn, ngôn ngữ, phong cách sáng tác ít thay đổi so với các thế hệ trước. Tôi cho rằng đây là điều bình thường và càng cho thấy sự phong phú đa dạng của các khuynh hướng sáng tác. Và tôi cũng cho rằng chính vì sự đa dạng phong phú của các khuynh hướng sáng tác này đã đáp ứng và thỏa mãn được nhu cầu đọc của mọi tầng lớp độc giả.
Liệu với đề tài ấy, các tác giả trẻ, với sự thực tế, họ đang viết chủ yếu với mục đích là phục vụ thị hiếu công chúng?
- Các tác giả trẻ bây giờ thực tế hơn xưa. Với họ, văn chương là một phương tiện, nghề nghiệp và dĩ nhiên cũng là sở thích. Nhưng văn chương cũng là cách thức để họ kiếm sống, mang lại danh tiếng cho họ và do vậy, việc viết để phục vụ cho thị hiếu của số đông công chúng là điều đương nhiên. Tôi cho rằng không có điều gì là xấu cả. Công chúng có nhiều tầng lớp, nhiều trình độ tiếp nhận văn chương và việc nhà văn viết cho nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp khác nhau là hết sức bình thường. Với tôi, không có văn chương dành cho tầng lớp cao hay tầng lớp thấp, văn chương dành cho số đông đại chúng, chỉ có sáng tác hay hoặc dở mà thôi.
Rõ ràng thế hệ nhà văn 9X và thậm chí trẻ hơn số lượng ngày càng giảm sút, và khác hẳn với thế hệ nhà văn 7X và 8X trước đó, vì sao thưa chị?
- Thế hệ người cầm bút trẻ luôn nhận sự kỳ vọng của các thế hệ đi trước và chính họ cũng phải là những người ghi chép, phản ánh, lưu giữ và để lại cho văn chương những giá trị, văn hóa của thời đại mình. Phạm vi đề tài sáng tác cũng được mở rộng hơn. Nếu như ngày trước những người viết trẻ chủ yếu thành danh với những thể loại truyện tình cảm, tâm lý xã hội, những tác phẩm thơ tình, thì hiện nay nhiều người viết trẻ đã dấn thân vào những đề tài đòi hỏi kỹ thuật viết và sự đầu tư cho nghiệp viết một cách chuyên nghiệp và chuyên môn hơn. Đó là những đề tài về lịch sử, chiến tranh, trinh thám, kinh dị…
Độc giả do vậy có nhiều sự lựa chọn hơn và nhà văn trẻ cũng có nhiều cơ hội khẳng định được khả năng của mình. Các nhà văn 9X và 2K vì thiếu vắng kinh nghiệm sống, chưa trải nghiệm, nên dĩ nhiên số người cầm bút ít hơn, đồng thời đề tài họ chọn cũng khác hơn, chủ yếu đi vào dòng sách lịch sử, kỳ ảo, kinh dị, trinh thám… vì được phát huy tối đa sự hư cấu và tư liệu, mà không cần nhiều kinh nghiệm sống thực tế.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!