Văn hóa

Để văn học thiếu nhi không còn ‘khoảng trống’

THƯ HOÀNG 10/03/2024 07:37

Văn học thiếu nhi đã tồn tại những khoảng trống, đó là khoảng trống thế hệ, số nhà văn, nhà thơ viết cho các em không nhiều, và thị trường sách thiếu nhi ngoại lấn át sách nội… Để lấp những khoảng trống này, cần một chiến lược dài hơi, bài bản.

bai-chinh-1.jpg
Thị trường sách thiếu nhi đã có thêm nhiều tác phẩm mới. Ảnh: Việt Khánh.

Từ những cảnh báo cần thiết

Hội Nhà văn Việt Nam có hơn 1.000 hội viên, nhưng số nhà văn, nhà thơ chuyên tâm viết cho thiếu nhi không nhiều, thậm chí là rất ít. Thế hệ những nhà văn như Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Hoài Dương, Xuân Quỳnh, Vũ Tú Nam, Phong Thu… đã khuất núi. Những người còn lại như nhà thơ Định Hải, nhà văn Vũ Hùng… thì cũng đã già yếu, bệnh tật.

Những “thương hiệu” như Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn… thì lâu rồi không thấy công bố tác phẩm mới. Nhìn đi tính lại, số tác phẩm viết cho thiếu nhi của các tác giả trong nước mỗi năm chỉ khoảng chục tựa sách, còn lại thì luẩn quẩn vòng xoay tái bản. Tất nhiên, những cuốn sách được tái bản đều cơ bản là sách có thể đọc đi đọc lại, nhiều cuốn trong số đó là cuốn sách mà thế hệ thiếu nhi nào cũng cần và nên đọc. Nhưng như thế, vẫn là chưa đủ để bồi đắp “thực đơn tâm hồn” thế hệ thanh, thiếu niên ngày nay, bởi các em không chỉ đông đảo mà nhu cầu ngày một cao hơn, do sinh ra và lớn lên ở thời kỳ đổi mới, phát triển.

Vì thế, giữa sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn, tác phẩm viết cho thiếu nhi nếu không chịu đổi mới, không chịu cập nhật thì rất khó để thu hút được các em.

Chính vì thế, đã có thời điểm, báo chí và các phương tiện truyền thông khác đều đồng loạt cảnh báo về một “khoảng trống” khó lấp đầy ở mảng sách văn học cho thiếu nhi Việt Nam. Những tác phẩm do tác giả Việt viết cho thiếu nhi Việt chứ không phải những tác phẩm văn học của các nhà văn thế giới được dịch ào ào và xuất bản ở thị trường Việt Nam.

Không phải những cuốn sách đó không đáng đọc, mà nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại, nếu những tác phẩm đó là “dòng chủ đạo” thì tâm hồn thiếu nhi Việt Nam sẽ khó thấm sâu văn hóa Việt mà rất có thể sẽ thấm sâu văn hóa nước ngoài. Ở khía cạnh khác, thị trường sách thiếu nhi nếu cứ để “ngoại át nội” cũng không phải là điều hay.

Rất may, những cảnh báo này đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và chia sẻ của nhiều cơ quan, ban ngành, và các hội nghề nghiệp. Thời gian qua, người ta thấy ở lĩnh vực văn học - nghệ thuật dành cho thiếu nhi đã có sự khởi sắc. Một số giải thưởng đã mở ra, để tìm kiếm, tôn vinh những tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi. Đơn cử như Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn đã đi vào đời sống hơn 4 năm nay. Mỗi năm, giải thưởng này đều tìm kiếm, tôn vinh những tác giả - tác phẩm hay của thiếu nhi, và viết, vẽ cho thiếu nhi.

Không chỉ tôn vinh những tác giả thành danh xứng đáng, như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Trần Đức Tiến…; giải Dế Mèn còn phát hiện và ghi nhận những tác giả trẻ, thậm chí rất trẻ viết cho thiếu nhi, và viết về thiếu nhi. Có thể kể đến như các cây bút nhí: Cao Khải An, Nguyễn Vũ An Băng, Đoàn Nữ Thụy Phương…

Nhà xuất bản Kim Đồng không chỉ là nơi tìm kiếm, khơi gợi và làm “bà đỡ” mát tay cho nhiều tác phẩm cho thiếu nhi mà cũng đã phát động Giải thưởng văn học Kim Đồng - cuộc thi dành cho tất cả các cây bút chuyên và không chuyên. Cuộc tìm kiếm này kéo dài từ ngày 17/6/2023 đến hết ngày 31/3/2025, ở 3 thể loại: truyện ngắn, truyện dài và thơ. Các tác phẩm dự thi hướng tới đối tượng nhi đồng (6 - 10 tuổi) và lứa tuổi thiếu niên (11 - 15 tuổi).

Đặc biệt, Hội Nhà văn Việt Nam với sứ mệnh của mình cũng không đứng ngoài cuộc. Để góp phần “thay đổi cục diện”, Hội này đã phát động Cuộc vận động sáng tác đề tài văn học thiếu nhi. Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã sơ kết đợt 1.

Theo thống kê, từ khi phát động vào cuối năm 2021 cho đến ngày 15/6/2023 (hạn cuối của đợt 1), Ban Tổ chức đã nhận được 246 tác phẩm tham dự, trong đó có 102 tác phẩm thơ, 144 tác phẩm văn xuôi. Ban Tổ chức đã chấm chọn và trao giải thưởng cho 16 tác phẩm xuất sắc, gồm 1 giải A, 2 giải B, 5 giải C và 7 giải khuyến khích.

bai-chinh-anh-nho-cat-tron.jpg
Một số tác phẩm văn học cho thiếu nhi được xuất bản gần đây.

Càng nhiều giải thưởng càng tốt

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cuộc sống của các nhà văn không xoay quanh các giải thưởng, bởi không có các giải thưởng thì họ vẫn viết, vì niềm đam mê sáng tạo, lòng yêu nghề. Nhưng giải thưởng cũng tạo ra sự khích lệ với nhà văn vì họ được công nhận nỗ lực làm nghề của họ, đem lại niềm vui, sự khích lệ cho các nhà văn, nhất là những người viết cho thiếu nhi. Vì thế, theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, giải thưởng văn học thiếu nhi càng nhiều càng tốt.

Nhà văn Thái Chí Thanh - Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) thừa nhận, văn học thiếu nhi đã có một thời kỳ rực rỡ, nhiều “thế hệ vàng”, sáng tác những tác phẩm tuyệt vời cho xã hội, bao thế hệ trẻ em đã được “tắm” trên nền văn chương đó, làm nên nhiều kỳ tích. Tuy nhiên, mấy chục năm qua, văn học thiếu nhi không được quan tâm, vắng bóng dần và trong một thời kỳ khá dài, văn học thiếu nhi bị "khô hạn". Chính vì vậy, ước mơ của các nhà văn viết cho thiếu nhi là muốn đưa văn học thiếu nhi trở lại thời hoàng kim.

Quan sát thị trường sách cho thiếu nhi gần đây có thể thấy có sự khởi sắc. Nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trong nước xuất bản với nội dung hấp dẫn, hình thức đẹp đã được phụ huynh tìm mua, thiếu nhi tìm đọc. Còn từ những tác phẩm tham dự đợt 1 Cuộc vận động sáng tác đề tài văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phát động cũng có một số nét mới.

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, về nội dung cũng như hình thức thể hiện, có thể thấy sự phong phú mà văn học viết cho thiếu nhi có thể chạm tới. Đó là cách viết hết sức đa dạng, sinh động, giàu mỹ cảm với sự pha trộn của nhiều hình thức thể loại, thoát khỏi sự câu nệ vào các quy chuẩn, khuôn sáo, để tiến đến sự diễn đạt, truyền đạt tốt nhất, chính xác nhất.

Đáng mừng là trong đó có sự khởi sắc của những thể loại vốn chưa được lưu tâm phát triển trước đây như giả tưởng và khoa học viễn tưởng. Tín hiệu ấy cho thấy các tác giả đã chú trọng cân bằng cả nội dung lẫn hình thức để gia tăng độ gần gũi, tính thuyết phục, cuốn hút với bạn đọc thiếu nhi.

“Đa số các tác phẩm không chỉ giúp trẻ em cảm nhận được tình yêu cuộc sống, con người mà còn giúp các em hiểu biết và yêu thương thế giới xung quanh, biết tránh xa những thói hư tật xấu, đồng thời cũng thúc đẩy khả năng hòa đồng, khám phá thế giới, tạo tiền đề khơi mở tư duy sáng tạo…”, nhà văn Nguyễn Bình Phương bày tỏ.

Tìm kiếm, khuyến khích tác phẩm văn học Việt viết cho thiếu nhi Việt ở thời điểm này là hết sức cần thiết, nếu không sẽ trở thành quá muộn vì sự cạnh tranh của mạng xã hội và các thiết bị nghe nhìn.

“Chúng ta muốn trẻ em Việt Nam lớn lên, trở thành người tử tế và mang tên Việt Nam, thì sự tử tế đó phải chứa đựng vẻ đẹp văn hóa, phong tục, lịch sử Việt… Để làm được điều đó, cần có thật nhiều những tác phẩm văn học thiếu nhi mang đậm văn hóa Việt đến với các em, nhà thơ Nguyễn Quang Thiểu - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để văn học thiếu nhi không còn ‘khoảng trống’