“Một cánh én không làm nên mùa xuân, phải có nhiều cánh én. Tôi rất mừng vì hôm nay, tại đây đã có nhiều cánh én, mừng hơn cả là đã có những con sếu đầu đàn”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu đầy cảm xúc như vậy tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, do UBND tỉnh Thái Bình tổ chức mới đây, khi biết hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp mạnh, đã và sẽ đầu tư vốn vào lĩnh vực này, cam kết làm ăn lâu dài.
Đồng chiêm mùa gặt.
Thủ tướng nói: “Có một điều tôi hết sức phấn khởi và cảm động. Đó là các hội nghị, diễn đàn về nông nghiệp tổ chức thời gian qua tôi tham dự đều có không khí vô cùng sôi nổi, lạc quan, khí thế hừng hực, từ Hội nghị gặp mặt các nhà doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao do CLB Nông nghiệp công nghệ cao tổ chức; Hội nghị lúa gạo ở An Giang, Hội nghị chuyên đề về con tôm ở Cà Mau, phát động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam. Và, như hôm nay, tại Thái Bình...”
Và, không dừng lại ở những chia sẻ, tâm tình, tại Hội nghị này, UBND tỉnh Thái Bình đã trao quyết định đầu tư và trao giấy chứng nhận chấp thuận nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho 33 dự án do các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư, với tổng số vốn lên tới gần 26.000 tỷ đồng.
Có thể nói, đây là những con số rất có ý nghĩa. Nó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp không hề thờ ơ, ngược lại nhiều doanh nghiệp đã và đang sẵn sàng đồng hành vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với những “cú hích” này từ các doanh nghiệp có thể tin rằng trong tương lai gần đời sống nông nghiệp, nông thôn ở Thái Bình nói riêng, cả nước nói chung sẽ có những chuyển động tích cực...
Với sự tin tưởng, lạc quan, tại Hội nghị, Thủ tướng đã nêu ra tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn mới không chỉ cho tỉnh Thái Bình mà rộng ra là cho những địa phương có điều kiện tương tự, đó là: tiên phong, khơi nguồn đổi mới, trù phú, giàu có dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chất lượng cao và công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp; đầu tư cho chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng lớn, mang thương hiệu quốc gia, đại diện cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới...
Để hiện thực hóa được tầm nhìn trên, trong bối cảnh hiện nay cần rất nhiều tư duy, hành động mới, cả từ phía Chính phủ, chính quyền các địa phương và cả từ phía các doanh nghiệp và người dân. Ở tầm vĩ mô, những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về tam nông thời gian qua là rất quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, xã hội, nhất là các doanh nghiệp đã và sẽ làm ăn trong lĩnh vực nông nghiệp đang rất cần những chính sách cụ thể.
Như đề xuất của bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk là Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần khẩn trương ban hành các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và các chính sách đi kèm. Theo bà Hương, hiện vẫn có sự lẫn lộn, không rõ ràng về tiêu chí khiến các doanh nghiệp không có căn cứ thực hiện, dẫn đến có sự cạnh tranh không lành mạnh.
Mặt khác, vai trò của các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa hiện được xác định là đặc biệt quan trọng. Thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn đang là “khao khát” của nhiều địa phương. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì thấy kết quả thu hút của các địa phương có sự chênh lệch lớn, dù có chung một cơ cấu tổ chức bộ máy, cùng các điều kiện về thiên nhiên, con người, đất đai, cùng một khung cơ chế, chính sách. Sự khác biệt ở đây là gì?
Nói về một trong những lý do để TH True Milk chọn Thái Bình làm địa chỉ đầu tư, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn chia sẻ. “Vai trò của chính quyền các địa phương, người đứng đầu hết sức quan trọng. Quá trình làm việc ở Thái Bình, chúng tôi cảm thấy mình thực sự là khách quý, không phải chạy vạy gì hết, ngồi tại chỗ vẫn được chính quyền cung cấp đầy đủ các thủ tục. Hãy tin tưởng, động viên, khích lệ chúng tôi. Nếu được động viên, khích lệ bảo chúng tôi lội xuống ao, xuống ruộng chúng tôi cũng lội”.
Từ chia sẻ của bà Thái Hương có thể thấy ở đâu bộ máy chính quyền vẫn còn giữ nguyên tư duy quản lý cũ, coi doanh nghiệp là đối tượng “để hành”, “để kiếm chác” sẽ không thể nhận được cái “bắt tay” của doanh nghiệp, thất bại trong việc thu hút đầu tư là điều dễ hiểu...
Mời được doanh nghiệp về đầu tư đã là một việc khó, khó hơn là đảm bảo các điều kiện cần thiết, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài. Đối với các dự án nông nghiệp, yêu cầu đầu tiên của doanh nghiệp là có được diện tích đất đai đủ lớn để triển khai. Đáp ứng yêu cầu này đang là việc rất khó với nhiều địa phương.
Bởi lẽ, ruộng đất hiện đều được chia nhỏ, giao quyền canh tác lâu dài cho các hộ nông dân. Không có sự đồng thuận, hợp tác bằng cách cho thuê hoặc góp cổ phần bằng ruộng đất của nông dân không thể có các dự án nông nghiệp tập trung. Tháo gỡ việc này như thế nào?
Theo đại diện chính quyền tỉnh Thái Bình, thời gian qua, tỉnh này đã tích tụ được khoảng 7.000 ha ruộng đất phục vụ các dự án sản xuất nông nghiệp tập trung. Phương châm, cơ chế của tỉnh là vận động nông dân có đất, nhất là các hộ không còn nhu cầu canh tác ủy quyền cho chính quyền địa phương cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê để tổ chức sản xuất với thời gian, đơn giá, phương thức thanh toán tiền thuê đất theo thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê đất, trên cơ sở không trái với các quy định hiện hành của pháp luật.
Trước đó, để có quỹ đất triển khai một số dự án nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn trên địa bàn, chính quyền tỉnh Hà Nam cũng đã thực hiện theo cách này. Theo đó, Thái Bình, Hà Nam vẫn đảm bảo nguyên tắc ruộng đất vẫn thuộc quyền sử dụng của nông dân.
Khi tham gia liên kết, ngoài được hưởng tiền cho thuê ruộng đất, những người có nhu cầu, đáp ứng các điều kiện được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc tại dự án, trở thành công nhân nông nghiệp, được trả lương và các chế độ khác. Đây là những lý do để nhiều hộ nông dân tin tưởng, đồng hành, hợp tác cùng doanh nghiệp. Các địa phương đang gặp khó khăn cần tham khảo, vận dụng kinh nghiệm này.
Cũng cần nói thêm, nếu chỉ có các doanh nghiệp và các hộ nông dân, chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp cũng khó được hình thành, cần phải có thêm cầu nối. Làm tốt vai trò này, không tổ chức nào làm tốt hơn các HTX nông nghiệp ở các địa phương.
Tuy nhiên, có một thực tế, sau nhiều năm tồn tại, hiện nhiều HTX hoạt động không hiệu quả, nhiều đơn vị còn chưa kịp chuyển đổi hoạt động theo luật mới năm 2012, tồn tại theo kiểu “hữu danh vô thực”, “bình mới, rượu cũ”. Với “thể trạng” như hiện nay, rất khó để các HTX trên làm tốt vai trò cầu nối của mình. Để hình thành được chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, rõ ràng cấp ủy, chính quyền ở các địa phương không thể bỏ qua mà cần sớm có giải pháp cho vấn đề này.
Cuối cùng, đúng là chính quyền và nông dân ở các địa phương đang rất cần sự liên kết đầu tư, đồng hành của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ cần là cần những doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực sự muốn gắn bó với nông nghiệp, nông dân. Thực tế cũng cho thấy, mang cung cách chụp giật, vô trách nhiệm, thiếu tính nhân văn, trục lợi chính sách để làm ăn với số đông nông dân, chưa có doanh nghiệp nào thành công!