Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Tìm hướng tiếp cận người trẻ

Minh Quân (ghi) 27/09/2021 06:30

“Chúng tôi xác định, trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, sẽ tập trung vào nghiên cứu giá trị Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ nghiên cứu đưa ra hoạt động, sản phẩm khi khách tham quan trở lại…”. Đó là một hướng để phát huy giá trị của di tích mà TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

Viết tiếp hành trình di sản

Cách đây 2 ngày tôi có đọc bài viết của một bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh với tiêu đề “Ai có trách nhiệm giữ truyền thống?”. Trong câu chuyện của bạn có chia sẻ: Ở một số nước, người trẻ thường thích cái mới, thích sự thay đổi nên truyền thống là trách nhiệm của người lớn tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay các giá trị truyền thống đang có sự chung tay của rất nhiều bạn trẻ. Hiện nay giới trẻ không chỉ quan tâm, thao thức muốn làm gì đó để giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử trong đời sống đương đại. Và ý tưởng thực hiện tọa đàm “Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt” ngày 26/9 cũng xuất phát từ chính những người trẻ.

Tại tọa đàm, diễn giả Hoàng Đoan Trang, giảng viên về Ngôn ngữ và Văn học Anh Mỹ cho rằng: Di tích nên hướng tới mục tiêu trở thành không gian mở và là nơi sinh hoạt chung của những người yêu lịch sử khác nhau. Làm cách nào tạo sự tương quan giữa nội dung lịch sử với cuộc sống hiện tại, đặc biệt là quá trình toàn cầu hoá. Bên cạnh đó, thông qua nền tảng mạng xã hội việc tiếp cận các giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ đa dạng về lứa tuổi và còn lan toả được khắp mọi miền đất nước và quốc tế.

Sự ra đời của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (thế kỷ XI) là một hiện tượng văn hóa. Đó là quá trình phát triển từ mười thế kỷ trước đó. Văn Miếu - Quốc Tử Giám thể hiện sự chủ động của người Việt trong tiếp nhận tinh hoa văn hoá bên ngoài, trên nền tảng căn cốt văn hoá dân tộc vững bền để bước vào giai đoạn tự chủ, xây dựng đất nước. Đặc biệt, chúng ta có thông tin thú vị là năm 1903 khi đại dịch xảy ra ở Hà Nội thì Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành nơi cách ly cho bệnh nhân. Người Pháp đã từng có ý định xây dựng một bệnh viện trên Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di dời Văn Miếu đi chỗ khác. Nhưng cuối cùng, giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã chiến thắng.

Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành lập năm 1988. Cái tên đã biểu thị định hướng cho di tích. Đây không phải Ban quản lý di tích mà là một đơn vị có trách nhiệm tổ chức các hoạt động để phát huy di tích. Với khoảng thời gian hơn 30 năm, với sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ người làm việc tại đây và sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, di tích từ chỗ xuống cấp nặng nề như nhà dột, khu Thái Học là bãi hoang… đã được tu bổ, xây dựng và có diện mạo, cảnh quan đẹp. Đó là thành quả có ý nghĩa trong quá trình tu bổ, tôn tạo, bảo tồn phát huy di sản của Hà Nội và Việt Nam.

Hiểu đúng về giá trị văn hoá

Trong điều kiện hiện nay, từ cách mạng công nghệ 4.0, hội nhập quốc tế và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động rất nhiều các hoạt động, trong đó có di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Với người làm việc tại đây, niềm vui lớn nhất là đón khách, học hỏi, nghiên cứu học tập. Nhưng mấy tháng nay không có bóng dáng của vị khách đến. Trên những nền gạch, đường đi của di tích mốc rêu. Bên cạnh đó, liên quan đến câu chuyện của người lao động, đương nhiên không có khách tham quan người lao động phải nghỉ không có lương, tác động đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng đó là những cái khó chung của cả thế giới. Ở Việt Nam hiện nay lực lượng tuyến đầu đang gồng mình giúp bệnh nhân vượt qua. Do đó, khó khăn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ là một phần. Chúng tôi xác định, trong thời gian này khi không có khách, chúng tôi có thời gian để lắng lại, tập trung vào nghiên cứu giá trị của di tích. Từ nghiên cứu đưa ra hoạt động, sản phẩm khi khách tham quan trở lại có sản phẩm phục vụ khách, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách tham quan. Bên cạnh đó, bộ máy truyền thông của di tích cũng đã tích cực chuẩn bị nội dung với tinh thần di tích đóng cửa nhưng di tích trên nền tảng trực tuyến lúc nào cũng mở cửa giới thiệu đến du khách.

Trong thời gian qua nhiều người nhận định, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã lột xác với logo mới, ra mắt nhiều dự án mới. Đây như một sự chuyển mình để di tích hấp dẫn hơn với giới trẻ. Mặc dù, bản thân tôi rất “ám ảnh” bởi khái niệm lột xác. Bởi vào cuối năm 2016 khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức quét vôi một số bức tường mới đã gặp nhiều ý kiến trái chiều như “Biến di tích thành 0 ngày tuổi” mặc dù đó là hạng mục xây mới, cần bảo trì. Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi lưu giữ những giá trị, giá trị đó thuộc về truyền thống có sức sống qua thời gian. Vấn đề của chúng ta là giá trị truyền thống là nhu cầu số đông người, chuyển hoá thành hành vi, lối sống. Sức sống của nó từ bản thân nó. Truyền thống không tốt thì cuộc sống sẽ đào thải.

Thực tế cho thấy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm mới nhưng giữ nguyên tắc, tất cả những gì thuộc về truyền thống sẽ phải giữ gìn, không làm mới giá trị đó. Vấn đề hiện nay, làm mới có nghĩa là đánh thức các giá trị đó. Chỗ nào nhận diện chưa đúng thì nhìn nhận lại, như trước đây một số bạn trẻ trước kỳ thi đến sờ đầu rùa hay vái ở bia Hạ Mã. Giá trị ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đạo học. Chúng ta có người thầy rất đáng kính như Chu Văn An. Từ hành động, lời nói của thầy giáo Chu Văn An đều được học trò noi gương. Hay những tấm bia tiến sĩ cũng thế, đó là lời răn của kẻ sĩ. Ở đó, khi chúng ta đỗ đạt phải ý thức làm thế nào để phụng sự đất nước, để tên được lưu danh. Không phải đỗ đạt chỉ lo cho dòng họ, gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Tìm hướng tiếp cận người trẻ