Dù là thời điểm cuối năm học nhưng các vụ bạo lực học đường vẫn xảy ra liên tiếp gây bức xúc, lo lắng của các bậc phụ huynh và xã hội. Vì sao tình trạng này vốn là một vấn đề nhức nhối, các vụ việc xảy ra ngày càng nghiêm trọng nhưng đến nay chưa tìm ra giải pháp hiệu quả?
Hành vi ngày càng thô bạo
Theo ghi nhận, các vụ bạo lực học đường xảy ra ở nhiều cấp học, không chỉ là THCS, THPT, đại học mà còn ở bậc tiểu học khiến cho dư luận không khỏi lo ngại. Đáng lưu ý, hành vi bạo lực học đường ngày càng thô bạo khiến dư luận bức xúc.
Mới đây, một clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một sinh viên lao vào đánh một sinh viên khác trước sự chứng kiến của nhiều người. Nạn nhân sau đó phải nhập viện vì mất nhiều máu. Trường Đại học FPT Campus Hòa Lạc (Hà Nội) xác nhận, vụ việc xảy ra do mâu thuẫn cá nhân giữa 2 sinh viên này.
Trước đó, trên mạng xã hội chia sẻ clip một nữ sinh bị 4-5 học sinh khác đánh hội đồng. Một nữ sinh sau đó còn có hành động lột áo nạn nhân. Khi có nam sinh tỏ ý can ngăn, nhóm học sinh này tiếp tục đánh cả nam sinh trên. Sự việc diễn ra ngay tại lớp học. Được biết, nữ sinh bị đánh trong đoạn clip đang học lớp 8 tại Trường THCS Minh Đức (huyện Ứng Hòa, Hà Nội)...
Ngay cả học sinh tiểu học cũng sẵn sàng “châm ngòi” bạo lực. Thông tin từ cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ngày 22/4, em K.T.T. (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Mỹ Lương) đốt vở của em M. và đổ lỗi cho em Tr. (học cùng lớp T.). Sau đó, T. gặp Tr. để xin lỗi. Thấy vậy, em Nh. (đang đi cùng Tr.) đã tát T. và không cho xin lỗi. Ngày 29/4, một số học sinh đã hẹn gặp T. tại sân nhà văn hóa của thôn (thuộc xã Mỹ Lương) để “cho phép” nữ sinh này xin lỗi. Tại đây, em T. nói với các bạn rằng “tớ cởi đồ ra thì các bạn tha lỗi cho tớ”. Sau đó, T. tự cởi áo của mình và bị một học sinh quay clip. Đến ngày 15/5, đoạn clip này bị phát tán trên mạng xã hội.
Không chỉ học sinh đánh nhau, mà tình trạng cô giáo mầm non bạo hành trẻ vẫn âm thầm diễn ra. Gần đây nhất là vụ việc giáo viên mầm non tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) tát vào mặt bé trai 2 tuổi 31 lần trong bữa ăn. Hành vi bạo lực của cô giáo khiến dư luận bất bình, phụ huynh hoang mang.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến - Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), những cá nhân từng bị bắt nạt trên mạng xã hội cho biết, họ có mức độ trầm cảm và ý định tự tử cao hơn, cũng như gia tăng cảm xúc đau khổ, thái độ thù địch bên ngoài và hành vi phạm pháp. “Tuy nhiên, cho đến nay, không có đủ bằng chứng để kết luận bắt nạt là nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử ở thanh thiếu niên” - bác sĩ Yến nói.
Ở góc nhìn khác, bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng Phòng Tâm thần Nhi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, trẻ em bị bắt nạt, bị bạo lực học đường, nhưng đôi khi cha mẹ coi xô xát là chuyện bình thường của trẻ em nên không để tâm, không coi trọng. Hoặc khi học sinh phản ánh với thầy cô giáo nhưng thầy cô cũng coi đây là chuyện bình thường. Chính vì sự thờ ơ, không đánh giá thông tin khi tiếp nhận đã vô tình để các em không có chỗ chia sẻ, kêu cứu và gây ra hậu quả đáng tiếc.
Cần xử phạt nghiêm
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, bạo lực học đường không mới nhưng không bao giờ cũ. Vấn đề này ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, đạo đức của học sinh, giáo viên cũng như đạo đức xã hội. Trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường không chỉ của riêng ngành giáo dục. Do đó cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có kỹ năng giải quyết xung đột trong trường học. Chúng ta phải tăng cường công tác tham vấn học đường, cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Cụ thể hơn, ThS Nguyễn Thúy Quỳnh - giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kiến nghị, cần có giải pháp ở nhiều cấp độ để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Theo đó, ở cấp độ cá nhân, mỗi học sinh cần tự học hỏi, rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng từ chối… Các con cần chủ động tìm hiểu và hỏi thêm thầy cô, cha mẹ để biết cách phòng tránh trong những tình huống nguy hiểm có thể bất ngờ xảy đến. Ngoài ra, khi con gặp sự việc khó giải quyết thì hãy chia sẻ, tâm sự với người lớn, bạn bè xung quanh.
Ở cấp độ trường học, nhà trường cần lồng ghép nội dung giảng dạy phòng, chống bạo lực học đường vào các hoạt động sinh hoạt tập thể để tuyên truyền, phổ biến đến học sinh về biểu hiện, hậu quả và cách ứng phó với bạo lực học đường. Vấn nạn này chỉ có thể chấm dứt khi chúng ta có một tập thể sư phạm tốt và biết đặt lợi ích của học sinh làm tiêu chí hàng đầu trong sự phát triển của nhà trường.
Đối với xã hội, cần tăng cường tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng cách phủ sóng các hình ảnh, video về hành động đẹp trong trường học, các việc làm tốt, các hình ảnh đẹp liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường.
Nhấn mạnh việc xử lý nặng là liều thuốc mạnh đẩy lùi bạo lực học đường, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam đề nghị: Phải xử lý thật nặng, không có vùng cấm. Em nào cứ mắc đi mắc lại tội kéo bè, kéo cánh để đánh bạn, cần thiết phải đuổi học. Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải đưa vào trại giáo dưỡng. Chúng ta không sợ xử phạt nặng thì hỏng mất một con người. Có khi việc xử phạt nặng lại là liều thuốc mạnh làm cho các học sinh này tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, những em là nạn nhân của bạo lực học đường thì việc nên làm là không được giấu giếm mà phải tìm đến những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô, phòng tư vấn tâm lý trường học để chia sẻ và cùng tìm giải pháp để xử lý.