Từ khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng giải pháp bán vàng trực tiếp cho các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC, đến nay, giá vàng liên tục giảm.
Giá vàng giảm liên tục 9 phiên gần đây
Trên thị trường sáng 7/6, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giá bán vàng ngày 7/6, các doanh nghiệp kinh doanh vàng giữ nguyên giá bán. Công ty SJC và Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng (mua vào) - 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi so với ngày 6/6.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua và giữ nguyên chiều bán, để là 75,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng thế giới đang giao dịch tại mức 2.377,5 USD/ounce, quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước gần 4 triệu đồng/lượng.
Trước đó, ngày 6/6, NHNN bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và công ty SJC có giá là 75,98 triệu đồng/lượng. Mức giá này tiếp tục giảm thêm 1 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó. Như vậy đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp kể từ khi NHNN triển khai phương án bán vàng miếng trực tiếp qua các ngân hàng thương mại và Công ty SJC, với tổng mức giảm là 3 triệu đồng/lượng kể từ ngày 3/6. Với biện pháp bình ổn từ NHNN, giá vàng giảm liên tục 9 phiên gần đây; sụt hơn 13 triệu đồng mỗi lượng.
Tính ra, người mua vàng SJC từ ngày 3/6 so với phiên hôm 7/6 đã bị thiệt 3 triệu đồng/lượng. Còn nếu tính cả chênh lệch mua vào - bán ra thì lỗ 5 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay giao dịch quanh 2.370 USD/ounce. Quy đổi ra giá Việt Nam đang tương đương khoảng 73,5 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí, vận chuyển). Như vậy, giá bán ra vàng SJC trên thị trường đang cao hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh, giá vàng mỗi ngày giảm khoảng 1 triệu và có thể sẽ còn giảm. Ông Linh cũng cho rằng chúng ta cần chấp nhận vẫn còn chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới ở một mức độ nào đó, không nên đặt ra mục tiêu giảm không còn chênh trong một sớm một chiều. Mức chênh lệch 10%-15% là chấp nhận được.
Thực tế khi giá vàng giảm, nhiều cửa hàng vàng đã ngừng bán. Khoảng 10 giờ 30 ngày 6/6 tại cửa hàng vàng của SJC ở 18 Trần Nhân Tông và điểm bán vàng của BIDV ở 74 Thợ Nhuộm (Hà Nội) đã ngừng nhận đăng ký mua vàng. Nhìn chung tại các điểm bán vàng bình ổn, 8 giờ 30 mới làm việc nhưng người dân đã xếp hàng dài từ 6-7 giờ sáng. Để mua được vàng thì phải mất cả ngày, có thể kéo sang cả ngày hôm sau. Nhiều người than, có tiền cũng không dễ mua được vàng.
TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế phân tích, nếu NHNN bán cho nhóm ngân hàng Big 4 với giá tương đương giá thế giới thì không thể đủ nguồn cung vì ai cũng chen mua dù chưa có nhu cầu. Vì vậy, NHNN sẽ bán theo giá thế giới cộng thêm độ chênh lệch nhất định để đảm bảo từng bước giảm độ chênh giữa giá vàng Việt Nam với thế giới và phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, lượng bán cũng sẽ chia nhỏ mỗi lần để đưa từ từ vào thị trường, từng bước giảm giá vàng trong nước cho phù hợp.
Ông Hiển cũng cho rằng, chúng ta phải chấp nhận giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch nhất định và sẽ hạ dần theo thời gian mà lượng vàng được NHNN tung ra, cũng như người dân bắt đầu chuyển qua các kênh khác như gửi tiền ngân hàng, mua bất động sản, hay sản xuất kinh doanh. Sau một thời gian xử lý, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đưa về khoảng khoảng 2-4 triệu đồng/lượng là hợp lý.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, giá vàng SJC có thể còn dư địa giảm tiếp, người dân nên chọn thời điểm giao dịch hợp lý, tránh tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội.
Đủ nguồn lực vàng để cung ứng
NHNN khẳng định có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Người dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu.
Đại diện NHNN khẳng định, cơ quan này có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Thực hiện chủ trương thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, NHNN đang triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường và đã đạt được những kết quả bước đầu.
"Hiện đang lan truyền thông tin thất thiệt về việc NHNN thiếu vàng để bán. Tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. NHNN đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường. Với việc duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân, NHNN cũng sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng tại đầu cơ, gom hàng" - đại diện NHNN cho biết.
Theo NHNN, việc đang thanh tra để làm rõ các sai phạm nếu có của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng cũng đang được khẩn trương, quyết liệt triển khai, đặc biệt lở Hà Nội và TPHCM.
NHNN khẳng định có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. “Người dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu" - đại diện NHNN nhấn mạnh.
Tính đến ngày 7/6, thị trường vàng đã trải qua 5 ngày liên tiếp NHNN thực hiện phương thức bình ổn thị trường bằng cách bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), để người dân có thể mua vàng trực tiếp từ các đơn vị này.
Theo PGS Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế quốc dân, giải pháp được NHNN áp dụng cho thấy phản ứng thận trọng, thăm dò động thái phù hợp nhằm tăng lượng cung, qua đó kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Nhưng vị chuyên gia này cũng khuyến nghị, các ngân hàng cần phản ứng linh hoạt hơn và cần duy trì bán vàng thường xuyên, điều chỉnh tăng lãi suất để phán tán dòng tiền để hướng vào phát triển các dự án đầu tư mới, đầu tư sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp... giúp nền kinh tế bền vững.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu tiêu dùng vàng nói chung của Việt Nam trong quý đầu năm nay đạt 18,3 tấn, tăng 6,13% so với cùng kỳ năm 2023 và lọt top 10 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Trong đó, nhu cầu vàng miếng và vàng xu chứng kiến mức tăng 12% so với cùng kỳ, ở mức 14,1 tấn.