Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong các hoạt động tín dụng đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn bền vững, hiệu quả.
Không ngừng lớn mạnh
Trải qua chặng đường hơn 15 năm xây dựng và trưởng thành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB đã có nhiều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. So với các ngân hàng khác trong hệ thống, VDB tuy không phải là anh cả trong ngành, nhưng đã thể hiện được vị trí và vai trò quan trọng trong các hoạt động tín dụng đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bền vững, hiệu quả trong từng giai đoạn.
Xác định rõ vai trò nhiệm vụ mà Chính phủ giao, từ sau khi ra đời VDB vẫn luôn bám sát các nhiệm vụ, chức năng như: Huy động, tiếp nhận vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tín dụng xuất khẩu theo quy định của Chính phủ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn ODA được Chính phủ cho vay lại; nhận ủy thác, cấp phát cho vay đầu tư và thu hồi nợ của khách hàng từ các tổ chức trong và ngoài nước thông qua hợp đồng nhận ủy thác giữa VDB với các tổ chức ủy thác; ủy thác cho các tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện nghiệp vụ tín dụng của VDB; cung cấp các dịch vụ thanh toán cho khách hàng và tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế phục vụ các hoạt động của VDB theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra VDB còn thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu và một số nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhìn chung qua quá trình hoạt động và trưởng thành, chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước thông qua VDB có nhiều thay đổi và ngày càng hoàn thiện căn bản qua từng giai đoạn.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo kiên quyết kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, sự phối hợp, giúp đỡ của chính quyền các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp cũng như quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, nhân viên của VDB.
Trong hơn 15 năm thực thi chính sách tín dụng Nhà nước, VDB đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, từng bước phát huy được vai trò ngân hàng chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ những ngành, nghề mũi nhọn chương trình kinh tế trọng điểm, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực sản xuất của nền kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng hưởng lợi của dự án.
Nhờ phát huy được năng lực trách nhiệm, VDB cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao quản lý huy động vốn và đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quản lý cho vay có hiệu quả các nguồn vốn theo Chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn; tôn nền vượt lũ để xây dựng cụm, tuyến dân cư ở vùng ngập Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); quản lý vốn ủy thác từ các Quỹ Đầu tư phát triển của các địa phương; huy động ủy thác cho các địa phương…
Kể từ khi thành lập đến nay, VDB đã cho các chủ đầu tư dự án vay hơn 220 nghìn tỷ đồng vốn TDĐT của Nhà nước. Số vốn TDĐT của Nhà nước mà VDB cho vay trong giai đoạn này chiếm khoảng 0,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), hơn 1,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và gần 4% vốn ĐTPT từ khu vực Nhà nước cùng thời kỳ.
Các dự án mà VDB cho vay đầu tư là những dự án thuộc các ngành, lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích phát triển như: sản xuất điện, thép, xi măng, phân bón...; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước, phát triển quỹ nhà ở tập trung, bảo vệ môi trường; các dự án phát triển nông thôn (phát triển giống thuỷ sản, giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng cơ sở chế biến gia súc, gia cầm tập trung); các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hoá giáo dục, y tế...; các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn.
Phần lớn những dự án vay vốn TDĐT tại VDB có tổng mức đầu tư lớn, thời gian đầu tư và thu hồi vốn kéo dài nên các ngân hàng thương mại ít khi cho vay vì không đủ tiềm lực tài chính hoặc không muốn gánh chịu rủi ro. Do đó, việc tiếp cận được với nguồn vốn TDĐT của VDB đã giúp cho các chủ đầu tư đủ sức thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng: Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Ninh Bình, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH...
Bên cạnh việc cho vay đối với các dự án của từng chủ đầu tư riêng lẻ, VDB còn cho vay đầu tư đối với nhiều dự án thuộc các chương trình kinh tế trọng điểm của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển KT-XH trong từng thời kỳ. Ngoài ra, VDB còn cho vay một lượng vốn tương đối lớn đối với các chương trình mang tính xã hội khác (cho ngân sách các địa phương vay để thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, tôn nền vượt lũ; xây dựng hệ thống cấp nước, xử lý rác thải...).
Các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn TDĐT của VDB hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng hưởng lợi của dự án, thông qua việc tạo ra nhiều việc làm mới, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo và các bệnh viện, cải thiện môi trường sống…
Với việc cung ứng một lượng vốn đầu tư phát triển tương đối lớn cho nền kinh tế, hoạt động TDĐT của VDB trong những năm qua đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, không chỉ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà còn đem lại những hiệu quả rất lớn về mặt xã hội.
Có thể nói thông qua VDB quản lý cho vay có hiệu quả các nguồn vốn theo các chương trình: Kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, năng lượng nông thôn, tôn nền vượt lũ vùng ĐBSCL, trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc, đầu tư nâng cấp và xây mới các bệnh viện công lớn tuyến Trung ương và hệ thống trường học các cấp trên cả nước, quản lý vốn ủy thác từ các Quỹ Đầu tư phát triển của các địa phương… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu Quốc gia về: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước
Nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, VDB đã và đang tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động để thực hiện có hiệu quả vai trò hỗ trợ phát triển nền kinh tế trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước.
Tiếp tục đổi mới về tư duy quản trị hoạt động theo hướng cải cách công tác quản trị điều hành bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và phát huy sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh trong nước và trên thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, VDB xác định tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, chủ động, trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ, kế hoạch, từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, tạo nền tảng vững chắc bước vào giai đoạn phát triển mới. Phát huy hơn nữa vai trò ngân hàng chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ phát triển nền kinh tế, góp phần đưa đất nước vươn cao tầm vóc và hội nhập quốc tế.
Với việc cung ứng một lượng vốn đầu tư phát triển tương đối lớn cho nền kinh tế, hoạt động TDĐT của NHPT trong những năm qua đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, không chỉ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà còn đem lại những hiệu quả rất lớn về mặt xã hội.
VDB đồng hành phát triển vùng ĐBSCL
Ở vùng ĐBSCL, VDB có 5 Chi nhánh gồm: Chi nhánh NHPT KV Cần Thơ (bao gồm phòng GD Vĩnh Long, phòng GD Sóc Trăng); Chi nhánh NHPT KV Đồng Tháp - An Giang; Chi nhánh NHPT KV Sông Tiền (bao gồm phòng GD Trà Vinh, phòng GD Tiền Giang); Chi nhánh NHPT khu vực Minh Hải (bao gồm phòng GD Bạc Liêu), Chi nhánh NHPT Kiên Giang. Đến nay, tổng dư nợ gốc toàn khu vực ĐBSCL các chi nhánh VDB đang quản lý trên 10.700 tỷ đồng của 148 dự án. Trong đó, dư nợ nguồn vốn TDĐT 1.766 tỷ đồng.
Chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước có tác động mạnh mẽ, tích cực đến các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới; các chương trình, dự án lớn và sản phẩm trọng điểm đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và của cả nước. Các dự án/khoản vay đầu tư được quan tâm và cho vay thuộc các ngành kinh tế sau: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; Vận tải kho bãi; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; Hoạt động của đảng Cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; bảo đảm xã hội bắt buộc; Giáo dục và đào tạo; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Hoạt động dịch vụ khác,…
Cụ thể như Chương trình kiên cố hóa kênh mương ở khu vực ĐBSCL, được triển khai qua 2 giai đoạn, đoạn 1 từ 2000-2009, giai đoạn 2 từ 2009-2016 và được vay vốn VDB với lãi suất 0%. Qua 2 giai đoạn triển khai thực hiện chương trình cùng với nguồn lực của ngân sách địa phương, VDB đã huy động vốn đáp ứng đủ vốn theo kế hoạch được giao để thực hiện chương trình. Tổng số vốn đã giải ngân theo chương trình là 6.350 tỷ đồng.
Có thể nói thông qua nguồn vốn từ VDB đã giải ngân thực hiện cho chương trình kiên cố hóa kênh mương ở khu vực ĐBSCL đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng cho các địa phương đã được bê tông hóa, có thể sử dụng lâu dài phục vụ tưới tiêu cho các sản phẩm nông nghiệp, như: lúa, rau màu, nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng đưa sản xuất nông nghiệp tại nhiều khu vực theo hướng hiện đại hóa, đường giao thông nông thôn được kiên cố, bê tông hóa tại ĐBSCL; các cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề được cải tiến rõ rệt, tạo điều kiện phát triển ngành nghề, phát triển thủy sản, phục vụ đời sống dân cư và xuất khẩu và đầu tư xây dựng lưới điện, trạm bơm góp phần cho các địa phương chủ động về nguồn nước trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ lụt, ngập úng khi thay đổi thời tiết.
Hay Chương trình tôn nền vượt lũ được triển khai qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2005-2009, giai đoạn 2 từ 2009-2012 do VDB giải ngân với lãi xuất 0%, tổng số vốn giải ngân khoảng 1.438 tỷ đồng. Đây là chương trình trọng điểm, có tính chiến lược của Chính phủ, mục tiêu của chính phủ là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng cụm tuyến đường dân cư và nhà ở vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu di dời, ổn định đời sống cho các hộ dân trong các khu vực sạc lỡ, nguy hiểm, bảo đảm người dân vùng ngập lũ có cuộc sống an toàn, ổn định và không phải di dời khi có lũ lụt xảy ra.
Đầu tháng 4/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đó sẽ có nhiều công trình, dự án đầu tư cho vùng đòi hỏi nguồn vốn lớn, VDB sẽ tiếp tục đồng hành thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện nghị quyết qua từng giai đoạn.
Có thể thấy trong quá trình hoạt động VDB đóng vai trò quan trọng trong huy động các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu rất lớn về vốn đầu tư cho các dự án đầu tư công của Nhà nước (kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường...). Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, 2045 và những năm tiếp theo, vai trò của VDB không thể thiếu, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn trong bối cảnh nhu cầu về vốn cho đầu tư phát triển ngày càng tăng cao, trong khi đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước luôn không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng.
VDB được xem là công cụ tài chính hữu hiệu rất cần thiết trong thời kỳ qúa độ của Nhà nước, thực hiện vai trò mà trong bất cứ nền kinh tế xã hội nào cũng phải có, điều tiết kinh tế vĩ mô, khắc phục khiếm khuyết của cơ chế thị trường.
Ngoài ra, VDB cũng là một công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách TDĐT phát triển của Nhà nước, nhằm tạo đòn bẩy tài chính mạnh của Nhà nước để điều tiết, định hướng, khỏa lấp khoảng trống thị trường bên cạnh chính sách thuế khóa, đất đai, đầu tư...
Từ những kết quả trên cho thấy, vốn tín dụng của ngành ngân hàng nói chung trong đó có VDB đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.