Về Bắc Giang gặp “Vua dê” xứ Bắc

Anh Chuối 31/08/2023 13:07

Không chỉ là người nuôi dê nhiều nhất ở tỉnh Bắc Giang, mà người đàn ông ở huyện Hiệp Hòa này còn là người mua, bán dê lớn nhất ở Việt Nam, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 60 tấn dê hơi.

Người đầu tiên nuôi dê nhốt chuồng, chăn cám ở miền Bắc

Trong chuyến công tác tại tỉnh Bắc Giang, phóng viên tình cờ được nghe câu chuyện về người đàn ông được mệnh danh “Vua dê” xứ Bắc có tên là Ngô Văn Biên. Anh Biên năm nay 50 tuổi, là người nuôi dê nhiều nhất ở tỉnh Bắc Giang và nằm trong số những người buôn bán dê lớn nhất ở Việt Nam.

Anh Ngô Văn Biên, người được mệnh danh “Vua dê xứ Bắc”.
Anh Ngô Văn Biên, người được mệnh danh “Vua dê xứ Bắc”.

Để mục sở thị câu chuyện này, chúng tôi đã lên đường tìm về xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, là nơi anh Biên đang sinh sống cùng gia đình. Cảm nhận ban đầu, anh là người rất thân thiện, nhiệt tình với mọi người và cẩn thận trong công việc.

Anh Biên kể rằng, từ năm 1999 anh đã đi buôn dê hơi, mua từ miền núi về và bán cho các nhà hàng. Đến năm 2002 thì đã bắt đầu chăn nuôi dê, vừa nuôi sinh sản và vừa nuôi vỗ béo. Điều đặc biệt ở chỗ, đó là anh nuôi nhốt, thức ăn không chỉ có lá cây, cỏ, mà còn bằng cám chăn nuôi nữa, trở thành người đầu tiên ở miền Bắc nuôi dê thương phẩm theo hình thức này.

Hiện nay anh Biên đang có 2 trại chăn nuôi dê tại 2 xã Hoàng Lương và xã Thanh Vân, cùng ở huyện Hiệp Hòa. Tổng diện tích 2 trại rộng hơn 1.000m2, luôn duy trì trong chuồng là khoảng 40 dê nái, cùng hơn 600 dê thương phẩm. Hiện tại anh đã dành được hơn 1,6ha đất ruộng cho việc trồng cỏ, trồng chuối làm thức ăn cho dê. Nếu có người bán đất trồng cây, bán đất ruộng thì anh vẫn tiếp tục mua thêm để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Theo anh Biên, dê đẻ rất nhanh, cứ 2 năm là đẻ 3 lứa, nếu giữ lại nuôi hết thì không mất tiền vốn con giống, nhưng phải 10 – 12 tháng mới xuất chuồng. Còn nuôi gột, tức mua dê choai hoặc dê gầy từ 20 – 22kg về vỗ béo, khoảng 4 tháng đạt 40kg, nhanh xuất chuồng và thu lãi cao.

Anh Biên là người chăn nuôi dê nhiều nhất ở tỉnh Bắc Giang
Anh Biên là người chăn nuôi dê nhiều nhất ở tỉnh Bắc Giang

Nuôi theo hình thức này, từ lúc nuôi đến khi xuất bán, mỗi con dê trừ chi phí đi sẽ thu lãi khoảng 1 – 1,5 triệu đồng tùy vào từng thời điểm. Hiện gia đình đang sử dụng 6 nhân công thường xuyên cho việc chăn nuôi, trồng cỏ, dọn dẹp; tăng cường thêm khoảng 4 người nữa là lái xe, bốc xếp hàng phục vụ cho việc xuất nhập dê.

Ngoài số dê đang nuôi trực tiếp, anh Biên đang đầu tư cho một số người thân là anh em, họ hàng, bạn bè duy trì là hơn 2.000 con, tại 2 xã Xuân Lương (huyện Yên Thế) và Mỹ Hà (huyện Lạng Giang). Những người đó sẽ chịu trách nhiệm quản lý, chăn nuôi đàn dê, còn anh thì phụ trách kiểm soát giống, cám và xuất bán dê thịt ra thị trường. Lợi nhuận được đảm bảo cho cả người nuôi và người đầu tư.

Được trả nợ bằng con dê và cơ duyên đến với loài vật nuôi này

Nhiều người biết anh Biên là người nuôi dê lớn nhất ở tỉnh Bắc Giang và mua bán dê rất lớn ở địa phương, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng ngàn con. Nhưng câu chuyện về cơ duyên đến với nghề kinh doanh và chăn nuôi dê của anh thì không nhiều người biết, nó rất tình cờ, thậm chí là dở khóc dở cười và không hề mong muốn.

Mỗi tháng anh Biên bán ra thị trường hơn 2.500 con dê, tương đương với hơn 60 tấn dê hơi
Mỗi tháng anh Biên bán ra thị trường hơn 2.500 con dê, tương đương với hơn 60 tấn dê hơi

Vào năm 1999, ở quê Hiệp Hòa và một số huyện ở tỉnh Bắc Giang có phong trào chở lợn con bằng xe máy lên miền núi bán rong. Ngày đó anh có chiếc xe máy hiệu Mink, gần như chạy liên tục, mỗi tuần vài chuyến lên Bắc Kạn, Cao Bằng. Đầu tiên thì khách mua trả tiền ngay, sau có người quen rồi thì bán chịu, cho họ chuẩn bị tiền để chuyến hàng sau lên thì thu nợ.

Anh Biên nhớ lại: “Có một người ở Bắc Kạn mua lợn về nuôi, nhưng không có tiền trả, sau đó đã gán nợ cho tôi bằng một con dê. Ở Bắc Giang lúc bây giờ còn chưa có quán dê nào, dê thời điểm đó rất hiếm và đắt đỏ so với loại thịt khác, ít người dám ăn thịt dê, vì vậy mà rất khó tìm khách mua và không biết làm thế nào để bán được. Sau đó có người giới thiệu, ở thành phố Thái Nguyên có nhà hàng dê Đức Cường thu mua dê, vậy là chở tới đó thì bán được, và cũng từ đó thành người chuyên cung cấp dê cho nhà hàng này”.

Từ chỗ bị ép phải lấy dê trừ nợ, nhưng sau đó nhận thấy việc bán dê thịt từ miền núi về bán có lãi và đã mở ra hướng đi mới để phát triển kinh tế cho bản thân. Những năm sau đó, thịt dê phổ biến hơn, anh đã tìm đến các nhà hàng khác ở Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và nhiều tỉnh ở miền Bắc để xin cung cấp dê thịt cho họ. Có thị trường rồi thì bỏ hẳn việc bán lợn con, chuyển sang kinh doanh loài vật nuôi còn lạ lẫm với phần lớn người dân này.

Ban đầu thì anh nhập hàng ở Bắc Kạn, sau đó thì sang Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và khắp các tỉnh miền núi phía Bắc khác, cứ ở đâu có dê là tới mua. Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng ra khắp miền Bắc, rồi tiếp đó là trên toàn quốc và cứ ở đâu có nhu cầu là anh cung cấp tới đó, nhiều thì chở cả xe tải, còn ít thì gửi hành theo xe khách.

Sau vài năm, anh có nguồn cung cấp ổn định từ một số tỉnh miền núi biên giới phía Bắc về, có tháng nhập vào tới hơn 2.000 con dê, cung cấp cho các nhà hàng từ Bắc tới Nam. Phương tiện vận chuyển là những chiếc xe tải 2 – 3 chân có trọng tải lớn, có chuyến xe chở được khoảng 500 – 600 con dê.

Được thần chết tha mạng và trở thành “Vua dê” xứ Bắc

Tuy nhiên, không phải việc buôn bán của anh lúc nào cũng thuận lợi, mà cũng đã phải trải qua những tháng ngày gian truân, vất vả, ăn ở tạm bợ và thiếu thốn trăm bề. Với anh, chuyện gặp rủi ro không mong muốn xảy ra thường xuyên, thậm chí là phải trả giá bằng máu, nước mắt và suýt mất đi mạng sống.

Anh Biên nhớ lại: “Tôi đi những địa bàn vùng cao ở Cao Bằng, Hà Giang, nhiều đoạn đường nhỏ, khó đi, đường đèo với một bên vách núi cao và một bên là vực sâu, chỉ cần sơ sẩy là có thể mất mạng. Vào năm 2009 tôi gặp nạn suýt mất mạng, đến giờ vẫn không thể nào quên được ký ức về những giây phút sinh tử, lằn ranh giữa cái sống và cái chết đó. Lần đó nhập dê ở huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, sau khi đóng đầy 2 xe hàng thì vận chuyển về xuôi, tôi ngồi trên 1 xe chở hơn 400 con dê, cùng với 2 người nữa là lái xe và phụ xe”.

Đang kể chuyện thì cảm giác nghẹn ngào khiến anh dừng lại với vẻ mặt trầm ngâm, sau khi cầm điếu cày lên và rít một hơi thuốc lào thì mới tiếp tục câu chuyện: “Khi xe đến đoạn đèo Mã Phục (thuộc huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), trong lúc đổ đèo thì lái xe hô lên là ô tô bị mất phanh không thể khống chế được nữa. Lúc đó thấy quá sợ hãi, chỉ kịp nghĩ rằng sẽ chết thì xe đâm thẳng vào taluy dương và lật ra đường”.

Một trại nuôi dê của anh Biên ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Một trại nuôi dê của anh Biên ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Sau một hồi anh Biên mới tỉnh lại, thấy mình và phụ xe bị lao qua kính chắn gió của xe. Nằm cạnh phụ xe thấy máu me đầm đìa, bất động, sau đó được đưa đi cấp cứu thì gãy nhiều xương tay, chân và phải khâu hơn 70 mũi; lái xe bị thương nặng và bị kẹp trong cabin xe, sau khi cứu hộ đến cắt sắt cabin mới lấy được người ra; còn anh là may mắn nhất, chỉ bị thương nhẹ, người chỉ bị vài vết xây xát ngoài da. May mắn là cả người thoát chết, nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn, xe ô tô bị hư hỏng nặng, hơn 100 con dê bị chết và xổng lên rừng, ước tổng thiệt hại là trên 700 triệu đồng.

Anh Biên cho biết, thường xuyên đi trên những cung đường nguy hiểm, đặc biệt là qua đoạn đường đèo như đèo Gió, đèo Giàng, đèo Mã Phục… quanh co và vực sâu không thấy đáy. Anh cũng đã nhiều lần chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm, hậu quả thường rất thảm khốc, thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Việc đã gặp nạn và thoát chết là một điều thần kỳ, nhưng không vì vậy mà khiến anh phải chùn bước, mà đó còn là bài học đắt giá để thành công như ngày hôm nay.

Cũng trong năm 2009, việc từ các tỉnh phía Bắc gặp khó khăn, nguồn hiếm và giá tăng cao, từ đó anh đã chuyển hướng nhập nguồn hàng từ các tỉnh miền Nam về và được duy trì ổn định cho tới ngày nay. Mỗi tháng nhập khoảng 3 - 4 lần, mỗi lần ít nhất là trên 600 con, tính trung bình mỗi tháng nhập khoảng 2.500 con, tương đương trọng lượng là trên 60 tấn.

Riêng trong năm 2022, mặc dù ảnh hưởng của Covid-19, anh vẫn tiêu thụ được ra thị trường khoảng 600 tấn dê hơi. Ngoài nguồn nhập khẩu, thì nguồn trong nước cũng được mở rộng, số lượng ngày càng nhiều hơn và tập trung ở một số tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nội, Tuyên Quang, Yên Bái… Những trang trại nuôi dê có tổng đàn hàng trăm con đã là chuyện bình thường, rất nhiều người dân đã làm giàu nhờ loài vật nuôi này.

Khi được hỏi có phải là người mua bán dê lớn nhất Việt Nam, anh Biên cười và nói rằng: “Tôi thật sự không dám nhận mình là người nhập khẩu, mua bán dê lớn nhất. Nhưng với hơn 20 năm trong nghề này, tại Việt Nam thì chưa thấy ai mua, bán dê các loại nhiều hơn tôi cả về số lượng, trọng lượng và tần suất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về Bắc Giang gặp “Vua dê” xứ Bắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO