Về Đào Thục xem rối nước

PHẠM NGỌC HÀ 19/03/2023 09:00

Trải qua bao thăng trầm, người dân làng cổ Đào Thục vẫn lưu giữ nghề múa rối nước như báu vật của làng. Dù vậy, những nghệ nhân nơi đây đã có cách làm mới để rối nước phù hợp hơn với đời sống đương đại.

Rối nước Đào Thục – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thăng trầm nghề rối nước

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km, ngôi làng cổ Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) nằm giữa những cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Con đường dài, thẳng tắp hai bên hàng cây xanh dẫn vào làng cho du khách cảm giác như được về quê. Thật trùng hợp, ngày chúng tôi về thăm làng cũng là ngày giỗ tổ nghề múa rối nước Đào Thục (24/2 âm lịch).

Từ 7h sáng, mọi người trong phường rối đã tập trung ở đình làng để quét dọn và sắp mâm cúng. Ông Đinh Thế Văn (86 tuổi) đã dành trọn đời người để gìn giữ múa rối nước kể cho chúng tôi câu chuyện về lịch sử hình thành nghề múa rối. Cách đây khoảng hơn 300 năm, nghề múa rối nước ra đời. Tổ nghề là ông Đào Đăng Khiêm (tên thật là Nguyễn Đăng Vinh), từng làm quan Tổng nội giám (Hàng quan Tam phẩm) trong triều Hậu Lê (thời Vua Lê Hy Tông). Sau khi rời quan trường, ông về Đào Thục dạy dân làng các nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, nghề thầy, nghề võ, nghề thó (đóng cối), đặc biệt là nghề múa rối nước được dân làng giữ gìn cho đến ngày nay.

Ông Văn chia sẻ: Múa rối nước Đào Thục có những giai đoạn tưởng chừng đã mất nghề, nhất là giai đoạn chiến tranh loạn lạc, phường rối cứ thành lập rồi lại giải tán, lúc thịnh lúc suy nhưng đến nay bằng tâm huyết và tình yêu đối với nghệ thuật múa rối nước, những người nghệ nhân, những người thợ làng Đào Thục đã cùng nhau chắp nối các mảnh vụn còn lại trong ký ức mỗi người để đưa múa rối nước trở thành một hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, say đắm lòng người.

Rời đình làng sang thủy đình, chúng tôi gặp những nghệ nhân đang cặm cụi buộc dây, căn chỉnh lại con rối để chuẩn bị cho buổi biểu diễn tiếp đoàn khách Ba Lan. Gần 40 năm tham gia phường rối, ông Nguyễn Đức Cường (64 tuổi) kể về cái nghề mình đã gắn bó. “Năm 1984 phường rối Đào Thục được khôi phục, tôi được tham gia biểu diễn từ khi ấy. Ngày đó, trước mỗi buổi diễn chúng tôi thường phải chặt tre, làm mành để dựng sân khấu di động, mãi cho đến năm 2001 mới có thủy đình như bây giờ. Những năm đầu tham gia biểu diễn, người diễn không có quần áo bảo hộ dưới nước. Trời rét, chúng tôi vẫn quần đùi, cổ trần lội xuống. Để giữ sức, chúng tôi phải uống nước mắm và nước gừng. Mặc dù có nhiều vất vả, tiền công không đáng là bao nhưng vì niềm đam mê nên chúng tôi động viên nhau biểu diễn để giữ lấy truyền thống”, ông Cường tâm sự.

Trước mỗi buổi diễn, nhóm nghệ nhân phải dành ra 30 - 45 phút để chuẩn bị. Mỗi lần diễn sẽ có khoảng 10 người tham gia. Theo bà Đặng Thị Thuận (62 tuổi), thành viên phường múa rối nước đã được 20 năm cho hay, trước đây phụ nữ không được tham gia biểu diễn, nhưng cho đến nay đã có sự thay đổi. Ai có nhu cầu học nghề, yêu nghề thì đều được biểu diễn. Bởi thế mà việc truyền nghề cho thế hệ kế cận cũng dễ dàng hơn.

Rồi buổi biểu diễn phục vụ đoàn khách Ba Lan diễn ra trong tiếng trống hội dồn vang. Du khách và cả những người dân xung quanh tập trung tại thủy đình. Hôm nay, phường rối Đào Thục “chiêu đãi” du khách với nhiều tiết mục truyền thống bắt nguồn từ những câu chuyện thường nhật gắn liền với nghề nông như: cấy lúa, câu cá, chăn trâu… Ngoài ra còn có những tiết mục biểu diễn theo các câu chuyện truyền thuyết. “Tôi đã làm việc ở Việt Nam suốt nhiều năm và lần nào được xem múa rối nước cũng đều khiến tôi cảm thấy rất thích thú. Cá nhân tôi nghĩ rằng múa rối nước là một loại hình nghệ thuật tuyệt vời dành cho du khách nước ngoài. Du khách tiếp cận với loại hình nghệ thuật này một cách dễ dàng bởi không có rào cản về mặt ngôn ngữ mà còn khiến cho mọi người đều được giải trí sau khi xem”, chị Karolina - trưởng đoàn du khách đến từ Ba Lan đầy hứng thú chia sẻ sau buổi biểu diễn.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Cường kiểm tra các con rối trước khi biểu diễn.

Chung tay giữ nghề

Để loại hình múa rối nước Đào Thục vẫn tiếp tục được lưu truyền cho đến ngày hôm nay không thể không kể đến công sức của người thổi hồn cho từng quân rối. Là người nghệ nhân duy nhất của làng, trong căn nhà xưởng với những mảnh gỗ, hộp sơn nhiều màu sắc, anh Nguyễn Văn Phi vẫn ngày ngày tỉ mỉ với những nhân vật rối nước. Vừa sơn cho nhân vật chú Tễu, anh vừa tâm sự: “Những người theo nghề tạo hình phải cực kỳ đam mê mới làm được. Mỗi nhân vật trông giản dị như vậy thôi nhưng ở đó là tâm huyết của một người yêu nghệ thuật gửi gắm để tạo lên linh hồn cho từng quân rối”.

Mỗi người dân ở làng Đào Thục dường như đều góp một chút công sức để gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại. Người chế tác, người biểu diễn, người viết kịch bản, người quảng bá du lịch. Sinh ra và lớn lên ở Đào Thục, theo mẹ đi biểu diễn từ nhỏ, khi lớn lên theo học ngành marketing, anh Nguyễn Thế Nghị được các nghệ nhân múa rối vận động vào phường và giao cho nhiệm vụ quảng bá nghệ thuật múa rối nước. Nhận thấy múa rối nước là một tài sản vô giá của làng đang cần được phát huy nên bản thân anh Nghị đã có nhiều sáng kiến để phát triển nghề. “Công việc đầu tiên của tôi là đi “gõ cửa” các công ty du lịch. Năm 2007 chúng tôi thành lập trang web miễn phí để giới thiệu rối nước Đào Thục. Đến năm 2012, Facebook được nhiều người sử dụng, chúng tôi tập trung hơn vào phát triển kênh Facebook và Youtube để quảng bá. Từ đó trở đi du khách bắt đến với làng Đào Thục nhiều hơn”, anh Nghị cho hay. Với nỗ lực của mình, anh Nghị đã đưa nghệ thuật múa rối nước Đào Thục vượt ra khỏi lũy tre làng. Minh chứng là thời điểm trước dịch Covid-19, năm 2018 phường Đào Thục đón 5.000 khách quốc tế và 10.000 khách trong nước. Sau dịch bệnh, phường vẫn đang tiếp tục đón khách và tổ chức biểu diễn. “Thật vui khi những tháng đầu năm, mỗi tháng chúng tôi tổ chức đều đặn 20 buổi diễn cho các đoàn khách đến thăm quan”, anh Nghị vui mừng chia sẻ.

Đoàn khách Ba Lan chụp ảnh lưu niệm khi tham quan phường rối Đào Thục.

Không dừng lại ở việc quảng bá phường rối trên các trang mạng xã hội, anh Nghị còn tâm huyết với những hoạt động giữ chân du khách. “Ngoài biểu diễn múa rối chúng tôi đã nghĩ ra nhiều hoạt động về trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, đi cầu kiều, đi cà kheo... Ngoài ra còn mở thêm các trải nghiệm như: thử làm diễn viên, thăm xưởng sản xuất để trực tiếp tô vẽ con rối”, anh Nghị cho biết.

Bên cạnh những hoạt động trải nghiệm thì việc viết những kịch bản mới cho những tích trò là một điều quan trọng. Ngoài 17 tích trò cổ thì những năm gần đây phường rối đã sáng tạo ra những tích trò mới hợp với cuộc sống đương đại như: Hà Nội 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không, Tặng hoa ngày hội, Chiến sĩ biên phòng... Phường rối đang hình thành kịch bản mới về việc vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Đó là những sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

Với những giá trị văn hóa giàu bản sắc, mới đây nghệ thuật dân gian múa rối nước Đào Thục đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đón nhận danh hiệu sau nhiều năm chờ đợi, ông Đặng Minh Hưng - Trưởng phường múa rối chia sẻ: Chúng tôi rất vinh hạnh khi đón nhận danh hiệu này, đồng thời xác định trách nhiệm lớn lao hơn để làm sao bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước dân gian của phường, để đưa rối nước Đào Thục đến với công chúng trong nước và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về Đào Thục xem rối nước