Rặng hoa gạo tháng Ba đỏ rực bên dáng chùa Trầm cổ kính thâm nghiêm - đặc trưng của vẻ đẹp bình yên nơi miền quê Bắc bộ đang trở thành một điểm đến hấp dẫn với những người ưa sống chậm.
Chùa Trầm.
Danh thắng núi và chùa Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội không xa, nhưng lại mang hơi thở tâm linh thanh tịnh, tách biệt so với sự ồn ào của một Hà Nội náo nhiệt. Đến đây, du khách bắt gặp một phong cảnh nước non hữu tình đẹp như bức tranh thủy mặc, với bóng núi ôm sông, các con đường nhỏ uốn lượn duyên dáng và hàng cây cổ thụ xanh mát vi vu đón gió.
Đặc biệt, đến với chùa Trầm vào thời điểm này bạn hẳn sẽ ngỡ ngàng và đắm say trước màu hoa rực đỏ một góc trời. Hoa gạo hòa cùng không khí trong lành, tươi mát nơi ngoại ô mảnh đất Kinh kỳ sẽ mang đến cho du khách những cảm xúc an yên, thanh bình bên ngôi chùa Trầm cổ kính. Có hẳn một rặng cây gạo bên dưới chân núi Trầm. Lặng ngắm cánh hoa đỏ từ cả bên dưới hoặc từ phía trên núi xuống đều được. Những bông hoa gạo rụng dưới gốc vẫn giữ một màu đỏ tươi cũng khiến bao người say lòng...
Chùa Trầm nằm trên ngọn núi Tử Trầm Sơn hay còn được gọi là núi Trầm, được xây dựng vào thế kỉ 16, năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), do một vị tướng quân sau khi xuất gia lập nên. Ngôi chùa mang tên ngọn núi nơi nó dựa vào, là “Tử Trầm sơn”. Xưa kia, nơi này là hành cung của vua Lê, chúa Trịnh, với lợi thế khung cảnh yên tĩnh, thanh tịnh của sông Đáy, núi Trầm.
Chùa Trầm được coi là một trong 4 ngôi chùa thiêng thuộc hàng “tứ đại danh thắng của xứ Đoài”, bên cạnh các chùa như: chùa Trăm Gian, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Chùa Trầm tuy nhỏ, nhưng lại mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm với thế “tọa sơn quan thủy”, lưng dựa núi, trước mặt nhìn ra hồ, xung quanh được bao bọc bởi những tán cây rừng xanh mát,…
Cổng chùa Trầm dẫn thẳng vào một sân gạch rất rộng, nhuốm vẻ u tịch dưới bóng núi và tán lá cây cổ thụ. Toà Tam bảo được xây theo kiểu hình chữ “Đinh” ở mé trái sân, khách lên phải leo qua ba thềm gạch cao tổng cộng 17 bậc. Tiền đường rộng 5 gian, bên trong thượng điện bài trí trang nghiêm. Hông chùa dựa vào vách núi, cũng như nhà bia, tháp mộ và ngôi miếu nhỏ trước tiền đường. Phía sau là nhà Tổ, trai phòng và sân hậu.
Núi Tử Trầm có chùa Hang được xây dựng trong động Long Tiên, dưới chân Tử Trầm sơn với ban thờ Phật, những pho tượng Phật, tiên, hộ pháp bằng đá, văn bia khắc trên vách động, các nhũ đá với hình dạng rồng đá, chim đá, hoa sen đá, trống đá, khánh đá... rất sinh động. Nơi đây còn lưu trữ khoảng 20 bài văn thơ cổ khắc trên vách đá, khánh đá, chuông đồng ca ngợi cảnh đẹp của núi Tử Trầm… qua các thời đại. Trong động Long Tiên có đường lên đỉnh núi, gọi là “đường lên Trời”, và đường xuống hang sâu, gọi là “đường xuống Âm phủ”.
Mùa hoa gạo tháng ba ở chùa Trầm.
Cạnh lối vào hang có đài kỷ niệm một sự kiện lịch sử trong thời kỳ đầu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính từ đỉnh núi Trầm, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đã vang lên khắp bốn phương trên làn sóng điện ngày 20/12/1946, ngay sau đêm quân dân thủ đô Hà Nội nổ súng tấn công giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta. Chùa Trầm từng 4 lần được vinh dự đón Bác về thăm.
Nằm cách chùa Trầm chưa đầy 1km, là chùa Vô Vi (còn gọi là Trầm Vô Vi). Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất mà cũng độc đáo nhất trong quần thể chùa chiền quanh núi Trầm. Trải qua thời gian, kiến trúc của chùa vẫn được giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay. Chùa Vô Vi được xây dựng vào năm 1515 trên một núi đá nhỏ, kiến trúc chùa được xây dựng theo thế núi, nên càng lên cao càng càng ăn sâu vào vách núi, càng cheo leo, hiểm trở.
Men theo những bậc thang nhỏ hẹp chỉ đủ để hai người tránh nhau uốn lượn bên vách núi, du khách sẽ lần lượt đi qua ba gian chùa nhỏ, thờ Phật, thờ Mẫu nằm khiêm tốn bên đường đi. Ở ngay sau chùa là lầu Nghênh Phong. Đi qua lầu Nghênh Phong, lên đến vách núi trên cùng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng quả chuông đồng được đúc từ năm 1814 treo trên vách núi. Chui qua một khe hẹp hiểm trở trên vách núi treo chuông này mới tới được đỉnh núi.
Từ đây có thể thu vào tầm mắt toàn bộ cảnh đồng ruộng, xóm làng và dòng sông Đáy uốn lượn dưới chân núi. Nhưng đến vãn cảnh núi Trầm mà chưa leo núi, chưa được thưởng ngoạn khung cảnh thơ mộng của sông Đáy, xứ Đoài trải ra dưới tầm mắt thì coi như là chuyến đi chưa trọn vẹn. Núi Trầm không cao, nhưng những vách đá trắng dựng cheo leo, hiểm trở, bù lại những gì thu được vào tầm mắt quả đáng ngạc nhiên.
Gần chùa Trầm còn có làng làm nón Chuông truyền thống từ hàng trăm năm qua. Vì thế du khách đựng bỏ qua điểm dừng chân thú vị này. Thời gian họp chợ diễn ra vào các ngày mồng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch. Chợ họp ngay cạnh đình làng, đây cũng là một phiên chợ còn lưu giữ nhiều nét cổ trong đời sống sinh hoạt làng xã Việt Nam. Đến chợ bạn nên dạo quanh các gian hàng bán nón, chụp ảnh và tận hưởng không khí phiên chợ quê.
Sau đó bạn có thể dạo quanh làng, vào thăm quan một trong số những gia đình làm nón. Tại đây bạn được giao lưu cùng chủ nhà, tìm hiểu cách làm nón cũng như nghe những câu chuyện về cuộc sống của người dân làng nghề. Trong làng ngoài làm nón lá còn có 1 gia đình làm nón quai thao, đây cũng là một loại nón cổ truyền được dùng phổ biến vào thời xưa. Ngày nay nón quai thao chỉ dùng trong hát quan họ và các lễ hội.
Buổi trưa bạn có thể ghé chợ ăn trưa với các món bún ốc, bún riêu cua hoặc bánh trái nhiều loại. Chợ quê không có nhiều lựa chọn ăn uống, nhưng trải nghiệm những món đậm chất đồng quê thì không phải lúc nào cũng sẵn có.