Thông tin về dự án tôn tạo chùa Trầm, chùa Trăm Gian (hai trong “tứ đại danh thắng” của xứ Đoài, bên cạnh chùa Thầy và chùa Tây Phương), với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng nhận được nhiều sự quan tâm. Việc tôn tạo nhằm giữ gìn, phát huy giá trị di tích đồng thời hướng tới phát triển du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, những cuộc trùng tu, tôn tạo di tích đã để lại nhiều tranh cãi. Trong đó, với chùa Trăm Gian từng xảy ra sự cố “không thể tin nổi” vào năm 2012. Vậy làm thế nào để việc trùng tu thực sự mang lại hiệu quả?
Việc tôn tạo chùa Trầm, chùa Trăm Gian mang những ý nghĩa tốt đẹp không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc trùng tu hai ngôi cổ tự này sẽ được tiến hành thế nào? Bởi ranh giới giữa trùng tu và “làm mới” khá mong manh.
Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) diễn ra gần đây, nhằm đánh giá toàn diện, làm rõ, sáng tỏ hơn về nội dung, giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật, cách mạng - kháng chiến của cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian; tạo cơ sở khoa học để thực hiện tốt hơn công tác quản lý; bảo tồn, tu bổ tôn tạo, quy hoạch và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới. Đồng thời giải quyết tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý di tích; đề xuất, định hướng giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch của huyện; kết nối, khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Dự án tôn tạo chùa Trầm, chùa Trăm Gian với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng dự kiến khởi công tháng 9/2024, hoàn thành vào năm 2026.
Giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt của hai ngôi cổ tự
Chùa Trăm Gian (còn được biết đến với tên gọi khác là chùa Quảng Nghiêm hay chùa Tiên Lữ), tọa lạc trên một ngọn đồi cao, cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, được khởi công xây dựng vào khoảng năm 1185, dưới thời vua Lý Cao Tông.
Chùa Trăm Gian có 3 cụm kiến trúc chính. Cụm thứ nhất là cầu thang đá rộng, hai tượng rồng đá oai nghiêm với hai bên là hàng cây xanh mát và thơ mộng. Bên cạnh đó là nhà Giá Ngự nhìn ra hồ sen, nơi đặt kiệu đức Thánh Bối và xem múa rối nước. Cụm thứ hai là tòa gác chuông 2 tầng - một trong những gác chuông cổ nhất nước ta còn sót lại cho đến ngày nay. Cụm thứ ba cũng là phần thờ phụng chính của chùa. Tại khoảng sân gạch rộng rãi của chùa còn lưu giữ một sập đá lớn từng là nơi đặt lư hương. Để vào trong gian chính cần leo thêm 7 bậc đá nhỏ hẹp, chỉ để vừa 1 chân nằm ngang. 7 bậc đá xây như vậy nhằm tránh cho du khách khi đi về quay lưng vào gian chính của chùa.
Trung tâm chùa gồm 3 gian chính là Tiền Đường, Thiên Hương và Thượng Điện nối với nhau thành chữ “công”. Hành lang dài hai bên bao lấy Tiền Đường và Hậu Đường thành hình chữ “quốc”. Các ban bao gồm ban thờ Phật, thờ Đức Thánh Bội, thờ Quan Âm và gia đình đô đốc Đặng Tiến Đông - vị tướng thời Vua Quang Trung, người đã có công tu sửa ngôi chùa.
Đáng chú ý là hệ thống tượng tại chùa lên tới hơn 150 tượng, trong đó đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn - tượng minh họa thời kì khổ hạnh của Đức Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật. Các bức tượng, tranh khắc tại chùa Trăm Gian đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của các triều đại. Bên cạnh đó, 4 bức tranh cổ “Thập Điện Diêm Vương” hàng nghìn năm tuổi từng bị lưu lạc nhiều năm nay đã được tìm thấy và lưu giữ tại chùa.
Cách chùa Trăm Gian không xa là chùa Trầm. Chùa lưng tựa núi Trầm, mặt hướng sông Đáy. Đây là lối xây dựng phong thủy quen thuộc trong tín ngưỡng người Việt, với thế “núi ôm nước bọc”, đem lại cảm giác vững chắc, khí vượng, tụ sức sống.
Từ phía cổng chùa, đi vào sân gạch rộng nhuốm màu u tịch. Kế tiếp là Tòa Tam Bảo được xây dựng theo kiểu chữ “Đinh” ở mé trái sân, leo qua 3 thềm gạch cao tổng cộng 17 bậc để đến được Tòa Tam Bảo. Phía sau đó là Nhà Tổ, trai phòng và sân hậu.
"Đại Nam nhất thống chí" miêu tả phong cảnh núi Trầm: “Giữa đất bằng nổi lên mấy ngọn núi đá cao chót vót, dưới có động, trên có chùa Vô Vi (xây dựng năm 968), núi nước quanh nhau. Trên núi có đá âm, đá dương, tương truyền khi nào đá dương kêu thì trời nắng, đá âm kêu thì trời mưa…”.
Trách nhiệm giám sát
Trở lại với dự án tôn tạo, phát huy giá trị di tích, câu chuyện rất đáng tiếc xảy ra hơn 10 năm trước không khỏi khiến người ta băn khoăn. Từ vụ xâm hại chùa Trăm Gian, người ta nghĩ về nỗi đau di sản. Sốt ruột trước sự xuống cấp, năm 2012, nhà chùa đã tháo dỡ và “làm mới” Nhà Tổ cùng Gác Khánh trong 3 tháng mà các cấp có trách nhiệm từ huyện tới thành phố không hề hay biết. Cấp xã biết nhưng coi việc đó là bình thường…
Trước phản ứng của dư luận, ngày 30/8/2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức họp báo công bố cụ thể việc vi phạm trong tu bổ, tôn tạo Nhà Tổ và Gác khánh di tích chùa Trăm Gian. Giám đốc Sở lúc bấy giờ khẳng định, việc nhà chùa tự ý hạ giải và thi công Nhà Tổ, Gác Khánh là sai nguyên tắc, quy trình và vi phạm Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, nói Chùa Trăm Gian đã bị phá hủy hoàn toàn là không đúng.
Tuy nhiên, sau đó, một số người liên quan đã nhận trách nhiệm, xin rút kinh nghiệm nhưng vẫn là “chuyện đã rồi”, những sai phạm đối với di tích là không thể cứu vãn. Trong đó có việc sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp (thay vì sơn ta); làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng xi-măng, gạch ốp lát công nghiệp; xây mới các dãy hành lang đánh bóng cột kèo bằng véc-ni…
Lúc bấy giờ, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết đã hết sức bàng hoàng, sửng sốt, xen lẫn chua xót vì chúng ta đã mất đi một di sản có giá trị cực kỳ quý hiếm. Bởi đây là tài sản không chỉ của huyện Chương Mỹ, của Hà Nội mà còn của cả quốc gia và thế giới.
Cùng với GS Thuyết, lúc đó việc bất thường ở chùa Trăm Gian đã nhận được nhiều phản ứng mạnh mẽ từ giới chuyên môn, trong đó có PGS Trần Lâm Biền, GS Lưu Trần Tiêu.
Từ sau sự việc gây tổn thương đó, tới nay dự án 200 tỷ đồng tôn tạo chùa Trầm - chùa Trăm Gian một cách quy mô, không khỏi khiến người ta băn khoăn kể cả lo lắng. Sau khi tôn tạo, hai ngôi cổ tự danh giá bậc nhất có bị “làm mới”, có bị mất đi nét cổ kính rêu phong, tư tưởng gốc của di sản? Từ đó đặt ra trách nhiệm giám sát đối với cơ quan chức năng để không thể xảy ra việc làm hỏng di sản một lần nữa.
Theo GS Lê Văn Lan, tình trạng xuống cấp toàn diện ở chùa Trầm và chùa Trăm Gian, đương nhiên khiến “lăn tăn”, ngần ngại việc xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt cho hai khu di tích vào lúc này. “Cần khẩn trương tiến hành việc chỉnh trang, khắc phục bước đầu tình trạng xuống cấp tại hai khu di tích trên. Cùng với đó, Hà Nội làm hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với chùa Trầm, chùa Trăm Gian, đệ trình để được xét duyệt có cơ sở chắc chắn được công nhận đúng vào lúc hoàn thành tôn tạo hai dự án, tức là vào năm 2026” - GS Lê Văn Lan đề xuất.
(Còn nữa)