Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh, chúng tôi tìm về quê hương ông, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường (Nam Định) những mong hiểu rõ hơn về một làng quê giàu truyền thống văn hiến, khoa bảng thời nào cũng rạng rỡ, từ xa xưa đã nổi danh với câu ca “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”...
Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Nam Định.
Từ TP Nam Định, xuôi theo quốc lộ 21 khoảng 20 km là về tới trung tâm huyện lỵ Xuân Trường, quê hương Tổng Bí thư Trường Chinh. Được Nhà nước đầu tư, nâng cấp nên quốc lộ 21 giờ đây khá hiện đại.
Đoạn đường dài mấy cây số từ cầu Đò Quan, bắc qua sông Đào đến ngã ba đường vành đai, quốc lộ mang tên Tiến sỹ Đặng Xuân Bảng, một trí thức lớn dưới triều Nguyễn. Có một điều đặc biệt, Tiến sỹ Đặng Xuân Bảng chính là ông nội của Đặng Xuân Khu, tức đồng chí Trường Chinh...
Từ trung tâm huyện, đi tiếp chừng 7 km là đến làng Hành Thiện, nơi đồng chí Trường Chinh đã sinh ra và lớn lên, ra đi hoạt động cách mạng. Hai con đường dẫn vào làng được trải nhựa láng bóng. Đôi bờ sông chạy giữa đường kè đá chắc chắn, cách mấy trăm mét lại có một cây cầu đá bắc ngang.
Dọc hai bờ sông liễu rủ la đà. Tới làng Hành Thiện, điều đầu tiên khiến chúng tôi ngạc nhiên đó là làng sầm uất, nhộn nhịp như một thị trấn nhỏ. Đường làng được lát toàn gạch đỏ, hai bên đường có rất nhiều cửa hàng. Ven đường có nhiều ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc cổ...
Ngôi nhà xưa của gia đình đồng chí Trường Chinh từ lâu đã được tỉnh Nam Định xây dựng, tôn tạo làm khu tưởng niệm. Khu lưu niệm rộng chừng hơn 500 m2 bao gồm các hạng mục nhà lưu niệm, nhà khách, nhà lợp bổi, sân, vườn cây lưu niên, một chiếc ao nhỏ. Tất cả được bao bọc trong tường xây, dậu trúc khép kín mang đậm phong cách truyền thống.
Tại đây hiện có ban thờ đồng chí Trường Chinh, trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến gia đình, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông...
Theo thầy giáo Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng Ban Khuyến học của làng, tên làng Hành Thiện là do vua Minh Mạng đặt, được hiểu một cách đơn giản là “Làm những việc tốt lành”.
Bản đồ Hành Thiện giống hình một con cá chép đang vượt vũ môn, có 14 xóm, mỗi xóm có một dong ngõ giống hình xương cá. Chẳng biết hình làng có liên quan gì tới truyền thống hiếu học, đỗ đạt của người làng không?
Chỉ biết ngay từ thời Nho học làng Hành Thiện đã nổi danh về truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao. Trong đó có tới 7 người thi đỗ đại khoa (3 tiến sỹ, 4 phó bảng), 90 người đỗ cử nhân.
Truyền thống quý báu này được các thế hệ sau của làng duy trì, tiếp nối. Tính từ khi nước nhà giành độc lập đến nay, làng có thêm hàng trăm người có học hàm, học vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ.
Không chỉ có vậy, Hành Thiện còn đóng góp cho đất nước, ước tính đến mấy chục cán bộ, tướng lĩnh, đảm nhiệm các chức vụ từ thứ trưởng đến Tổng Bí thư của Đảng; nhiều người đã được phong tặng các danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang; Nhà giáo Nhân dân, được tặng thưởng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh...
Điều người Hành Thiện tự hào nhất là những người làng sau khi đỗ đạt thường mang sở học ra giúp dân, giúp nước. Ngoài số làm quan giúp việc triều đình, còn lại đều đi khắp nơi làm thầy giáo, thầy thuốc.
Trải qua nhiều chức vụ quan trọng dưới triều Nguyễn, khi trở về làng ông nghè Đặng Xuân Bảng, ông nội đồng chí Trường Chinh chỉ chú tâm vào việc viết sách, mở trường dạy học.
Học trò của ông thi đỗ rất đông. Đầu thế kỷ 20, hầu hết các trí thức làng Hành Thiện đều tích cực tham gia các phong trào yêu nước.
Thân sinh đồng chí Trường Chinh- cụ Đặng Xuân Viện - chính là một trong những người thành lập ra Nam Việt Đồng, Thiên Hội ở Nam Định với mục đích sử dụng văn chương làm công cụ phổ biến chủ trương duy tân.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại trí thức, khoa bảng, trong một làng quê giàu truyền thống văn hóa, hiếu học yêu nước, đồng chí Trường Chinh đã ảnh hưởng, tiếp thu, trên hết đã phát huy được những truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Mới 18 tuổi, ông đã tham gia hoạt động cách mạng, trở thành một chiến sỹ cách mạng kiên trung, mẫu mực; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, trọn đời mang hết trí tuệ, tâm huyết phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân...