Giữa cái nắng gay gắt bao trùm toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trên chiếc xe máy, chúng tôi chạy len lỏi sâu vào vùng “rốn” mặn, nơi đồng ruộng nứt nẻ, ao hồ trơ đáy, người dân từng ngày vật lộn với cơn khát. Không ai ngờ năm nay ĐBSCL hạn hán lại kéo dài đến thế, nước mặn len lỏi sâu vào nội đồng làm lúa và hoa màu mất trắng...
Hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến người dân gặp vô vàn khó khăn.
Hạn, mặn bao trùm
Chạy dọc con đường Nam sông Hậu, đoạn từ Cần Thơ xuống Sóc Trăng, nắng nóng như đổ lửa, cây cối khô cằn, hai bên đường các con kênh nhỏ chạy song song với quốc lộ thuộc đoạn xã Đại Ngãi, huyện Long Phú cạn queo trơ đáy. Lâu lâu có đợt gió phả vào mặt nóng rát.
Dừng chân tại chân cống ngăn mặn thuộc ấp An Đức (xã Đại Ngãi) lúc đó khoảng 11h trưa, nắng gay gắt, không khí phảng phất mùi tanh từ nước mặn của con kênh Mương Điều. Thò tay xuống kênh nhấp 1 tí nước đưa vào miệng, vị mằn mặn rất khó chịu. Vậy là nước mặn đã vào tới đây, nơi cả trăm năm qua người dân chưa từng phải nếm mùi nước mặn...
Không khó gặp những người nông dân gầy guộc, đen nhẻm, đầu đội chiếc mũ tai bèo ngồi thất thần ở bờ ruộng, mặc dù được cây trứng cá che nắng nhưng lão nông vẫn nhăn nhó như cầu xin một điều gì đó. Người đàn ông người Khmer có tên Liêu Sơn ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú này chia sẻ với tôi về câu chuyện gia đình ông vật vã trong cơn hạn mặn. Hơn 17 công lúa đang trổ đòng thì đồng ruộng cạn khô.
Tới một hôm bỗng nhiên con kênh trước ruộng có nước, ông vội bơm lên để trữ nước. Nhưng đến chiều toàn bộ cánh đồng ngả sang màu vàng vàng, cây lúa èo ọt, ông lão mới giật mình nếm nước thì mới hay nước lợ có vị mằn mặn. Từ hôm đó ngày nào ông Liêu Sơn cũng ra ruộng ngồi ngóng nước ngọt về để bơm lên hi vọng cứu vớt được phần nào lúa đang ngậm sữa, cầu mưa cũng chẳng thấy, nước ngọt cũng không, gia đình ông mất trắng. Đau xót hơn cũng vì đợt mặn này mà gia đình ông phải ly tán khi 2 đứa con phải đi lên thành phố tìm việc làm để trả nợ cho vụ mùa thất bát…
Khổ nhất vẫn là bà con ở các xã đảo của tỉnh Kiên Giang, đợt hạn hán kéo dài chưa từng có khiến nguồn nước ngọt dự trữ của người dân và địa phương ở các điểm đảo không đủ để xài. Nước ngọt thiếu trầm trọng, tỉnh Kiên Giang đã phải điều động tàu thuyền chở nước ra cho bà con ngoài đảo. Chỉ ở với bà con xã đảo Hòn Tre có 3 ngày nhưng cảm giác như ở cả tháng trời.
Do thiếu nước ngọt, nên bà con ở đây phải xài rất tiết kiệm, vì vậy tôi không thể dùng nước tắm giặt như là ở nhà mình, mặc dù người dân mến khách cứ nói dùng thoải mái. Những ngày ở đảo, chứng kiến điều khác với ngày thường là người dân không lo việc hải sản đắt hay rẻ, không lo giá dầu tăng hay giảm, mà người dân chỉ lo nước ngọt có tăng giá hay không, bình thường người dân mua khoảng 20 ngàn đồng/1m3 nước ngọt, nhưng thời gian hạn hán có lúc lên tới 30 ngàn đồng/1m3 vì tốn tiền vận chuyển.
Trong đợt hạn hán vừa qua, có lẽ địa phương đầu tiên chịu ảnh hưởng từ hạn mặn là tỉnh Bến Tre, đây cũng là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất. Những năm qua, cứ đến đợt hạn hán, người dân cặp sông Cửa Đại thuộc ấp 1, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, Bến Tre lại lo lắng tốn kém tiền mua nước ngọt. Thấy tôi lân la hỏi thăm người dân ở đây, bà Nguyễn Thị Quyên tò mò lại hỏi tôi, chú tới đây hỏi về nước ngọt làm gì, tỉnh tính đưa đường ống nước ngọt về đây à, vừa hỏi, nét mặt của bà Quyên rạng rỡ hẳn lên.
Bà Quyên cũng như nhiều người dân ở khu vực này ngày ngày hi vọng mỗi khi có đoàn đến hỏi thăm về nước ngọt, mong sẽ được cấp nước ngọt cho người dân vùng này nhưng chờ hoài không thấy. Bà Quyên bức xúc: Do cách xa trung tâm nên mỗi lần kêu nước ngọt, (nước bình) khó khăn lắm, có khi còn phải nài nỉ hay mua với số lượng nhiều họ mới chuyển tới, nhưng cũng không chuyển liền đâu, nhanh thì cuối ngày, không thì một hay hai ngày sau. Một cảm giác xót xa, khó chịu len lỏi trong cơ thể và suy nghĩ của tôi, tại sao người dân đã nghèo mà còn gặp nhiều khó khăn đến vậy...
Người dân Sóc Trăng nhận nước ngọt miễn phí.
Tình người trong cơn hạn, mặn
Đợt hạn hán kỷ lục này khiến cho các địa phương, Bộ, ngành Trung ương lo lắng tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đến nhanh hơn so với kịch bản đã đưa ra. Nhiều nhà khoa học cũng như nhà quản lý đặt ra vấn đề cần phải ứng phó hay là thích nghi và biến cái khó khăn hạn chế thành lợi thế của vùng ĐBSCL.
Điều mà chúng tôi rất ngạc nhiên khi đến các tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề về hạn mặn, đặc biệt là các địa phương thiếu nước ngọt trầm trọng, hầu như không nghe người dân phàn nàn hay ca thán về tình trạng đầu cơ hay bán nước ngọt với giá cao, cắt cổ. Mà trái lại là bắt gặp nhiều hình ảnh chia sẻ nước ngọt với nhau, hình ảnh các đoàn viên thanh niên hăng hái chở nước ngọt từ khắp nơi về “cứu” người dân đang trong cơn khát hay các gia đình san sẻ nước ngọt cho nhau.
Cụ thể như ở Bến Tre, do hạn hán đến sớm và kéo dài, huyện Ba Tri bị thiếu nước ngọt trầm trọng, nguồn nước ngầm bị khai thác mạnh dẫn đến thiếu nghiêm trọng, thế nhưng bà Lâm Thị Trinh, ấp 1, thị trấn Ba Tri may mắn hơn có được mạch nước ngầm mạnh, trong khi các nhà xung quanh không khai thác nước ngầm được, thế nhưng bà Trinh vẫn không tăng giá nước thậm chí bà còn cho không, vì bà lo lắng cho hiện tượng nắng nóng kéo dài bất thường…
Hay câu chuyện “kỳ tích” trữ ngọt ngăn mặn của tỉnh Bạc Liêu chắc sẽ còn nhắc đi nhắc lại nhiều năm vì nó là tình người, sự quan tâm lẫn nhau khi gặp phải những khó khăn bất thường. Chỉ 3 ngày đêm mà tỉnh này đã đắp 460 con đập lớn nhỏ để ngăn mặn và trữ nước ngọt cho đồng ruộng. Hình ảnh những lãnh đạo đầu ngành xắn quần áo lội ruộng chỉ đạo cùng với người dân đắp đập đã tạo nên sự gần gũi giữa chính quyền với người dân trong cơn khốn khó.
Chẳng mấy bất ngờ khi ông Đỗ Văn Nhỏ ở xã Hưng Phú, huyện Phước Long, Bạc Liêu hồ hởi chia sẻ: Khi xã có chủ trương vận động người dân đắp đập thời vụ, chúng tôi kéo nhau ra đồng ngay, chỉ đắp vài tiếng đồng hồ là xong, rồi bơm nước lên trữ ngọt, hệ thống đập này có thể trữ ngọt cho đồng ruộng gần 2 tháng. Những nơi chưa có đê bao khép kín thì chủ động đắp đập thời vụ vừa trữ nước ngọt, vừa ngăn mặn xâm nhập. Nước mặn đã xâm nhập tới chân rồi, chậm trễ là mất ăn....
Tuy nhiên đó chỉ là biện pháp tạm thời, những chia sẻ trong thời gian ngắn. Còn về lâu dài, Chính phủ, các Bộ, ngành cần phải tính tới việc đầu tư các công trình thủy lợi, hồ đập ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng, cần tính tới yếu tố vận hành liên vùng, liên tỉnh; các tỉnh, thành trong vùng cần có liên kết trong phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu, tránh manh mún, cục bộ. Đặc biệt là phát động trong nhân dân liên kết hình thành các ao, hồ, bể trữ nước ngọt liên hộ, liên khóm, ấp.
Tuy nhiên bên cạnh việc khống chế và ngăn ngừa hạn mặn thì biện pháp sống chung với thiên tai, làm giàu từ thiên tai cũng là một cách mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện. Biến hạn chế về mặn thành lợi thế cũng cần. Đối với ĐBSCL, nhiều chuyên gia cho rằng trong thách thức thì cũng ẩn chứa cơ hội. Nếu chúng ta tranh thủ biến thách thức thành cơ hội, thì sẽ vượt qua được thiên tai khắc nghiệt.
Với nhiều tỉnh trong vùng, khi nước mặn xâm nhập cũng là cơ hội để phát triển thủy sản, trong đó có việc nuôi tôm ven biển. Nếu xoay chuyển được, tận dụng được thì người dân sẽ có thêm thu nhập, đời sống bớt khó khăn. Chuẩn bị tinh thần cho việc ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, con người vẫn có thể “sống khỏe“ kể cả trước thiên tai.
Nhưng, đó cũng là câu chuyện rất dài. Còn thì trước mắt, với biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, ĐBSCL rất dễ bị tổn thương. Vì vậy các cấp chính quyền địa phương các Bộ ngành cần tìm ra các phương pháp hữu hiệu, vừa khống chế, vừa thích nghi, để ĐBSCL từng bước lấy lại vị trí quan trọng là “hũ“ gạo của cả nước.
Điều mà chúng tôi rất ngạc nhiên khi đến các tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề về hạn mặn, đặc biệt là các địa phương thiếu nước ngọt trầm trọng, hầu như không nghe người dân phàn nàn hay ca thán về tình trạng đầu cơ hay bán nước ngọt với giá cao, cắt cổ. Mà trái lại là bắt gặp nhiều hình ảnh chia sẻ nước ngọt với nhau, hình ảnh các đoàn viên thanh niên hăng hái chở nước ngọt từ khắp nơi về “cứu” người dân đang trong cơn khát hay các gia đình san sẻ nước ngọt cho nhau.