Một năm học mới đã bắt đầu, ngoài nỗi lo về các khoản phí, về chất lượng đào tạo… có một nỗi lo lớn khiến các nhà trường phải đau đầu, đó là công tác vệ sinh trong trường học. Như thế nào là hợp vệ sinh, như thế nào là công trình thân thiện với giới? Hay đơn giản như đã có đủ nước sạch để dùng chưa?... là những vấn đề tiếp tục được đặt ra trong năm học mới này.
Vấn đề nước sạch, vệ sinh trong trường học luôn cần được quan tâm.
TS Trần Văn Miều, Chuyên gia về nước sạch, vệ sinh môi trường – Bộ GD&ĐT cho biết: Đến năm 2015, mục tiêu của chúng ta là 100% điểm trường phải có đủ công trình vệ sinh, hợp vệ sinh và công trình nước sạch, tuy nhiên hiện nay vẫn còn chưa hoàn thành. Đó là thách thức rất lớn với ngành giáo dục.
Tất cả những nơi chúng tôi đi kiểm tra đều nhận thấy còn có những bất cập, thí dụ chúng ta cần phải có công trình nước sạch hay là công trình hợp vệ sinh thì chữ hợp vệ sinh là vấn đề rất quan trọng. Thứ 2 công trình thân thiện với giới thì chúng ta cũng chưa có công trình thân thiện với giới. Điều thứ 3 chúng ta chưa có công trình thân thiện với HS khuyết tật…
Ông Vũ Văn Toan, Trưởng phòng công tác HSSV, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình cũng chia sẻ: Việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho HSSV, cho thế hệ trẻ về ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, nước sạch và vệ sinh trong trường học chính là của ngành giáo dục.
Trong những năm qua ngành GD&ĐT Ninh Bình đã thực hiện tốt các nội dung về phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực, chú trọng công tác bảo vệ môi trường và nước sạch vệ sinh trong trường học, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với ban đại diện cha mẹ HS, các đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương để triển khai công tác bảo vệ môi trường và nước sạch vệ sinh trong trường học.
Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình cũng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các nhà trường trong toàn tỉnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường và nước sạch vệ sinh trong trường học.
Tuy nhiên ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng cuả học sinh cũng rất đáng bàn. Tại trường THCS Lê Lợi TP Hải Phòng, ông Nguyễn Phú Thuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học vừa qua trường được tham gia dự án sức khỏe dinh dưỡng học đường và quyền trẻ em. Xà phòng dự án chuyển về đầy đủ, mỗi em một tháng được 1 bánh xà phòng, chỉ có khó khăn là ý thức giữ gìn vệ sinh của các em chưa cao, có những HS phá phách, lấy cả xà phòng ra nghịch ngợm, có em còn vứt đi…
Nhà trường cũng đã triển khai các vòi rửa tay nhưng các em HS khi ra về, giật vòi nước không đóng lại để nước chảy lênh láng nhiều giờ đồng hồ. Hoặc các vòi rửa tay của HS cũng có thể quên không khóa, chúng tôi đã thay thế bằng vòi tự động nhưng khi mất điện các em lại phàn nàn này khác.
Theo TS Trần Văn Miều: Nếu truyền thông tốt cho HS, HS có nhận thức tốt, thay đổi được hành vi thì lan tỏa ra cộng đồng rất nhiều. 22 triệu học sinh sinh viên của chúng ta, đấy là lực lượng làm công tác truyền thông quan trọng.
“Về vấn đề huy động sự tham gia của HSSV trong việc bảo vệ môi trường, qua thực tế chúng tôi thấy các em hoạt động tốt. Có những trường tổ chức những đội tuyên truyền xanh, các em dùng máy ghi lại hình ảnh chỗ này, chỗ kia mất vệ sinh, đây là hình thức rất là tốt. Ở đây dứt khoát phải tôn trọng tiếng nói HSSV, từ tôn trọng tiếng nói của các em sau đó phải huy động các em vào công tác để các em có những hoạt động ngoài cộng đồng”.