NSND Bùi Đình Hạc vừa ra đi, “khu rừng điện ảnh” lại thêm thưa vắng những cây đại thụ. Một số bộ phim do NSND Bùi Đình Hạc làm đạo diễn đã tạc vào lịch sử điện ảnh những mốc son không thể phai mờ. “Nước về Bắc Hưng Hải” là bộ phim Việt Nam đầu tiên giành giải Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moskva. Phim “Hà Nội 12 ngày đêm” là phim truyện đầu tiên của Việt Nam sử dụng công nghệ kỹ xảo hiện đại. Nhưng bộ phim để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng khán giả nhiều thế hệ có lẽ là bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”.
Giải thưởng quốc tế đầu tiên của điện ảnh Việt Nam
NSND Bùi Đình Hạc sinh năm 1934 tại Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ. Ở miền quê xứ cọ ven sông Thao thuở ấy có lẽ đa phần người dân đều chưa biết đến loại hình nghệ thuật mới, mà người thành thị gọi là xi nê.
Thế nhưng, khi vừa 19 tuổi, vào đúng năm 1953 - năm Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam thì chàng thanh niên Bùi Đình Hạc nghe tin doanh nghiệp cần tuyển người. Thế là chàng thanh niên trẻ quyết định đi bộ đến Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên. Chặng đường dài hàng trăm cây số nên chàng thanh niên phải đi mất 6 ngày qua sông Lô, Đèo Khế, núi Hồng…
Sinh ra khi đất nước chưa giành được độc lập, nhưng bằng sự quyết tâm và nghị lực dấn thân cho điện ảnh, thành ra NSND Bùi Đình Hạc lại “sinh đắc phùng thời” (sinh gặp thời). Ngay khi chân ướt chân ráo vào ngành điện ảnh, ông đã hân hạnh được đi phục vụ cho đoàn làm phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của đạo diễn Nga lừng danh thế giới Roman Cacmen.
Sau khi tiếp quản Hà Nội năm 1954, Bùi Đình Hạc cùng doanh nghiệp trở về Thủ đô. Với vốn kiến thức học truyền miệng và truyền tay từ các bậc đàn anh như Hồng Nghi, Mai Lộc, Nguyễn Tiến Lợi, ông đã thực hiện bộ phim tài liệu đầu tay là “Phong cảnh Hà Nội”.
Năm 1959, khi bước vào tuổi 25, Bùi Đình Hạc vụt tỏa sáng, trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước với bộ phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải”. Bộ phim được gửi đi dự thi Liên hoan phim quốc tế Moskva và thật bất ngờ được trao giải Vàng. Đây là giải thưởng quốc tế đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.
"Nước về Bắc Hưng Hải" là bộ phim ghi lại quá trình xây dựng hệ thống thủy lợi để đưa nước từ sông Hồng về ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Công trình đại thủy nông đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự huy động của hàng vạn nhân công đã đưa vào khuôn hình một sức lay động mạnh mẽ với khán giả. NSND Ngọc Quỳnh, NSND Hồng Sến chính là những quay phim tài hoa cho bộ phim này. Khi bộ phim giành giải Vàng, Cục trưởng Cục Điện ảnh Trần Đức Hinh và đạo diễn Trần Đắc đã nhận được lệnh mang giải thưởng về nước để tuyên truyền. Còn phiên dịch Đặng Nhật Minh ở lại tiếp thu các thông tin…
Theo lời kể của NSND Đặng Nhật Minh: Trong buổi họp báo kết thúc liên hoan phim, Chủ tịch Ban giám khảo phim tài liệu là đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens đã nhận xét về bộ phim: "Sức lực con người, với những phương tiện thô sơ, với một nhiệt tình hăng say lao động chưa từng có, được phản ánh chân thực ở trong phim đã chinh phục Ban giám khảo. Với những lý do đó, bộ phim xứng đáng đoạt giải Vàng".
Năm 1973, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2, “Nước về Bắc Hưng Hải” lại giành giải Vàng cho thể loại tài liệu.
Giành giải Vàng cả hai thể loại
Sau khi nổi tiếng với “Nước về Bắc Hưng Hải”, năm 1960, đạo diễn Bùi Đình Hạc được sang Liên bang CHXHCN Xô Viết học đạo diễn phim truyện điện ảnh tại trường VGIK.
Năm 1964, Bùi Đình Hạc tốt nghiệp về nước. Ông bắt tay thực hiện bộ phim “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi”. Bộ phim sau đó cũng đã được gửi đi dự Liên hoan phim quốc tế Moskva và giành giải Bạc. Không bằng lòng, năm sau, 1966 Bùi Đình Hạc tiếp tục nhờ tới nhà văn Trần Đình Vân (Thái Duy) và nhà văn Anh Đức (Bùi Đức Ái) viết kịch bản phim truyện để thực hiện bộ phim truyện điện ảnh. Diễn viên Quang Tùng vào vai Nguyễn Văn Trỗi rất thành công, còn diễn viên Thu Hiền vào vai chị Quyên.
Cả hai bộ phim có đề tài về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đều giành Bông sen Vàng cho hai thể loại tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 1, năm 1970.
"Hà Nội 12 ngày đêm" - Phim truyện Việt Nam đầu tiên dùng kỹ xảo hiện đại
Về hưu rồi, ngỡ là an vui tuổi già, nhưng ở tuổi 64, NSND Bùi Đình Hạc lại nhận làm phim “Hà Nội 12 ngày đêm” do Nhà nước đặt hàng Hãng phim truyện Việt Nam.
NSND Bùi Đình Hạc đã thực hiện bộ phim theo cách sử thi truyền thống. Phim pha trộn giữa chất sử liệu của thể loại tài liệu và hư cấu của thể loại phim truyện.
Cái khó của phim là vừa phải có bóng dáng của các nguyên mẫu, nhưng không được “bê nguyên” để thoát khỏi tính tài liệu. Bộ phim tái hiện 12 ngày đêm quân đội ta đánh trả cuộc oanh tạc bằng máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội. Cái khó của đoàn làm phim là những cảnh quay pháo phòng không và máy bay chiến đấu trên bầu trời, trong khi kinh phí vừa ít (thời điểm đó phim được đầu tư 7 tỷ đồng), lại không thể sử dụng được các phương tiện máy bay chiến đấu.
Những cảnh quay trên không đều phải sử dụng đến kỹ xảo. Thời điểm đó, Việt Nam mới sử dụng internet. Tôi còn nhớ lúc đó, NSND Bùi Đình Hạc có tâm sự với báo chí: Nếu làm được kỹ xảo ở Thượng Hải thì tốt, song mức giá của mấy phút phim là hơn 2 tỷ đồng. Chát quá. Vậy nên chúng tôi đành chọn làm kỹ xảo ở Úc. Họ chỉ lấy giá hữu nghị 620 triệu đồng. Lúc đó, cảnh quay kỹ xảo phi công Trần Đại (nguyên mẫu anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều) bắn 2 hai quả tên lửa K13 nhưng chỉ một quả trúng cánh trái của chiếc B52 khiến nó bị thương. Phi công Trần Đại bèn quyết tâm tiêu diệt B52 bằng cách lao chiếc MIG 21 của mình thẳng vào B52.
Bộ phim tài liệu mẫu mực
Tuy học đạo diễn phim truyện điện ảnh, nhưng quả thực chất tài liệu chính là thiên bẩm của NSND Bùi Đình Hạc.
“Hồ Chí Minh, chân dung một con người” là phim tài liệu đưa Bùi Đình Hạc trở thành bậc thầy về loại hình này.
Thường phim tài liệu chân dung truyền thống các nhà làm phim hay sử dụng lối dẫn chuyện theo biên niên, tức là theo dòng thời gian. Còn trong bộ phim về Hồ Chủ tịch này dòng thời gian bị đảo lộn, có khi sử dụng hồi ức, tâm lý của nhân vật như chất phim truyện.
“Hồ Chí Minh, chân dung một con người” không phải là phim đầu tiên NSND Bùi Đình Hạc làm về Bác. Trước đó, ông đã làm ba bộ phim về Bác có tiêu đề: “Bài ca dâng Bác” thực hiện năm 1976; “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin” thực hiện năm 1978 và “Đường về Tổ quốc” thực hiện năm 1980, đều giành giải Bông sen Vàng Liên hoan phim 1980. Để thực hiện các bộ phim này, NSND Bùi Đình Hạc đã dành nhiều tháng xục xạo trong các thư viện, bảo tàng, viện lưu trữ phim tại Liên Xô, đến thăm nhiều nhân chứng để có được những chất liệu chân thực nhất.
Đến bộ phim “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”, Bùi Đình Hạc dành cả tâm huyết để thực hiện. Phim được coi là phim đặc biệt để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác.
Không chỉ theo dấu chân Bác những địa danh ở trong nước, đoàn làm phim “Hồ Chí Minh, chân dung một con người” lại hành quân theo dấu chân Bác đi những nơi chính Bác đã dừng chân. Riêng ở Moskva đoàn đã dừng chân 6 tháng, vào các thư viện, bảo tàng, viện lưu trữ để xem hàng vạn thước phim tài liệu, chắt lọc từng giây, từng giây hình ảnh hiếm hoi, độc nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Tấm hộ chiếu mang tên Chen Vang (Trần Vương) in bằng 3 thứ tiếng: Nga, Pháp, Đức mà Nguyễn Ái Quốc dùng để đến Liên bang Xô Viết, những bức ảnh quý về con tàu Karl Liebknecht đã đưa Người tới Petrograd, cùng nhiều thước phim, bài báo, ảnh chụp tư liệu về các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V...
Nét độc đáo trong bộ phim là lời bình sâu sắc bám chặt vào những hình ảnh chân thực, giản dị của Bác trong cuộc sống đời thường ở chiến khu. Những cảnh phim do nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn thực hiện được nhiều nhà làm phim sử dụng. Nhưng lại chưa ai dám sử dụng những cảnh quay Bác ở trần, áo vắt vai, tắm suối… Những hình ảnh đó vào phim lay động lòng người, lay động nhiều khán giả trên thế giới, cho thấy tầm vóc kỳ vĩ của một vĩ nhân.
Nhưng NSND Bùi Đình Hạc cũng như một nhà báo thực thụ. Ngay sau ngày 30/4/1975, ông đã có mặt cùng những nhà làm phim để thực hiện bộ phim “Phim Sài Gòn tháng 5 năm 1975”. Trong phim, có cảnh phỏng vấn Trung tá Bùi Văn Tùng bên chiếc xe tăng 843 và 390 – hai chiếc xe vào dinh Độc Lập đầu tiên. Cảnh phỏng vấn Bùi Quang Thận, người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập trưa 30/4/1975…
Với những cống hiến lớn lao, NSND Bùi Đình Hạc được phong tặng danh hiệu NSND đợt 1 (1984) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2005.