Vì chống Covid-19 nên đành ‘gác lại’ ngày lên xe hoa

Ánh Minh - Tấn Thành 23/08/2020 14:30

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Quảng Nam đã có rất nhiều chiến sĩ xung phong nơi tuyến đầu, họ bất chấp gian khó, hiểm nguy, hy sinh hạnh phúc riêng, tất cả cho cuộc chiến với niềm tin tiêu diệt giặc Covid-19 đem lại bình yên cho cộng đồng.

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại BVĐK Trung ương Quảng Nam.

Thiệp gửi đi nhưng đành hoãn cưới

Qua những ngày tháng xây dựng tình yêu, ai cũng mong được đến ngày tổ chức lễ thành hôn. Nhất là người con gái được trang điểm rạng rỡ để bước lên xe hoa làm cô dâu trong niềm vui hạnh phúc ngọt ngào trước sự ngưỡng mộ của nhiều người.

Ấy vậy mà nữ điều dưỡng N.T.T.N. (nhân vật xin không nêu tên) của Bệnh viện đa khoa Khu vực Quảng Nam cho dù thiệp cưới đã gửi đi, chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày cưới. Thế nhưng chị đành gác lại hạnh phúc của riêng mình để lên tuyến đầu chống dịch.

Hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc chiến chống Covid-19 đòi hỏi sự hy sinh quyền lợi cá nhân của nhiều người. Thậm chí có thể đối diện với nguy hiểm, nhưng cứu người là trên hết. Chị N.T.T.N. đã động viên và được sự đồng ý của người chồng sắp cưới, chị đăng ký tham gia vào Khu điều trị bệnh nhân dương tính SAR-CoV-2 thuộc BVĐK Khu vực Quảng Nam.

Khi được hỏi, lý do nào khiến chị quyết định như vậy, chị N.T.T.N. nói: “Sự hi sinh của em chẳng là gì so với những cống hiến của các anh chị đồng nghiệp. Hạnh phúc của em lúc này là được nhìn thấy người bệnh khỏe mạnh trở lại để về với gia đình, là ngày chúng ta cùng nhau chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Thăm khám bệnh nhân tại Khu điều trị Điện Nam - Điện Ngọc thuộc BVĐK Khu vực Quảng Nam.

Tất cả vì người bệnh, vì cộng đồng

“Tất cả vì người bệnh, vì cộng đồng. Chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy yên tâm vì đã có chúng tôi”. Đó là lời nhắn nhủ của điều dưỡng Hoàng Thị Thủy, Khoa Truyền nhiễm, BVĐK Khu vực Quảng Nam.

Chị Thủy chia sẻ, những bệnh nhân nhiễm bệnh họ rất hoảng sợ, tâm lý rất bất ổn, có người khóc lóc, có người lo lắng dẫn đến mất ngủ, có người u sầu không nói chuyện vì thế nếu không chăm sóc, động viên, điều trị kịp thời càng khiến cho họ bệnh nặng hơn. Tinh thần rất quan trọng, cán bộ y tế phải kịp thời trấn an, động viên để họ an tâm điều trị.

“Nhất định phải lạc quan và mạnh mẽ. Hãy xem người bệnh như người thân của mình, nỗi đau của người bệnh cũng như nỗi đau của chính mình, chúng ta cùng chiến đấu và chiến thắng Covid-19”, chị Thủy nói.

Còn bác sĩ Lê Tấn Ninh, người trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại Khoa hồi sức tích cực của BVĐK Trung ương Quảng Nam nhận định rằng: “Cuộc chiến lần này nhiều cam go, khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng chúng tôi không hề nao núng tinh thần. Chúng tôi không sợ nhiễm bệnh, chỉ sợ không có ai lo cho bệnh nhân, không được chia sẻ với đồng nghiệp”.

Nhận nhiệm vụ vào khu vực điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Lê Tấn Ninh chỉ kịp chạy về lấy vội dăm ba bộ đồ, một vài vật dụng cá nhân, gác lại nỗi lo gia đình, anh động viên, dặn dò vợ con dăm ba tiếng rồi vội vã xách túi vào bệnh viện.

Vợ anh là bác sĩ đa khoa công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh, mỗi khi trực đêm chị phải gửi hai con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc.

“Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bệnh nhân, bởi lúc này, không người thân bên cạnh, họ rất đơn độc và lo sợ. Nhất định không để một ai đó bị bỏ lại phía sau trong đợt dịch bệnh này”, bác sĩ Ninh chia sẻ.

Trao giấy ra viện cho bệnh nhân Covid-19.

Cùng chiến thắng Covid-19

Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường chống dịch ở Quảng Nam nói, 20 ngày ở đây là quãng thời gian đáng nhớ của cuộc đời. Không gì vui bằng khi thấy từng ngày có nhiều bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, xuất viện, chúng tôi tin vào sự chiến thắng dịch Covid-19.

Càng đáng trân trọng khi chúng ta được biết, trong lúc tăng cường cho Quảng Nam, ở nhà bố của bác sĩ Đại bị nhồi máu cơ tim nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ Đại nói: “Ban đầu tôi rất lo lắng, nhưng biết ở nhà còn nhiều đồng nghiệp, anh chị đã nhanh chóng đưa bố đi cấp cứu, hết lòng giúp đỡ, điều trị cho bố, nên tôi yên tâm ở lại Quảng Nam chống dịch”.

Hay như bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên, Trưởng khoa Hồi sức Bệnh viện Đại học y dược TP HCM tâm sự, lúc mới đến, thời tiết ở đây nóng, trong môi trường tránh lây nhiễm nên các phòng đều tắt máy lạnh, phải mặc đồ bảo hộ rất nóng, khó chịu. Nhưng anh chị em chúng tôi đều quyết tâm không để ca bệnh nào tử vong. Phải chiến thắng dịch Covi-19.

Hay như bác sĩ N.T.H (xin được giấu tên), ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến chống dịch đã xác định rõ, ở nơi tuyến đầu này không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với các bệnh nhân có nguy cơ nhiễm cao.

“Lo thì cũng có lo, nhưng không thấy sợ. Lo là vì nếu không may mình mắc bệnh thì sẽ lây ra cho cả tập thể, cả khoa, rồi cả bệnh viện, rồi ai sẽ làm việc đây. Chính lẽ này chúng tôi càng phải cẩn thận hơn, quyết tâm hơn, phải làm đúng quy trình chống nhiễm khuẩn để không bị lây nhiễm chéo”, anh tâm sự.

Đó cũng là tâm sự của rất nhiều người thầy thuốc đang ở nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Tất cả họ đều cống hiến hết mình với quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19.

Với họ, chiến trường nào cũng có gian khổ, trận chiến nào cũng có thể xảy ra những mất mát hy sinh.

Chiến trường chống Covid-19 cũng vậy, việc điều trị cho bệnh nhân rất dễ gây lây nhiễm chéo, chỉ cần một chút sơ suất nhỏ là nhân viên y tế có thể từ F1 trở thành F0 và mang bệnh vào người.

Nhưng các y bác sĩ không xem đây là nỗi lo sợ của bản thân, mà luôn nhắc nhau làm hết tâm sức và thật kỹ càng trong chống nhiễm khuẩn, bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ cho cộng đồng, để cùng chiến thắng cuộc chiến chống Covid-19 lần này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì chống Covid-19 nên đành ‘gác lại’ ngày lên xe hoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO