“Cá nhân, doanh nghiệp nếu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý hình sự” - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh tại buổi tọa đàm “Sở hữu trí tuệ trong TPP” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng hôm qua (23/3), tại Hà Nội.
Sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ bị lực lượng chức năng thu giữ.
Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong các cam kết mà Việt Nam phải thực hiện khi tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mặc dù tại Việt Nam, hệ thống SHTT đã được thiết lập từ năm 1982, song phải đến năm 2000, vấn đề này mới được các DN chính thức quan tâm. Và khi Việt Nam tham gia TPP, thực thi Luật pháp về SHTT một cách nghiêm ngặt là một trong những điều kiện sống còn để các DN Việt Nam có thể đứng vững ở sân chơi mới này.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: “Về cơ bản các quy định bảo hộ SHTT trong TPP có nhiều quy định khắt khe và nghiêm ngặt hơn một số Hiệp định thương mại khác. Việc vi phạm về quyền SHTT cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn. Nếu trước đây, người vi phạm có thể chỉ bị xử lý hành chính thì khi vào sân chơi TPP, những vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự”.
Theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), có thực trạng, lâu nay, nhiều DN, cá nhân, đơn vị không ý thức được vấn đề liên quan đến việc vi phạm SHTT, cố tình sử dụng một nhãn hiệu của DN khác… với thực trạng này sẽ rất nguy hiểm cho các DN Việt Nam khi chúng ta bước vào sân chơi TPP, bởi ở sân chơi này, các nước tham gia rất đề cao vấn đề SHTT. Nếu vi phạm bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ rất có thể người vi phạm sẽ bị tịch biên tài sản.
Mặc dù vấn đề SHTT có vai trò quan trọng như vậy song dường như các DN Việt Nam vẫn đang còn khá thờ ơ với lĩnh vực này. Theo bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Traphaco, tình hình thực tế hiện nay cho thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang ngày một tràn lan và các DN Việt cần phải nắm rõ Luật SHTT để có thể bảo vệ bản quyền của mình, có thể kiện đến cùng đối với những sự vụ vi phạm. Vì ở chiều ngược lại, nếu chúng ta vi phạm bản quyền SHTT, chúng ta cũng có thể sẽ bị kiện “tới nơi tới chốn”.
Theo bà Thuận, dược phẩm là một trong những lĩnh vực có nhiều giá trị sáng tạo rất cần được bảo vệ. Tuy nhiên, hiểu biết về bảo hộ SHTT hiện nay ở Việt Nam chưa đầy đủ, nhiều DN vẫn có cung cách làm ăn “chộp giật” biến sản phẩm sáng chế của người khác thành của mình. Vào TPP, cung cách này phải thay đổi, phải chấm dứt nếu chúng ta muốn đứng vững ở TPP. “Muốn phát triển, hội nhập bền vững, các DN buộc phải tôn trọng quyền SHTT”- bà Thuận nhấn mạnh.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là cần phải làm gì để người dân, DN Việt Nam tuân thủ các cam kết trong TPP về sở hữu trí tuệ bởi lẽ hiện nay tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn khá phổ biến?
Trả lời cho câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh đến 2 vấn đề là xây dựng khung khổ pháp lý và vấn đề thực thi. Theo Thứ trưởng Khánh, trên thực tế, việc xây dựng pháp luật không khó. Sắp tới, Chính phủ cũng như các bộ, ngành khác có lộ trình xây dựng pháp luật để trình Quốc hội thông qua và chúng ta có thời gian để thích nghi. Việc quan trọng nhất hiện nay là vấn đề phải tăng cường năng lực thực thi. Chúng ta không bắt đầu từ con số 0 và luật pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ nhưng năng lực thực thi hiện nay chúng ta đang có vấn đề.
Đồng tình với nhận định của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ông Lê Ngọc Lâm cho rằng, nguồn nhân lực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có hạn nên dẫn đến việc hạn chế trong xử lý các hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ. Chính hạn chế về nguồn nhân lực đang khiến cho nhà quản lý lúng túng trong việc xử lý các vụ việc vi phạm về sở hữu trí tuệ.