Trao đổi tại tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn” vừa được tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Không phải 2 bệnh viện (Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K) dừng tự chủ mà chuyển từ hình thức tự chủ này sang tự chủ khác.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai và rất nhiều bệnh viện thực tế đang thực hiện tự chủ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây mức độ tự chủ, chi thường xuyên khác nhau, chưa có bệnh viện nào tự chủ toàn diện cả. Đến năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là 2 trong 4 bệnh viện được Chính phủ chỉ định thí điểm tự chủ toàn diện.
15 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tự chủ theo Nghị định 43 của Chính phủ, tức là tự chủ chi thường xuyên. Nhưng 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ chính thức là 2020, 2021 không bộc lộ ra việc thiếu này do số lượng bệnh nhân trong 2 năm này giảm rất nhiều vì dịch nên rất ít người bệnh đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bắt đầu đến quý II/2022 khi dịch bệnh được kiểm soát thì số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến, lúc đó bộc lộ tình trạng thiếu hụt trang thiết bị, ví dụ như toàn bộ hệ thống thiết bị siêu âm, nội soi...
Cũng từ năm 2020 đến nay, toàn bộ thiết bị nói trên rất thiếu. Cả hệ thống thiết bị y tế phục vụ phẫu thuật như robot Rosa, kính hiển vi phẫu thuật, hệ thống phẫu thuật nội soi hoặc không hoạt động hoặc hết hợp đồng liên doanh liên kết, phải đắp chiếu. Nguyên nhân do cơ chế ký kết các hợp đồng liên doanh liên kết còn lỏng lẻo, văn bản pháp quy chưa rõ ràng, nên khi được các cơ quan kiểm tra thì có những sai phạm. Do vậy không có nhà đầu tư nào tiếp tục ký kết hợp đồng…
PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ thêm, theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, tự chủ toàn diện thì được tự chủ về giá. Nhưng chưa có luật về giá. Tự chủ về giá là chúng ta xây dựng về giá nhưng giá ở bệnh viện công lập vẫn phải tuân thủ quy định. Bệnh viện công lập phải phục vụ an sinh xã hội chứ không thể nâng giá lên để thu được.
GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K giải thích rõ hơn: Không phải 2 bệnh viện dừng tự chủ mà chuyển từ hình thức tự chủ này sang tự chủ khác. Vì Nghị quyết 33 yêu cầu có 4 bệnh viện tự chủ thì mới có 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K tự chủ toàn diện. Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 33 sau 2 năm thí điểm tự chủ thì 2 bệnh viện sẽ chuyển sang thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ về tự chủ. Ngày 21/6/2021, Chính phủ đã có Nghị định 60 về tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập. Giữa Nghị quyết 33 và Nghị định 60 có những điểm tương đồng. Do vậy, chúng tôi muốn chuyển sang thực hiện Nghị định 60 sẽ dễ hơn vì đã có Thông tư 56 hướng dẫn chứ không phải chúng tôi dừng tự chủ. Tuy nhiên, mức độ tự chủ ở Nghị định 60 rất rõ ràng: Tự chủ toàn diện gần như theo Nghị quyết 33 bây giờ. Mức hai là tự chủ chi thường xuyên, tức là không phải đầu tư. Mức ba là một phần chi thường xuyên thì chúng tôi chỉ lo 1 phần lương. Còn mức 4 là Nhà nước phải chi trả.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu trung ương ủng hộ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K trong việc tự chủ nhưng ở mức 1 thì ông không ủng hộ. “Tôi ủng hộ và đề nghị cần nhanh chóng quay trở lại tự chủ ở mức 2 hoặc mức 3, tốt nhất là ở mức tương ứng trong Nghị quyết 60. Đó là tự chủ có chi thường xuyên”- ông Trí nhấn mạnh.
TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho biết, qua kinh nghiệm giám sát nhiều năm đối với ngành y tế, chưa có một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên, tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa bệnh viện nào có đủ điều kiện để tự chủ toàn phần. Ông Lợi cho rằng, 2 hạng bệnh viện: Bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, dứt khoát Nhà nước phải đầu tư. Ông cũng khẳng định, không ủng hộ tự chủ hoàn toàn, do cơ chế chưa đáp ứng yêu cầu, việc tổ chức thực hiện có vấn đề và cơ chế giá bất hợp lý.