Chưa đủ năng lực để áp dụng mô hình tự chủ nhưng một số cơ sở y tế đã nôn nóng muốn tự chủ. Và hệ lụy đã xảy ra. Những gì đang diễn ra tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (trực thuộc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam) chính là điển hình của sự nôn nóng đó. Vậy tự chủ bệnh viện: Nên hay không?
Người dân và các nhân viên y tế sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi bệnh viện tự chủ, đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Vụ việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh là minh chứng về rủi ro khi vội vàng đưa ra quyết định tự chủ, dù chưa có sự chuẩn bị kỹ càng.
Tự chủ chưa thành công
Bệnh viện Tuệ Tĩnh được thành lập từ năm 2006 và là bệnh viện thực hành trực thuộc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Tới năm 2019, cơ sở y tế này xin chuyển đổi thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Tuy nhiên sau 3 năm tự chủ, tại bệnh viện đã xảy ra tình trạng nợ lương của cán bộ công nhân viên, người lao động.
Cụ thể, hơn 160 nhân viên y tế phản ánh họ bị nợ 50% lương từ tháng 5/2021 đến nay và những ngày qua, gần 50 nhân viên y tế của bệnh viện đã xuống đường với băng rôn đề nghị Bệnh viện Tuệ Tĩnh trả lương.
Lý giải về nguyên nhân xảy ra bất ổn nói trên, đại diện Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch và kết quả hoạt động của Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Chính phủ và Bộ Y tế đã huy động nguồn lực của các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực y, dược tham gia chiến dịch chống dịch tại các tỉnh, thành có dịch, đồng thời đặt công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với mỗi cơ sở y tế.
Trong điều kiện đó, Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách, giảm số lượng bệnh nhân, hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu.
Bệnh viện gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý I năm 2021 đạt 15%, quý II năm 2021 đạt 51,19% và quý III năm 2021 đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch.
Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương.
Cũng theo lãnh đạo Học viện, tuy nguồn thu giảm rất lớn, nhưng bệnh viện vẫn phải tăng chi để thực hiện các giải pháp phòng, chống lây nhiễm do dịch bệnh Covid-19. Đó là mua sắm trang phục chống dịch, dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn; chi phí phục vụ công tác tiêm chủng cho viên chức, người lao động và thân nhân cán bộ, viên chức, cử cán bộ tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
Trong các đợt dịch vừa qua, Học viện và bệnh viện đã cử gần 500 giảng viên, sinh viên tham gia phòng, chống dịch tại Bắc Giang, TP HCM và Hà Nội. Vì khó khăn đó, từ tháng 5/2021 đến nay, bệnh viện chỉ tạm chi 50% tiền lương dẫn đến đời sống của viên chức, người lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Sớm đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Được biết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.
Nhận định về nguyên nhân nợ lượng nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, PGS. TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phân tích, nguyên nhân thứ nhất, là do bệnh viện thực hiện tự chủ trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về pháp lý, con người, tổ chức bộ máy và sự thống nhất, cũng như là nhận thức về tự chủ.
Thứ hai, tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh ở một lĩnh vực hết sức đặc thù, đó là chuyên ngành y học cổ truyền, đây là đơn vị đầu tiên tự chủ, nên chưa có đơn vị đi trước để rút kinh nghiệm và học tập.
Thứ ba, là tự chủ của bệnh viện đúng thời điểm có dịch Covid-19 nên gần như không có bệnh nhân.
Thời gian qua Công đoàn Y tế Việt Nam đã quan tâm hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động và sinh viên của Học viện và Bệnh viện Tuệ Tĩnh, tổng cộng khoảng 440 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Tổng Liên đoàn và của Công đoàn Y tế Việt Nam, nguồn huy động tài trợ hỗ trợ dinh dưỡng, mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ cho đoàn viên bị bạo hành, chủ động làm việc với Đảng ủy, Ban Giám đốc học viện, kiến nghị đối với các Vụ, Cục Bộ Y tế và Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, báo cáo Tổng Liên đoàn về các vụ việc của Học viện và Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Tuy nhiên, tình hình chưa cải thiện do bệnh viện vẫn phải tự chủ trong điều kiện dịch bùng phát, không có bệnh nhân và bệnh viện chưa được kiện toàn đầy đủ về tổ chức, phương hướng hoạt động.
Bà Bình cho biết thêm, thời gian qua, không chỉ có Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị tự chủ bị nợ lương, hiện nay nhiều đơn vị tự chủ trên cả nước bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tập trung lực lượng tham gia chống dịch, không có bệnh nhân đến khám cũng bị nợ lương như Bệnh viện Đa khoa thuộc Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam, Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam)…
Công đoàn y tế đã đại diện cho các đoàn viên ngành y tế có tờ trình Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, đề nghị Bộ Y tế kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét có chính sách hỗ trợ bảo đảm lương cho cán bộ y tế tại các đơn vị tự chủ ngành y tế trong giai đoạn chống dịch Covid-19.
Nhà nước cân đối chính sách nhằm hỗ trợ, bảo đảm đời sống để cán bộ y tế yên tâm cống hiến vì sức khỏe nhân dân.
TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh - Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội: Bệnh viện cần cân đối thu chi hợp lý, kịp thời
Tình hình dịch bệnh như hiện nay khiến rất nhiều bệnh viện tự chủ lâm vào tình trạng khó khăn. Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị giảm sút một cách nghiêm trọng, số lượng chỉ bằng 1/3 so với trước đây.
Chúng ta đều biết, không có bệnh nhân đến khám đồng nghĩa với việc bệnh viện không có nguồn thu, gần 2 năm nay bệnh viện gần như không có thu nhập tăng thêm nào cho cán bộ nhân viên, ngay cả việc chi trả lương cho nhân viên cũng rất khó khăn.
Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng không nằm ngoài những khó khăn chung đó, thậm chí, lượng bệnh nhân của bệnh viện này còn ít hơn các bệnh viện khác rất nhiều vì đó là bệnh viện y học cổ truyền. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, người dân có tâm lý “e ngại” khi tới thăm khám ở bệnh viện, nên đa phần người mắc bệnh mạn tính, những bệnh có thể trì hoãn được thì sẽ không đến viện.
Từ câu chuyện của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, có thể thấy được, bệnh viện cần có đánh giá, tổng kết hàng tháng để kịp thời nắm bắt những số liệu quan trọng như số lượng bệnh nhân đến khám tăng hay giảm, nguồn thu thế nào để có biện pháp cân đối thu chi. Trong trường hợp khó khăn cần báo cáo với cấp trên để có cơ chế chính sách, hỗ trợ kịp thời, đảm bảo thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế.
BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang: Phát huy quyền tự chủ toàn diện của bệnh viện
Khó khăn của các bệnh viện tự chủ trong bối cảnh Covid-19 hoành hành chỉ là tạm thời. Về lâu dài, để phát huy hiệu quả tự chủ, cần phải rành mạch giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân, giá dịch vụ phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng.
Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn về thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần sớm được sửa đổi theo hướng phát huy quyền tự chủ toàn diện.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần kiện toàn quy trình, thủ tục giám định, thanh quyết toán Bảo hiểm y tế để giảm thời gian, công sức; đổi mới cơ chế sử dụng Bảo hiểm y tế theo hướng chi thêm cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí khám, chữa bệnh.
Đ.Trân - Ph.Sỹ (ghi)