Theo thống kê, trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca ung thư mới mắc hàng năm và có khoảng 8,2 triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này. Năm 2020 Việt Nam ghi nhận hơn 182.000 ca ung thư mới, hơn 122.000 người tử vong do bệnh này, các chuyên gia cho rằng già hóa dân số, ít vận động, ăn uống không hợp lý... là nguyên nhân.
70% trường hợp phát hiện, điều trị muộn
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng, chống ung thư, hiện nay, số người chết vì ung thư tại Việt Nam chiếm đến 73,5% tổng số người bệnh, và có tới 80% bệnh nhân đến điều trị ung thư trong giai đoạn muộn. Theo thống kê của GLOBOCAN (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế ) năm 2020, số ca mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng, không riêng Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, tế bào ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình. Ở Việt Nam, gánh nặng ung thư đang gia tăng trên cả nước, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và phòng, chống ung thư quốc gia, hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều bệnh nhân ung thư như hiện nay. Đó là nhận xét của giới chuyên môn thông qua nhiều cuộc điều tra, khảo sát thực tiễn va cũng là lo lắng của hầu hết người dân .
GS Thuấn cho biết thêm, hiện nay ước tính khoảng trên 70% người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao. Đây là lý do chính khiến tỉ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp. Ung thư đang là vấn đề lớn của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư cao gấp 9 lần số người chết do tai nạn giao thông. Tỷ lệ tử vong cao là do đa phần người bệnh đi khám, phát hiện, điều trị muộn - ước tính có số này khoảng trên 70%
Hiện nay ở Việt Nam, 10 bệnh ung thư phổ biến ở nam giới là phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang. 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung, dạ dày, tuyến giáp, gan, buồng trứng, hạch và ung thư máu.
Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia cũng vừa công bố một thông tin khiến nhiều người băn khoăn, đó là tỷ lệ nam giới tử vong do ung thư ở Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu thế giới, với hơn 142 trường hợp tử vong trong số 100.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở nữ giới Việt Nam đứng thứ 4 trong số 5 mức xếp hạng trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia Bệnh viện K, ung thư xảy ra ở mọi lứa tuổi, 80% trường hợp mắc ung thư từ 45 tuổi trở lên. Mọi bộ phận trên cơ thể đều có thể bị ung thư và ở người có khoảng 100 loại ung thư khác nhau. Các yếu tố môi trường là tác nhân lớn gây ra bệnh ung thư như hút thuốc lá, chế độ ăn, bệnh nhiễm trùng, hóa chất, phóng xạ…Với những người thừa cân béo phì tăng nguy cơ ung thư vú, đại tràng, nội mạc tử cụng, thực quản, thận, túi mật.
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam tăng nhanh, lãnh đạo Bệnh viện K cho biết ung thư là bệnh lý do nhiều yếu tố phối hợp. Nhìn chung là hai nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường..) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gene...).
Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số nói chung, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng, trung bình 73,6 tuổi. Tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ càng dài thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao.
Cùng đó là dân số tăng. Dân số Việt Nam hiện gần 97,8 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới. Dân số tăng lên dẫn tới tăng số người mắc và tử vong do ung thư cũng như các bệnh khác.
Các yếu tố về hành vi lối sống là hút thuốc lá - nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi; lạm dụng rượu bia - nguyên nhân gây ung thư miệng, họng, gan, vú, đại trực tràng...
Chế độ ăn uống không hợp lý, như ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc...), thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối... dễ gây ung thư vú, thực quản, đại trực tràng.
Còn thói quen ít vận động là nguyên nhân dẫn đến ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
Với môi trường sống, ô nhiễm không khí và môi trường được cảnh báo là yếu tố gây ung thư.
Điều trị khó khăn và tốn kém
Hiện nay, tại Bệnh viện K thường xuyên trong tình trạng quá tải trầm trọng do thiếu trang thiết bị y tế, các máy xạ trị của Bệnh viện sử dụng liên tục 22/24h. Mỗi ngày, Khoa Xạ trị (Bệnh viện K) tiến hành xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân và do không đủ máy móc nên việc điều trị phải chia làm 3 ca sáng, chiều và đêm.
Thống kê của Bệnh viện K cho thấy, những năm gần đây, số lượng người bệnh mắc ung thư đến bệnh viện điều trị ngày càng gia tăng. Năm 2015, bệnh viện tiếp nhận hơn 11.700 bệnh nhân, năm 2016 là hơn 12.000 người bệnh, song đến năm 2017 (tính đến 30/11/2017), bệnh viện đã điều trị cho hơn 15.000 người bệnh. Chính vì vậy, bệnh viện thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, các máy xạ trị của Bệnh viện sử dụng liên tục suốt ngày đêm. Còn tại TP HCM, theo TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu, TP HCM, trung bình mỗi năm, số bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu, TP HCM tăng khoảng 10%.
Theo TS.BS Lại Đức Trường (Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam), bệnh ung thư nói chung cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên nếu bệnh ung thư phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao. Đây là lý do chính khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp, không bằng các nước phát triển. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư tại các nước phát triển trên 80%, nhờ chiến dịch sàng lọc phát hiện sớm bệnh.
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, nhiều bệnh ung thư đến nay phát hiện sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi được, ví dụ với bệnh ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỉ lệ điều trị thành công 95%, giai đoạn 2 tỉ lệ khoảng 70-75 %, giai đoạn 3, tỉ lệ chữa khỏi đạt 65% nhưng đến giai đoạn 4 thì chỉ đạt được 5% tỉ lệ thành công.
Vấn đề đáng ngại hiện nay đó là việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả. PGS Thuấn hy vọng trong thời gian tới bảo hiểm có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư như: Ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa… Nếu thực hiện được điều này đồng loạt trên toàn quốc sẽ giúp nâng tỉ lệ phát hiện bệnh sớm, nâng tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư.
Tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư (ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, dạ dày, khoang miệng) ước tính chiếm 0,22% tổng GDP của Việt Nam năm 2012... Đánh giá ảnh hưởng của bệnh ung thư lên tình hình kinh tế và tài chính trong 12 tháng của hộ gia đình bệnh nhân ung thư tại Việt Nam cho thấy có 24% bệnh nhân tử vong, 31% bệnh nhân còn sống nhưng gặp khó khăn về kinh tế, tài chính; 45% bệnh nhân còn sống không có khó khăn về tài chính, kinh tế.