Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội đã có những đánh giá cụ thể về tình trạng các bãi rác lớn tại Hà Nội liên tiếp phải dừng tiếp nhận rác do quá tải.
Nhanh chóng đánh giá toàn diện để tìm nguyên nhân
Theo chuyên gia, Hà Nội cần nhìn một cách tổng thể và dài hơi trong quy hoạch rác. Đặc biệt cần phải nghĩ ngay đến kinh tế tuần hoàn và tái chế rác thải. Muốn tái chế được rác thải thì phải phân loại được chúng. Câu chuyện bãi rác Nam Sơn ngừng tiếp nhận rác thải vì quá tải cũng đã từng có tiền lệ, nếu cứ như vậy thì rác thải ở Hà Nội sẽ đi đâu?
Muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của người Hà Nội lên thì phải nâng cao chất lượng về môi trường, trong đó rác thải ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân. Nếu ngay tại đô thị này mỗi ngày tồn đọng hàng ngàn tấn rác thì sẽ thế nào?
Hà Nội cần có cái nhìn tổng thể và cần kiên quyết xử lí dứt điểm vấn đề này. Tất nhiên vấn đề môi trường không phải chuyện ngày một ngày hai, tuy nhiên phải đặt mục tiêu rõ ràng trong thời hạn nhất định: 1 năm, 2 năm để có thể giải quyết vấn đề quy hoạch. Đặc biệt cần quan tâm đến vấn đề tái chế để trở thành nền kinh tế tuần hoàn, biến rác trở thành nguồn nguyên liệu. “Khó thì khó nhưng làm được”, PGS.TS Bùi Thị An khẳng định.
Bên cạnh đó, cần kết hợp kèm theo các giải pháp về công nghệ, cơ chế, chính sách, hỗ trợ những người làm công việc này…Việc này đòi hỏi tầm nhìn dài hạn vì vậy TP cần phải đặt vấn đề xử lí rác thải lên thành một trong những nội dung chính trong mục tiêu của năm tới.
Đề xuất về các giải pháp cho vấn đề này, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, cần nhanh chóng đánh giá lại toàn diện để tìm nguyên nhân vì sao sự cố về xử lí rác thải liên tục bị lặp lại, khâu nào có vấn đề, vướng mắc, trách nhiệm thuộc về ai.
“Rõ ràng, có thể nói chủ trương và mục tiêu của Hà Nội về môi trường là đúng đắn, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện thì chưa chuẩn, cần xem xét lại, vướng ở đâu phải gỡ ngay ở đó vì đây không phải vấn đề lớn về công nghệ. Cần tăng cường giám sát và làm rõ trách nhiệm quản lí, tổ chức thực hiện trong vấn đề xử lí rác thải ở Nam Sơn”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Hà Nội xử lí rác thải tồn đọng ra sao?
Trong vòng chưa đầy một tháng, 2 bãi chôn lấp rác thải lớn nhất của thành phố Hà Nội là bãi rác Nam Sơn và bãi rác Xuân Sơn đều phải dừng tiếp nhận rác do quá tải, nguy cơ xảy ra sự cố. Đáng nói đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng này.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, số rác thải sinh hoạt của người dân thành phố Hà Nội trung bình khoảng hơn 5.000 tấn/ngày. Thời gian qua, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận trung bình hơn 4.000 tấn rác/ngày theo hình thức chôn lấp, phát sinh lượng nước rỉ rác khoảng 2.800 - 3.000 m3/ngày (chưa bao gồm lượng nước rác phát sinh do mưa); còn lại bãi rác Xuân Sơn tiếp nhận xử lý khoảng trên 1.000 tấn rác theo hình thức đốt kết hợp chôn lấp.
Tuy nhiên, do phải tiếp nhận lượng rác thải quá lớn, trong khi những ngày mưa liên tiếp xảy ra, các hồ nước rác của bãi rác Nam Sơn đã không còn khả năng lưu chứa thêm, mực nước rác lưu chứa tại các hồ đều vượt cao độ lưu chứa an toàn. Vì thế, nếu không ngừng nhận rác trong 3 ngày tới, nguy cơ sẽ xảy ra sự cố chất thải tại bãi rác này.
Để tránh nguy cơ ùn ứ rác ở nội thành, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã lên kế hoạch phân luồng rác thải sinh hoạt hàng ngày ở 17 quận, huyện. Cụ thể, với hơn 1.000 tấn rác thải/ngày từ các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Long Biên, một phần rác sẽ được chuyển đến Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Mỗi quận được phân luồng vận chuyển 100 tấn rác/ngày, số còn lại thực hiện lưu chứa tại địa bàn.
Tương tự, gần 1.500 tấn rác thải/ngày ở 7 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm sẽ được phân luồng về Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn. Riêng 385 tấn rác/ngày ở Thanh Xuân sẽ được chuyển về xử lý tại Nhà máy đốt rác Thành Công nằm trong Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Đối với rác thải của 5 huyện ngoại thành là Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh, phương án hiện tại là thực hiện lưu chứa tạm thời tại địa bàn.