Trước một số ý kiến đề nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất thuế GTGT 10%, Bộ Tài chính đã đưa ra lý giải.
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, sẽ giảm 2% thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Liên quan đến vấn đề giảm thuế GTGT, góp ý đối với dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến kiến nghị áp dụng phạm vi rộng hơn. Chẳng hạn như, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất giảm 2% thuế GTGT cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất thuế GTGT 10%. Theo VCCI , việc nới lỏng chính sách tài khoá, thông qua việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng vào thời điểm này là hết sức cần thiết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm.
Trong hai năm 2022 và 2023, việc giảm thuế giá trị gia tăng mang lại nhiều tác động tích cực đối với các DN và nền kinh tế, đặc biệt giúp tăng tiêu dùng nội địa trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo VCCI, các DN gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hoá nào phải chịu thuế 10%, hàng hoá nào được giảm thuế xuống 8%. Có DN phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hoá đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Nhiều DN phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hoá, thoả thuận xong với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.
Do vậy, VCCI cho rằng nên giảm thuế GTGT cho tất cả các dịch vụ, hàng hoá.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, với phương án thứ nhất, giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ như hiện tại đang áp dụng thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 4,175 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Phương án thứ hai là giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Dự kiến số thu sẽ giảm khoảng 6,18 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm thì tương đương NSNN giảm thu khoảng 37,1 nghìn tỷ đồng.
Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện theo phương án thứ nhất để phù hợp với khả năng cân đối, hỗ trợ của NSNN cũng như bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.
Bộ Tài chính cho biết sẽ quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Yêu cầu cả ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để đảm bảo cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.