Do hoàn ảnh gia đình khó khăn, nhiều trẻ em vùng sâu vùng xa tỉnh Đắk Lắk sau Tết lại bỏ học, xuống TP. Hồ Chí Minh mưu sinh. Mặc dù đã được các cấp chính quyền vào cuộc tuyên truyền, xuống tận nơi đón về, vận động các em tới lớp thế nhưng vì cuộc sống những bậc làm cha, làm mẹ vẫn chấp nhận cho con em mình đi làm khi chưa đủ tuổi lao động, bỏ ngang cả việc học.
Cán bộ xã Hòa Phong tuyên truyền vận động người dân gọi các con về đi học trở lại.
Trong căn nhà cũ nát, ông Lê Văn Hồng (người Mông, ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) buồn rầu chia sẻ: Năm 2001, gia đình ông từ Bắc Giang vào Đắk Lắk sinh sống. Qua bao năm, cái nghèo vẫn đeo bám. Đầu năm nay, được một người quen hứa hẹn nếu cho 2 con ông là Lê Văn Cải (10 tuổi) và Lê Văn Khương (15 tuổi) đi làm ở xưởng may tại TP HCM thì sau 1 năm sẽ được trả lương 18 triệu. Thấy con đi học tốn kém, gia đình lại khó khăn nên ông đồng ý để 2 con đi. Nhưng sau 2 tháng, do không chịu được điều kiện làm việc nên các con ông nhiều lần gọi điện cầu cứu. Thương các con ông Hồng phải mượn 2,6 triệu đồng xuống TP HCM và được chủ xưởng may hẹn đến một cây xăng tại quận Bình Tân để nộp tiền và đón hai con về.
Cũng vì cảnh nghèo, ông Lê Văn Tỏa cùng thôn cũng tặc lưỡi để cô con gái 13 tuổi nghỉ học đi làm xa, nhưng ông không biết con mình hiện giờ làm gì ở đâu, chỉ lâu lâu nghe con gọi điện về than vãn cuộc sống cơ cực nơi đất khách quê người. Ông Tỏa chia sẻ, con bé nó gọi về bảo dưới này làm cực lắm, cả ngày không có giờ giấc mà nghỉ. Từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, ăn xong chén cơm đã phải làm từ 12giờ đến 7 giờ tối, nghỉ ăn cơm một lúc lại làm đến 12giờ đêm, không có thời gian nghỉ ngơi còn bị ép công nữa.
Trường hợp của gia đình ông Hồng, ông Tỏa không phải là hiếm ở huyện Krông Bông khi cho con nghỉ học đi lao động sớm. Trao đổi với phóng viên ông Y’ Suôm Niê Trưởng buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông bông cho biết: Đầu năm 2017, một đối tượng lạ mặt tên là Nguyễn Thị Khang (thường trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đến buôn tiếp cận các gia đình có trẻ em độ tuổi 10 - 16, có hoàn cảnh khó khăn, sau đó làm hợp đồng đưa 14 trẻ em đi lao động tại TP HCM. Phần lớn các em còn là học sinh nên sau kỳ nghỉ tết là các trường học ở các xã vùng sâu, vùng xa như: xã Hòa Phong, Hòa Lễ, Ea Trul, Cư Pui sĩ số học sinh lại hao hụt.
Ông Vũ Đình Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết: Trường có hơn 1.000 học sinh, chủ yếu là đồng bào Mông, Êđê, hơn nửa số gia đình học sinh thuộc diện hộ nghèo. Tuy đã có chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho con em vùng đồng bào dân tộc, nhưng để vận động các em ra lớp là hết sức vất vả, giữ được các em theo học còn khó khăn hơn. Dù rất cố gắng nhưng không năm nào trường không có vài chục em nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình hoặc đi lao động ngoài tỉnh. Các thầy các cô bằng trách nhiệm và tình yêu trẻ đã đến từng nhà vận động gia đình cho các em trở lại trường. Nhưng số em quay lại lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không riêng gì trách nhiệm của nhà trường mà chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội cũng vào cuộc. Tuyên truyền, vận động, giải thích thậm chí dựa vào những sai phạm về pháp luật trong tuyển dụng trẻ em chưa đủ tuổi lao động để xử lý nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động. Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết: khi chính quyền địa phương phát hiện được việc các em đi lao động và có một số em ký kết hợp đồng với cơ sở lao động, chúng tôi có vận động các hộ liên hệ với các em để đưa các em về nhưng vì thu nhập vì đời sống của người dân cho nên họ vẫn để con cái ở dưới đó làm kiếm tiền mà không chịu gọi các em về.
Ông Trần Ngọc Hùng - Phó trưởng phòng LĐTB&XH huyện Krông Bông cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 135 em (từ 12-16 tuổi) bỏ học. Trong đó, 42 trẻ em nghỉ học đi lao động ở TP HCM và Bình Dương. Số trẻ em nghỉ học đi làm chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước diễn biến phức tạp của tình trạng này, phòng LĐTB&XH huyện đã yêu cầu đội ngũ cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở các thôn, buôn rà soát, nắm bắt thông tin và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các đối tượng môi giới đưa trẻ em đi lao động, đồng thời tuyên truyền vận động nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em cho người dân.
Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ em nghỉ học để lao động sớm, ông Trần Ngọc Hùng kiến nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, đặc biệt phải giải bài toán kinh tế cho các hộ gia đình khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa. Có thể nói, có 2 nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến nhiều trẻ em ở Đắk Lắk đi làm xa với những cam kết bất lợi, một trong đó là cái nghèo, và cái còn lại là sự thiếu hiểu biết.
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 88 trẻ em bị đưa đi lao động trái phép tại TP HCM và các tỉnh, thành phố khác. Trong đó nhiều nhất là các huyện Krông Bông (42 em), Cư M’gar (29 em), Ea Kar (13 em)…
Ngay khi nắm được sự việc Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Sở LĐTB&XH TP HCM đến tận nơi ăn ở, làm việc của các em để nắm bắt tình hình và đưa các em về.