Đây là tiêu đề của chuyên mục Đối thoại Chính sách sẽ được phát sóng trên VTV1 vào lúc 22h35’ ngày hôm nay (5/8). GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam; GS.TS Vương Đình Huệ- Trưởng ban Kinh tế TW và TS Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham dự chương trình này.
Trong dự thảo báo cáo tổng kết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa 11 về một số vấn đề lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, có phần đánh giá về tình hình phát triển của một trong những khu vực quan trọng của nền kinh tế là kinh tế tập thể, theo đó “Kinh tế tập thể hiện nay rất yếu, chỉ chiếm 5 đến 6% Tổng sản phẩm quốc dân. Vậy đến bao giờ nó mới cùng kinh tế nhà nước đóng vai trò nền tảng? Cần phải có tư duy mới về kinh tế tập thể, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển Hợp tác xã”.
Cách đây 79 năm, trong “Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Việt Nam là nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Với cách đặt vấn đề như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến một kết luận quan trọng: Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh phải có hợp tác xã.
Hợp tác xã là mô hình điển hình của kinh tế tập thể. Trong những năm qua, tư tưởng của Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta kế thừa và vận dụng khi ban hành các chủ trương, Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là Nghị quyết số 13 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cũng như các văn bản chỉ đạo sau này. Nhưng điều đáng suy nghĩ, hiện nay số lượng HTX đang hoạt động cứ giảm dần và đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể, với nòng cốt là HTX đang giảm sút liên tục trong 15 năm qua.
Khoảng 13 triệu hộ nông dân Việt Nam hiện nay về cơ bản là những hộ sản xuất nhỏ lẻ nhất thế giới. Họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong sản xuất và thị trường do hạn chế về quỹ đất, sản xuất nhỏ, giá thành đầu vào của sản xuất cao, thiếu vốn, thiếu đầu ra ổn định và đặc biệt thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nông nghiệp và chế biến, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản do thiếu nguyên liệu đầu vào có chất lượng và ổn định. Mặt khác họ cũng thiếu niềm tin vào chất lượng và khả năng cung cấp nguồn nguyên vật liệu đầu vào của các cơ sở, các hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Xuất phát từ những đòi hỏi thực tiễn, yêu cầu lúc này được đặt ra là cần tiến hành xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, với HTX kiểu mới, nông nghiệp Việt Nam có khả năng chuyển sang một giai đoạn mới về chất, có tính đột phá, vì nó khắc phục được những yếu kém, cản trở kéo dài suốt 30 năm qua.
HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép mạnh mẽ từ đó tạo đột phá phát triển cho nông nghiệp Việt Nam. Vì ở đó, người nông dân vẫn là người chủ với đầy đủ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả từ HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp nhận tối đa các hỗ trợ của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ các liên kết với doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hội nhập quốc tế về thương mại.
Thực tế hiện nay cho thấy, để nâng cao sức cạnh tranh thì liên kết sản xuất là đòi hỏi tất yếu. Việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới không chỉ là câu chuyện thay tên, hay “bình mới, rượu cũ” mà chính là cách thức để nâng cao hiệu quả sản xuất và kết nối nông dân với thị trường thông qua tham gia vào chuỗi giá trị hàng nông sản.
Từ góc độ lý luận và thực tiễn, các vị khách mời tham dự chương trình Đối thoại chính sách chắc chắn sẽ giúp những người quan tâm có một cái nhìn toàn cục và đa chiều về vấn đề phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp ở nước ta hiện nay.