Vi vu cổ ngoạn

Tản văn của Nguyễn Quang Hưng 25/10/2017 13:37

Những người yêu giữ cổ vật như thế, như là hiện thân của vốn liếng hoa văn, men gốm, vân gỗ, dáng mềm mại bình bát hay chắc khỏe những thạp những vò. Tinh hoa cổ vật qua chân đi, tay nâng, mắt ngắm, tai nghe, miệng trầm trồ của họ mà bay lượn. Quả có vậy, trừ đi các nhà nghiên cứu, thì thiếu những người tích lũy thông tin, sử liệu, chuyện dân giã như thế, thì lắm khi cổ vật bày ra trước mắt ta thuần túy mang nghĩa trưng bày sơ sài mà không có cả một quá khứ đang sống động.


(Minh họa: Thiện Hoàng).

Tôi mới lớt phớt vài lần qua cái tủ bày bình bát chum lọ đĩa ấm cổ xưa nhà ai đó một hai lần thôi, để hiểu mình sẽ mãi mãi ở vòng ngoài của sự dốt, mà đã nghĩ ngợi mông lung về những người kính yêu cổ vật. Thế thì họ - những người bỏ công đi “tầm quý vật” bằng nhiều năm cuộc đời tóc xanh tóc cước của mình để nâng niu về nhà, đặt trên nóc tủ, trên mặt bàn, trên kệ, ngoài giá, trong góc, giữa nhà… bao nhiêu những dáng hình, đường nét, màu sắc năm xưa - thì họ dành cho cổ vật niềm trân quý đến nhường nào!

Có những lý giải rất cặn kẽ về nguyên cớ của niềm yêu mê di sản cổ vật. Có những bài viết, lời khen tặng, cổ vũ nhiệt thành với những con người ấy. Nhưng sẽ không gì thích bằng tận mắt, tận tai, tận chỗ khi mình ngồi cùng nhà sưu tập, giữa những cổ vật, để thời gian tuyến tính hiện tại được tháo lắp, kết cấu lại, trở thành thời gian trầm tích, thời gian lập thể, thời gian đa chiều. Và những phút của thời gian ấy bay lên, xen lẫn, cộng hưởng bao nhiêu thông tin, suy tư, ước nguyện qua các thời, các triều đại, các đời người, qua những lối đi mà lịch sử chính trị, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử triều chính và thôn dã đã gọi nhau bước qua.

Ông anh rể vốn dân họa sĩ, lấy bà chị họ, một tối ngồi thong thả chén nước chè bên vỉa hè quán phở xào gia đình phố Bát Đàn đã được biết tiếng, kể một chi tiết mà tôi nghĩ cái người chơi đó nếu có thì phải ở mức siêu nhân. Tức là đi qua địa danh nào đấy, người ta nhìn lên sườn đồi, ngắm dáng cây, chất đất, người ta có thể đoán được ít nhiều ở dưới này có thể có cổ vật không. Tôi đã lên nhà ông anh chơi, ông bật đèn sáng tưng bừng cả nhà, dẫn tôi lên các tầng, đâu cũng có thể dừng lại để kể chuyện, bình luận về một món đồ đang bày ở đấy, bộ trâm cài đầu Đông Sơn bám rỉ xanh, chiếc bình gốm nâu đanh vẽ viền sóng nước, bức tranh thờ của người dân tộc tươi màu… Mấy chiếc trống đồng để đây, ông bảo, con mình nó đến lớp, cô dạy môn lịch sử, trong sách giáo khoa có hình vẽ trống đồng. Nó học xong, về nhà có ngay cái trống đồng thật đây làm ví dụ để nó xem hình dáng trống, xem các hình chim, hình người, nào nhà, nào thuyền… Thế thì hay quá đi chứ!

Biết là có đâu mấy ai được như thế! Cho nên con cái nhà ông anh bà chị tôi quả là sung sướng khi có ông bố sưu tầm cổ vật, để những gì hiện diện trong nhà sẽ thấm vào chúng nó những gì rất đẹp, rất lạ, rất hay mà trong suy nghĩ hồn nhiên, nó thấy ngày xưa người ta đã làm ra được.
Ông anh khác hồi đi thường trú ở Nghệ An cũng có “tráng” qua hàng cổ vật ít ngày để viết bài thì kể, có một số người, không nhiều đâu, được anh em trong giới “sùng bái” đặc biệt. Ví dụ như cái ông đấy ở Thanh Hóa, anh em trong Vinh có gặp món đồ nào độc, lạ, còn băn khoăn thật giả, giá trị, thì mời ông ấy vào, xe đón cẩn thận, đãi đằng long trọng, rồi mời bác xem, bác phán một câu, được không, thế thôi là đủ. Rồi xe lại đưa bác về đến nơi đến chốn!

Có những người được coi là dân chuyên, chơi lâu, vốn dày, cả về kinh tế và nhất là sự am hiểu, kinh nghiệm tìm, xem, chọn, mua cổ vật. Nhưng cũng có những người, thật lạ, cần lao mộc mạc, nhưng cũng vi vu tháng ngày đuổi theo quý vật trăm ngàn năm xưa. Một thầy lang trên Bắc Ninh. Làng trong phố tên nôm na là Chọi, bây giờ là phường, khung phố ngắn, nhỏ, nhà thấp, lẫn trong tấp nập xây mới, buôn bán. Trong ngôi nhà cũ xây khoảng những năm 80 đầy những tượng gạch nung be bé cao cỡ chục, hơn chục cm, thể hiện dáng hình người xưa ở nhiều tư thế, hình dáng, mắt lồi, to, mũi… lõ, miệng rộng, mặt dài, trông không giống lắm chúng ta bây giờ.

Thế mà, ông lang Chọi bảo mua được ở những chỗ người ta đào lên ở ven sông Cầu Bắc Ninh, rồi cả bên Hưng Yên nữa. Người ta đào được nhiều lắm, tôi mua hàng rổ, ông hỉ hả, cứ nghĩ nhỡ người ta đào làm vỡ, gãy, hay bỏ đi thì phí lắm, mà nghe đâu những bức tượng gạch nung nhỏ như thế đã có cả nghìn năm nay rồi, lạ cái là trông mặt người ta lại... tây tây! Ông lang liên tưởng vui, sách nói là ngày xưa biển chưa ngập như bây giờ, từ Việt Nam có khi còn đi được xe đạp sang thẳng châu Úc, biết đâu ngày xưa có cụ bà nào gặp một cụ ông đằng đó rồi sinh ra kiểu người như mấy cái tượng này cũng nên.

Bao nhiêu là tượng, ông để trên bàn nước, xếp theo cầu thang gỗ lên gác xép. Ông lại còn tìm đâu được mấy cái đầu rồng, đầu phượng thời Trần bằng gạch nung trông đến là mê! Nghĩ cũng lạ, đến nhà ông lang tôi nghĩ đến ông anh bà chị cửa nhà bề thế trên phố Hà Nội. Ông lang cả đời bốc thuốc, nay vào cái hồi mà đông y, nam y khó lại với thuốc tây, với bệnh viện, thế nên dung giữ lấy cái nghiệp lương y ấy, đời sống quả là thanh bạch. Vậy nhưng ông lại yêu mê cổ vật một cách cũng “xông xáo” lắm! Và chắc hẳn là cũng không thể không… tốn! Không phòng rộng, không góc đẹp, không bục bệ, đèn chiếu, các tượng nhỏ và đầu rồng, đầu thú của ông lang Chọi để trong nhà không có trật tự gì cả. Thế mà nhìn ra trông lại hay hay, như thể chúng mang rất rõ cái nghĩa nổi chìm, đẩy đưa trong cõi đời bụi bặm.

Những người yêu giữ cổ vật như thế, như là hiện thân của vốn liếng hoa văn, men gốm, vân gỗ, dáng mềm mại bình bát hay chắc khỏe những thạp những vò. Tinh hoa cổ vật qua chân đi, tay nâng, mắt ngắm, tai nghe, miệng trầm trồ của họ mà bay lượn. Quả có vậy, trừ đi các nhà nghiên cứu, thì thiếu những người tích lũy thông tin, sử liệu, chuyện dân giã như thế, thì lắm khi cổ vật bày ra trước mắt ta thuần túy mang nghĩa trưng bày sơ sài mà không có cả một quá khứ đang sống động. Từ cổ vật được giới thiệu, giảng giải, ta nghĩ ngợi được về nhiều điều, không chỉ cụ thể là món đồ đang ở trước mắt mình nữa, ta còn được tiếp cận, mở mang thêm ra nhiều.

Không tin, cứ theo nhóm những người mua sắc phong rồi dò hỏi nơi mà từ đó sắc phong đã ra đi, mà chủ yếu là do bị kẻ gian lấy cắp, để trả lại, kèm theo sự… không đòi hỏi gì hết, thì sẽ cảm nhận được. Hôm ấy tôi đi xem một làng ở Hà Nam đón tấm sắc phong do một nhóm sưu tập có lòng thiện nguyện đưa về. Cả đoàn rước dài đằng đẵng như trong ngày hội làng chờ đợi, trông ngóng bên đồng lúa. Xe về đến kia rồi, chiếc hộp tròn đựng đạo sắc phong được trao lên kiệu và từ ấy rộn vang những giai điệu của dàn bát âm theo đoàn cờ quạt rước sắc về đình. Người ta hát chèo, người ta làm cỗ, dọn cỗ trong ngôi đình cổ, người ta làm lễ bên miếu thờ thánh. Đã có nhiều đạo sắc phong bị mất, bị thất lạc, bị bán truyền tay ra bắc vào nam, thế rồi theo sự liên lạc giữa những người phát tâm thiện nguyện văn hóa, đã trở về với đình thiêng như thế. Tôi đã thấy dấu hiệu của sự thuyết phục tự nhiên và lan tỏa giữa những người nhiệt thành đối với ngôi đình nào đó, người làng nào đó không liên quan gì đến họ.

Đó là khi người ta thấy có thông tin trên mạng giới thiệu rằng ai đó có đạo sắc phong muốn tìm nơi mất để trao lại, thì người ta mách cho nhau tìm về huyện, xã, thôn, làng. Là khi người này cảm kích vì đình làng mình được trả sắc phong thì giúp thêm vào một tay, trở thành thành viên trong những người thiện nguyện. Lại mới có cả một số người vốn yêu thích hoặc vì mục đích kinh doanh, nên mua sắc phong để bày, để lưu giữ, trao đổi, thấy việc để cho những đạo sắc đó hồi hương thì hay hơn, nên qua những người thiện nguyện, họ gửi lại những ngôi đình.

Thế rồi tôi đến nhà thầy. Thầy tôi dạy văn học dân gian nhưng cái nền mà thầy xếp lên vững vàng cho những giờ lên lớp rất bay bổng, ấy là những tư liệu sử học, khảo cổ học, Hán Nôm, là tình thơ lắm lúc xuất thần của thầy. Thế nên khi sức khỏe dư dật, thầy thường đi điền dã đó đây. Thầy bày trên cửa những cái tháp gạch nung nhỏ. Cái gần nguyên vẹn, còn cả chóp mái, cái nứt, cái đã cụt vát một nửa. Những tháp gạch loại lớn thì gần bằng cái phích Rạng Đông, loại nhỏ thì cũng hao hao cái phích nhưng là phích nhỏ đựng cà phê nhiều người hay cầm theo bây giờ. Màu gạch đậm da cam phớt phớt sắc lửa, cái trông đanh lại, cái như đang bột bột rã dần, gợi vẻ tàn phai nhưng màu vẫn tươi lên kiêu hãnh. Thầy bảo ngày xưa những tháp như thế này nhiều lắm, và một giả định về câu chuyện đan xen lịch sử dã sử là bà nguyên phi Ỷ Lan phát nguyện làm hàng nghìn ngôi tháp, thì hôm nay chúng ta kêu ầm lên là tốn quá, nhưng biết đâu bà cho làm nghìn cái tháp nhỏ kiểu này thì sao. Cũng bởi về mặt thực địa, nếu xa xưa có nghìn ngôi tháp thật thì nay trên bề mặt đất, dưới lớp đất mặt vùng Kinh Bắc, cũng phải có chân móng, dấu vết được nhận ra chứ!

Nhiều những phỏng đoán, giả thiết thú vị kiểu kiểu thế không biết có tung hỏa mù cho người nghiên cứu hay chăng, nhưng với cánh lê la viết lách thì lại vẽ vời ra bao nhiêu điều tưởng tượng. Và như thầy tôi đây, vừa thỉnh thoảng đi đào bới xuống lòng đất, xuống trang sách cổ, lại là cái người xới xáo vào chữ nghĩa trong bụng để thành thơ, thì chắc cũng lửng lơ giữa nhiều trạng thái lắm! Tôi nghĩ thật là như thế khi thầy nhấp một hai ngụm rượu nhỏ rồi ngồi nghiêng nghiêng giữa những cây tháp gạch ngổn ngang, gạt tàn thuốc lá vào cái đĩa vỡ, cũng được đào lên từ một lòng đất nào đó. Sách để hai bên thầy cả chồng, trên bàn mấy cuốn. Trang giấy mở sẵn ra trước mặt. Có lẽ như thế đã là hưởng một niềm sung sướng của hiện thực pha loãng cùng tưởng tượng, vọng niệm rất đỗi huy hoàng rồi!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vi vu cổ ngoạn