Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với trên 1.500 năm tuổi vừa lọt vào danh sách 10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới (theo bảng xếp hạng của chuyên trang du lịch wanderlust.co.uk).
Chùa Trấn Quốc – linh thiêng cổ tự nghìn tuổi.
Chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (năm 541 - 547) tại thôn Yên Hoa, gần bờ Sông Hồng, với tên gọi “Khai Quốc” (mở nước), gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam - nhà nước Vạn Xuân. Đến đời vua Lê Thái Tông (năm 1434 - 1442), chùa đổi tên là chùa An Quốc. Năm 1615, đời vua Lê Kính Tông, dân làng Yên Phụ dời chùa vào gò đất Kim Ngưu. Đến đời vua Lê Hy Tông (1681 - 1705), chùa được đổi tên là Trấn Quốc. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên Trấn Quốc vẫn được người dân quen gọi đến nay.
Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với trên 1.500 năm tuổi vừa lọt vào danh sách 10 ngôi chùa đẹp nhất Thế Giới (theo bảng xếp hạng của chuyên trang du lịch wanderlust.co.uk).
Nằm trên bán đảo nhỏ, phía Đông của Hồ Tây, chùa Trấn Quốc được ví như một hòn đảo xanh nằm soi mình bên sóng nước Hồ Tây. Trước đây, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý – Trần, thường được chọn làm nơi vãn cảnh và ngự giá đến cúng lễ vào những dịp đặc biệt trong năm. Ngày nay, chùa Trấn Quốc vẫn là điểm đến của không ít người bởi không gian trầm mặc an nhiên làm người ta như buông bỏ hết mọi lo toan khi đi qua cánh cửa đưa chân đến thiền môn.
Thả mình vào bức tranh trầm mặc tĩnh lặng của chùa Trấn Quốc, ta được khám phá nghệ thuật kiến trúc trên các nét chạm trổ. Ngoài kiến trúc ban đầu thì năm 2003, chùa đã tổ chức khánh thành thêm Bảo tháp Lục độ đài sen cao 15m, có 11 tầng, mỗi tầng có 6 bức tượng Đức Phật A Di Đà trắng bằng đá quý trang nhã, phía trên đỉnh còn có một tháp sen cũng được tạc bằng đá. Tại tiền đường là nơi thờ rất nhiều pho tượng và quan công độc đáo, đặc biệt nhất là tượng Phật Thích Ca Nhập Niết được làm bằng gỗ và sơn son thiếp vàng, đây được bình chọn là bức tượng đẹp nhất Việt Nam. Cùng với đó là rất nhiều pho tượng Phật được đúc bằng đồng sáng lung linh. Những phần của mái ngói lợp chùa phủ kín rêu phong càng làm tăng thêm nét hấp dẫn nhuốm màu thời gian của ngôi chùa linh thiêng ngàn năm. Chính vì thế, kiến trúc chùa Trấn Quốc được đánh giá như một bông sen nở rộ, làm người ta liên tưởng đến đài sen của Phật Tổ.
Dạo bước giữa không gian trong lành thoang thoảng hương nhang trầm đang phảng phất, ta có dịp chiêm ngưỡng cây bồ đề hơn chục năm tỏa bóng mát rượi phủ kín khắp một khoảng chùa. Cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Cây bồ đề ý nghĩa biểu trưng cho trí tuệ của Đức Phật, cùng với tấm lòng nhân ái, lòng vị tha của ngài đối với con người.
Không cần quá hoa lệ kiêu sa, chẳng cần màu mè tô điểm, chùa Trấn Quốc có một nét hấp dẫn riêng, làm khỏa lấp những muộn phiền, lo lắng nhỏ nhặt thường nhật, đưa tâm hồn mỗi người lạc chốn thiền môn để tâm trở nên thanh tịnh nhẹ nhàng đến lạ, một thoáng bình yên dịu vợi.
Qua bao thăng trầm của thời gian, chùa Trấn Quốc vẫn nằm đó uy nghi, mang nét yên bình mà cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập. Hằng năm, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, lễ phật cũng như vãn cảnh chùa.