Thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong Tháng Công nhân năm nay, dự kiến các đại biểu Quốc hội sẽ đối thoại với công nhân về nhiều vấn đề "nóng", liên quan đến rút bảo hiểm một lần, việc làm, thu nhập và đời sống người lao động... Trong khi đó, với con số hiện cả nước còn gần 34 triệu lao động chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng lao động, việc làm, có thể hiểu họ gần như nằm ngoài các chính sách an sinh xã hội.
Thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong Tháng Công nhân năm nay, dự kiến các đại biểu Quốc hội sẽ đối thoại với công nhân về nhiều vấn đề "nóng", liên quan đến rút bảo hiểm một lần, việc làm, thu nhập và đời sống người lao động... Trong khi đó, với con số hiện cả nước còn gần 34 triệu lao động chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng lao động, việc làm, có thể hiểu họ gần như nằm ngoài các chính sách an sinh xã hội.
Tại hướng dẫn tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động năm 2024, chương trình sẽ tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Phản ánh thực tiễn thi hành, nêu ý kiến góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động được Quốc hội xem xét, cho ý kiến (hoặc thông qua) trong năm 2024, trọng tâm là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi).
Cùng với đó là vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của công nhân, lao động; vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần và tình trạng tín dụng đen “bủa vây” công nhân…
Dự kiến, mỗi địa phương tổ chức được ít nhất 1 buổi tiếp xúc chuyên đề, trong thời gian từ ngày 20/4/ - 20/5/2024. Tổng Liên đoàn cũng khuyến khích các tỉnh, thành phố tổ chức được nhiều buổi tiếp xúc chuyên đề hơn nữa.
Trong khi đó, theo Bộ LĐTBXH, vấn đề rất đáng quan tâm là hiện cả nước còn gần 34 triệu lao động, chiếm 2/3 lực lượng lao động cả nước chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng lao động, việc làm. Vì thế, họ cũng gần như nằm ngoài các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, lực lượng lao động cả nước với khoảng 52,1 triệu người, nhưng mới có trên 17,489 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), được BHXH Việt Nam thu thập, tổng hợp, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH.
Như vậy, việc quản lý lao động còn rất hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động tự do. Từ đó quyền lợi của họ khó được bảo đảm.
Cũng từ đó xuất hiện tình trạng các chủ doanh nghiệp chậm hoặc trốn đóng BHXH cho người lao động. Có những doanh nghiệp chây ì, không đóng BHXH cho người lao động nhiều năm liền. Cá biệt, có doanh nghiệp chậm đóng BHXH cho hàng nghìn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng (cao nhất là 57,1 tỷ đồng). Năm 2023, con số chậm đóng bảo hiểm cho người lao động (BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) lên tới 13.000 tỷ đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng).
Nói với báo chí, bà Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khoá XIII) bức xúc khi cho rằng người lao động chỉ có lương và bảo hiểm. Đến bảo hiểm cũng bị nợ thì còn gì nữa! Còn theo ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chúng ta phải bảo vệ người lao động. Khi người lao động bị ốm đau mà không có bảo hiểm thì lấy đâu ra tiền.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm, đó là tai nạn lao động. Theo Bộ LĐTBXH, dù đã có nhiều cảnh báo cũng như giám sát nhưng việc đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động vẫn bất cập. Năm 2023 có tới 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn. Riêng lĩnh vực xây dựng chiếm 18,27% tổng số vụ và 20,03% tổng số người chết.
Trong khó khăn chung thì đời sống công nhân, người lao động rất dễ bị tác động, họ cần được bảo vệ nhất. Dù đã có nhiều nỗ lực, giải pháp nhưng đời sống trước mắt cũng như lâu dài của họ vẫn chênh vênh. Cũng chính vì thiếu thốn nên đã gia tăng số người rút BHXH một lần, cũng như nhiều người phải tìm đến tín dụng đen để vay nợ, với lãi suất cắt cổ không biết cách nào, đến bao giờ mới trả nổi để thành “người tự do”.
Trong khi đó, với nhiều lý do khác nhau nên lao động thất nghiệp rất khó tìm được việc làm mới. Việc hỗ trợ học nghề từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp để họ sớm quay trở lại thị trường lao động là cần thiết, nhưng đáng tiếc tới nay số người lựa chọn học nghề chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và có xu hướng giảm. Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, năm 2021 có 63.363 người hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có hơn 1.000 người có quyết định học nghề. Năm 2022 tăng lên 71.717 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, 1.590 người có quyết định học nghề. Đến năm 2023, số người hưởng trợ cấp tăng lên 84.984 người, nhưng chỉ có 778 người có quyết định tham gia học nghề.
Việc làm và an sinh xã hội cho người lao động đang được đặt ra cấp thiết. Đặc biệt, càng không thể để quá nhiều lao động ngoài “lưới an sinh xã hội” như con số do Bộ LĐTBXH cho biết.