Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tách chiết thành công ADN của xương động vật có độ tuổi hơn 6.800 năm ở hang động núi lửa ở Krông Nô.
Đọc trình tự gene xương động vật cổ
Công nghệ được sử dụng trong quá trình nghiên cứu giá trị các di sản hang động núi lửa vùng Krông Nô, Đăk Nông, được hội đồng khoa học nghiệm thu sáng 8/1. Nghiên cứu thực hiện sau 3 năm, thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020. Một trong những kết quả nổi bật trong công trình nghiên cứu là lần đầu tách chiết thành công ADN xương động vật cổ. TS Dương Văn Tăng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, các nhà khoa học đã nhiều lần tiến hành đọc trình tự gene loài xương động vật cổ này, nhưng khi đối chiếu với ngân hàng gene quốc tế thì đều là trình tự gene của con người. Lý do là mẫu vật có thể nhiễm ADN của một người trong quá trình khai quật.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Thí nghiệm Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phát triển loại phương pháp cặp mồi thông minh PCR với ưu điểm có thể phát hiện các cặp gene trội trong xương cổ trong hàm lượng nhỏ, chỉ nhân bản ADN của động vật mà không nhân bản ADN của con người. Sau 6 tháng, nhóm đã tách thành công ADN từ xương động vật cổ với hàm lượng khoảng 10 nanogram/microlit. Từ đó, nhóm đã giám định được đây là xương động vật cổ có niên đại từ 7.000 năm đến 4.000 năm.
TS La Thế Phúc, Chủ nhiệm đề tài cho biết, trước đây Việt Nam chưa có phương pháp cụ thể để tách chiết ADN xương động vật cổ bởi hàm lượng gene trong xương cổ đại rất thấp do bị đứt gãy nhiều nên khó có thể phát hiện và tách chiết được. Vì vậy, công nghệ tách chiết được ADN xương động vật cổ sẽ là tiền đề để nhóm hướng tới mục tiêu tách chiết ADN xương người cổ. Từ đó sẽ xác lập được môi trường đặc biệt để bảo tồn di cốt. Các yếu tố bảo tồn di cốt người, xương răng động vật trong hang động có thể do yếu tố nhiệt độ, vi sinh vật (khi hàm lượng vi sinh vật trong hang gấp 10 nghìn lần lượng vi sinh vật bên ngoài) và môi trường tầm trích giàu khoáng vật CaO.
PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học cho rằng, đây là một nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn, từ xưa đến nay Việt Nam chưa làm được điều này. Công nghệ giám định ADN xương động vật cổ trên thế giới cũng rất phức tạp. Nếu xác định được loài động vật cổ sẽ tạo tiền đề rất lớn để nghiên cứu khảo cổ học.
Cần phải làm nhiều lần mới khẳng định được?
GS Lê Đình Lương, Hội Di truyền học Việt Nam cho rằng, về lý thuyết thì xương động vật hàng nghìn năm vẫn còn có thể tồn tại ADN nếu chúng nằm trong điều kiện tự nhiên đặc thù. Ví dụ như ở vùng Sebira của Nga có nhiệt độ âm quanh năm, người ta đã phát hiện ra những tiêu bản của voi ma mút còn nguyên bộ xương từ hàng nghìn năm và vẫn tồn tại ADN. Còn với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như ở Việt Nam sẽ tàn phá các cơ quan hữu cơ của sinh vật rất mạnh. Nếu không có gì bất thường thì rất khó để tồn tại mẫu xương hàng nghìn năm vẫn còn ADN. Từ xưa đến nay Việt Nam cũng chưa từng làm được điều này.
“Tôi nghĩ phải làm đi làm lại nhiều lần để khẳng định tính chính xác. Nếu cần thì mời các nhà khoa học quốc tế vào cuộc, đăng tải bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín của quốc tế vì đây thực sự là một bước đột phá trong nghiên cứu mẫu vật, mang ý nghĩa khảo cổ học to lớn. Bởi trong khoảng thời gian dài như vậy thì khả năng còn tồn tại ADN là rất nhỏ, và chỉ có khi mẫu vật được bảo quản trong một điều kiện đặc thù”, GS Lê Đình Lương cho hay.
Cũng theo GS Lê Đình Lương, nếu khẳng định được tính khoa học thì đây sẽ là bước đột phá lớn của Việt Nam trong lĩnh vực khảo cổ học và di truyền.
Cùng với tách chiết ADN trong xương động vật cổ, công trình đã điều tra, xác lập và đánh giá di sản trong 45 hang động núi lửa, đo vẽ được 22 hang động, phát hiện 5 hang động có di tích khảo cổ tiền sử. Di sản hang động có đầy đủ ba loại, gồm di sản địa chất, di sản văn hóa (di cốt tiền sử, mộ táng, trại săn được quét, in 3D) và di sản hỗn hợp. Đồng thời, nhóm cũng phát hiện 30 loài sinh vật, trong đó loại bọ cạp mới, đặc hữu trong hang động núi lửa Krông Nô.