Việt Nam tổ chức tọa đàm về quyền phụ nữ vùng ven biển

Theo TTXVN 13/06/2017 19:35

Ngày 12/6, bên lề Khóa họp thường kỳ lần thứ 35 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), diễn ra từ ngày 6-23/6, Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva phối hợp với Phái đoàn Australia, Đức, Madagascar và Fiji tổ chức buổi tọa đàm quốc tế về “Bảo đảm và thúc đẩy quyền của phụ nữ vùng ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu,” thu hút hơn 50 đại diện các nước, các cơ quan Liên hợp

(Ảnh minh họa: Nguyên Lý/TTXVN).

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Khóa XII, Đào Hồng Lan tham gia tọa đàm với tư cách diễn giả chính. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng chủ trì điều hành tọa đàm.

Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh thực tế phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng ven biển, thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi sự gia tăng của biến đổi khí hậu và thiên tai. Mục đích của tọa đàm này là thảo luận về những thách thức, cũng như chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của phụ nữ vùng ven biển, tăng cường vai trò thiết thực của phụ nữ ven biển vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký và phê chuẩn Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ ven biển.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh ý nghĩa của các chính sách như hỗ trợ tín dụng, chăm sóc y tế đối với phụ nữ tại các vùng ven biển, tăng cường nhận thức và trang bị đầy đủ các kĩ năng cần thiết cho phụ nữ tại đây cũng như thúc đẩy vai trò lãnh đạo và việc tham gia hoạch định chính sách của phụ nữ trong vấn đề này. Thứ trưởng cho rằng các nước cần tăng cường thể chế hóa sự lãnh đạo của phụ nữ vùng ven biển trong chính sách về ứng phó biển đổi khí hậu, thiên tai.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và các nước trong việc tổ chức tọa đàm về chủ đề cấp thiết này.

Các diễn giả đến từ phái đoàn Fiji, Madagascar chia sẻ kinh nghiệm của các nước hải đảo trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền phụ nữ vùng ven biển trong ứng phó biến đổi khí hậu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hài hòa chính sách quốc gia và khu vực trong vấn đề này, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

Diễn giả đền từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cho biết bảo đảm quyền của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu là nội dung được chú trọng trong chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền và các diễn đàn của Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhưng các bên liên quan cần hiện thực hóa các cam kết quốc tế về bảo vệ phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đại diện các phái đoàn Australia, Đức cho rằng phụ nữ vùng ven biển là nhân tố góp phần thay đổi nhận thức và chính sách trong biến đổi khí hậu, do đó cần tăng cường vai trò lãnh đạo và sự tham gia của phụ nữ trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại các cộng đồng ven biển.

Đại diện Phái đoàn Nicaragua hoan nghênh sáng kiến tổ chức tọa đàm, đề xuất việc tiếp tục thảo luận về vấn đề này tại Hội đồng Nhân quyền và gửi các nội dung, khuyến nghị của tọa đàm tới Báo cáo viên đặc biệt về môi trường của Hội đồng Nhân quyền.

Đại diện tổ chức Hope International chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động nhân đạo giảm nhẹ thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu tại Madagascar và nhất trí với sự cần thiết trao quyền quyết định cho phụ nữ với tư cách những người thích hợp nhất trong việc bảo vệ, chăm sóc gia đình và thế hệ tương lai trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công, thể hiện sự tiếp nối các sáng kiến của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền từ khi còn là thành viên nhiệm kỳ 2014-2016, trong bối cảnh vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương là hai nội dung thuộc ưu tiên cao của Việt Nam hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam tổ chức tọa đàm về quyền phụ nữ vùng ven biển