Viettel và FLC sẽ phối hợp xây dựng, triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ chung để tạo hệ sinh thái sản phẩm tối ưu được thế mạnh mỗi bên...
Chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược phát triển, ông Lê Đăng Dũng nói: "Cũng như FLC, Viettel đã làm là phải làm lớn, đã làm là phải quy mô toàn quốc và hướng ra quốc tế. Từ điểm chung đó, Viettel coi FLC không chỉ là đối tác mà hơn cả là người bạn đồng hành".
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn FLC vừa ký thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2018 - 2022 nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và điều hành doanh nghiệp.
Tham dự buổi lễ ký kết diễn ra hôm 21/10 tại quần thể FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), về phía Viettel có ông Lê Đăng Dũng - Phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn, về phía Tập đoàn FLC có ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn, cùng các đại diện lãnh đạo của hai bên.
Xu thế tất yếu
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Đăng Dũng, Phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel nói, một thời gian dài Viettel được biết đến là doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ viễn thông, tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực, Viettel đã thành lập Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiêp chuyển đổi số và thông minh hóa các hoạt động điều hành doanh nghiệp.
Đánh giá về Cách mạng 4.0, người đứng đầu Viettel nhận định Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để đi cùng sự phát triển của thế giới, và để tận dụng được cơ hội này đặc biệt cần đến vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những trụ cột tất yếu đối với tăng trưởng kinh tế đất nước thì đối với khối doanh nghiệp, Cách mạng 4.0 vừa là cơ hội vừa là thách thức.
Muốn tồn tại, phát triển, doanh nghiệp cần nhanh chóng tiếp cận những xu thế công nghệ mới nhất trong cả mô hình sản xuất kinh doanh cũng như trong bộ máy quản trị, điều hành.
Những doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động đa ngành đa lĩnh vực như Tập đoàn FLC đang rất cần bắt tay hợp tác với những đối tác uy tín hàng đầu về công nghệ như Tập đoàn Viettel để nâng cao năng lực thích ứng và tận dụng các cơ hội mà kỷ nguyên số mang lại.
Đặc biệt, sau khi Bamboo Airways ra đời, FLC xác định Bamboo Airways không chỉ kết nối tất cả các sân bay trong nước mà còn mở rộng ra quốc tế. Với định hướng trở thành hãng hàng không 5 sao, Bamboo Airways đang được FLC dành nguồn lực đầu tư lớn với việc ký kết các hợp đồng thương mại trị giá hàng tỷ USD, cũng như xúc tiến hợp tác với các đối tác công nghệ, dịch vụ hàng đầu.
"Do đó, sự tìm hiểu, hợp tác giữa hai FLC và Viettel là tối quan trọng và cần thiết", ông Trịnh Văn Quyết khẳng định.
Hợp tác phát triển
Trước khi đi đến lễ ký kết chính thức, FLC và Viettel đã có thời gian dài hợp tác thông qua các dự án về hạ tầng công nghệ an ninh, an toàn mạng, hệ thống thanh toán thương mại, đặt phòng điện tử cho các quần thể nghỉ dưỡng của FLC cũng như các dự án bất động sản khác...
Trên cơ sở hợp tác toàn diện, Viettel và FLC sẽ phối hợp xây dựng, triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ chung để tạo hệ sinh thái sản phẩm tối ưu được thế mạnh mỗi bên.
Cụ thể, Viettel sẽ đồng hành cùng FLC trong quá trình chuyển đổi công nghệ số để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thuận tiện nhất, tạo ra nền tảng công nghệ thông tin - viễn thông, đưa các công nghệ tiên tiến, hiện đại, hiệu quả đến với từng đơn vị trong Tập đoàn FLC.
Đồng thời, Viettel sẵn sàng hỗ trợ để FLC tiếp cận thị trường 60 triệu khách hàng trong nước và 40 triệu khách hàng ở hơn 10 quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, Viettel có thể tích hợp các sản phẩm của FLC để tối ưu các dịch vụ cho khách hàng như dịch vụ hàng không, dịch vụ khách sạn, dịch vụ giải trí - golf, phân phối vé máy bay thông qua các kênh bán hàng trực tiếp, kênh số do Viettel phát triển và sở hữu…
Trong khi đó, FLC có thể ứng dụng nhiều thành tựu của Viettel trong lĩnh vực công nghệ và quản trị như: văn phòng điện tử không giấy tờ, chữ ký số, hóa đơn điện tử, camera giám sát thông minh, dịch vụ giao vận, bộ đàm trên nền 4G, dịch vụ thanh toán điện tử, đảm bảo an toàn an ninh thông tin… không chỉ cho lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng mà đặc biệt trong các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như hàng không hay nông nghiệp công nghệ cao.
Chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược phát triển, ông Lê Đăng Dũng nói: "Cũng như FLC, Viettel đã làm là phải làm lớn, đã làm là phải quy mô toàn quốc và hướng ra quốc tế. Từ điểm chung đó, Viettel coi FLC không chỉ là đối tác mà hơn cả là người bạn đồng hành".
"Mặc dù đây là lần đầu tiên Viettel làm việc với một doanh nghiệp tư nhân, nhưng sau buổi gặp trao đổi hôm nay, mọi rào cản hay khoảng cách giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã bị xóa bỏ", ông Dũng nhấn mạnh.
Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Viettel, Chủ tịch Tập đoàn FLC hy vọng thỏa thuận lần này sẽ là tiền đề mở ra hàng loạt cơ hội hợp tác mới giữa các cấp lãnh đạo, quản lý của không chỉ Tập đoàn mẹ mà còn của các công ty thành viên để hai bên tiếp tục có những hợp tác hiệu quả hơn nữa trong tương lai.
Trước khi đi đến lễ ký kết chính thức, FLC và Viettel đã có thời gian dài hợp tác thông qua các dự án về hạ tầng công nghệ an ninh, an toàn mạng, hệ thống thanh toán thương mại, đặt phòng điện tử cho các quần thể nghỉ dưỡng của FLC cũng như các dự án bất động sản khác...