Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về việc Thông qua Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030. Đây có thể coi là mô hình kinh tế mới, phát huy nội lực địa phương.
Đời sống hiện đại đã và đang làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt; tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy cũng như làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống đẹp của làng quê gắn với lối sống hiện đại ngày càng trở nên cấp thiết. Vĩnh Phúc coi xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Quá trình thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng. Tỉnh sẽ lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Về mục tiêu, tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Cùng với đó sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Phấn đấu đến hết năm 2030, có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó: Đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027, hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.
Dự kiến cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa của Đề án là 2.610 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh: 2.475 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp huyện xã và nguồn xã hội hóa: 135 tỷ đồng. Đối tượng hưởng lợi từ Đề án là người dân trên địa bàn tỉnh; trước mắt là người dân các làng thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn tiếp theo đến 2030;
Có thể thấy, việc tỉnh triển khai xây dựng thí điểm các “Làng văn hóa kiểu mẫu” cũng chính là nhắm tới tạo ra một hệ sinh thái gắn kết các thiết chế văn hóa với các tinh hoa truyền thống. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhận thức rõ ràng rằng, cái mới của “Làng văn hóa kiểu mẫu” sẽ là đầu tư đồng bồ, đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao, tâm linh phù hợp với vùng miền cũng như sẽ đầu tư cơ chế hỗ trợ, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ chính mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Đây là một mô hình chưa có tiền lệ, vừa làm vừa lắng nghe, vừa đúc rút kinh nghiệm nhưng tỉnh kỳ vọng chỉ sau một thời gian sẽ hình thành những ngôi làng giàu có gắn liền với nghề rèn, nghề gốm hay các di tích độc đáo và quan trọng hơn cả là người dân được trực tiếp tham gia xây dựng, vận hành cũng như thụ hưởng.
Xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo điểm nhấn cả về kinh tế, văn hóa của các địa phương và làm chuyển biến nhận thức của Nhân dân trong việc xây dựng, tạo không gian gần gũi với thiên nhiên; đồng thời là một bước cụ thể của công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền ở cơ sở.