Tôi biết cặp vợ chồng violinist tài hoa Đỗ Xuân Thắng và Lê Hoàng Lan, bố mẹ của Đỗ Phương Nhi từ khi họ còn rất trẻ. Mẹ của Nhi là chị ruột của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Ông ngoại của Nhi là nhạc sĩ Lê Minh Châu...
Khoảng năm 2007, tôi nghe GS.TS Ngô Văn Thành (lúc đó ông chưa là Nghệ sĩ Nhân dân) bảo với tôi có cô bé Đỗ Phương Nhi tài hoa lắm. Ngô Văn Thành là một violinist rất nổi tiếng, lời nói của ông rất trọng lượng, ông đã khen thì hẳn phải là vượt trội. Rồi sau, tôi lại nghe Nhạc trưởng Tesuiji Honna cũng nói vậy, nên tôi dành nhiều thời gian với Đỗ Phương Nhi…
Sinh năm 1998, Nhi sống trong cái nôi âm nhạc của gia đình. Đồ chơi của Nhi là cây đàn của mẹ, Nhi không nghịch ngợm mà biết lắng nghe giai điệu ngay từ khi còn rất nhỏ. Bố mẹ thấy con có năng khiếu nên cho học đàn lúc 4 tuổi và thầy giáo đầu tiên của Nhi là GS.TS Ngô Văn Thành, người thầy có tài, có tâm và rất có phương pháp… Năm 11 tuổi Đỗ Phương Nhi đã trình diễn những tác phẩm khó như bản Concerto cung Mi thứ của Mendelssohn cùng dàn nhạc (DN) Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi theo học lớp chuyên môn (masterclass) với giáo sư Stephan Barratt-Due, tiếng đàn của Nhi đã gây ấn tượng mạnh với ông. Sau đó, Nhi được mời tham gia biểu diễn cùng các tài năng trẻ châu Âu tại Valdres Summer Festival và Hardanger Festival (Na Uy). Tài năng xuất sắc ấy đã giúp Đỗ Phương Nhi có học bổng từ MIC – Transposition vào theo học tại trường âm nhạc Barratt-Due dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ vĩ cầm Stephan Barratt – Due cùng các nghệ sĩ khác như Sigyn Fossness và Alf Richard Kraggerud.
Trong chương trình Hòa nhạc Toyota tổ chức tại Hà Nội năm 2015, Nhi từ Na Uy được mời về trong vị trí solo Concerto in D major, Op. 35 của nhà soạn nhạc Tchaikovsky viết cho violin. Cũng năm đó, Đỗ Phương Nhi đạt danh hiệu quán quân cuộc thi "Sparre Olsen" dành cho các tài năng trẻ tại Gjovik, Na Uy.
Năm 2017, Phương Nhi là đại sứ âm nhạc của Valdres Summer festival.
Toyota Concert Tour luôn là chương trình được trông đợi và là chương trình kén chọn các solist cho các concerto nổi tiếng, Đỗ Phương Nhi là người được mời nhiều lần. Nhi cũng đã tham gia biểu diễn độc tấu với nhiều DN thế giới trong đó có: DN Giao hưởng Romerike (Na Uy), DN giao hưởng Fort Collins (Mỹ)… Nhi đã từng trình diễn xuất sắc nhiều bản concerto cho violin của các nhạc sĩ thiên tài thế giới của các thời kỳ…
Tôi cũng rất may mắn, chưa bao giờ bị lỡ một lần biểu diễn nào của Đỗ Phương Nhi tại Hà Nội. Nghe Nhi đàn, tôi thấy công chúng gọi Nhi là thần đồng âm nhạc việt Nam quả không sai. Không chỉ thu hút người nghe ở những chương trình lớn, với dàn nhạc, mà trong những lần tam tấu (Đỗ Phương Nhi- violin, Nguyễn Việt Trung-piano, Trần Hồng Nhung- cello, cả ba đều du học ở những nhạc viện nổi tiếng thế giới, được hướng dẫn bởi những nghệ sĩ danh tiếng lẫy lừng và tuổi gần như nhau), họ cũng làm cho khán giả cực kỳ thú vị.
Người ngồi hàng giờ viết nhạc
Gần đây nhất tôi nghe cả một chương trình Concert Fspressiv classsic world tour của Đỗ Phương Nhi và Nguyễn Thái Hà (pianist), thấy Nhi ngày càng xứng đáng. Qua giai đoạn tiếng đàn của bản năng mạnh, kỹ thuật tốt nhưng vẫn trong trẻo thơ ngây, tiếng đàn của Đỗ Phương Nhi giờ đây sâu lắng, lý trí mà vẫn giàu cảm xúc, phong cách biểu diễn rất đẳng cấp…
Để biết hơn về Đỗ Phương Nhi mời các bạn nghe câu chuyện của chúng tôi:
Nhi kết thúc khoá học ở nước Na Uy từ khi nào, lấy bằng gì nhỉ?
- Dạ cháu thi tốt nghiệp bằng thạc sĩ ngành biểu diễn tại học viện âm nhạc Na Uy vào tháng 6, năm 2022.
Nhạc cổ điển ở nước ta mặc dù nhiều năm qua được chú trọng nâng cấp trình độ biểu diễn của dàn nhạc và khả năng cảm thụ của công chúng nhưng có những người “vượt ngưỡng” như Nhi thì đã chọn ở lại với môi trường sinh ra nó, có nhiều đồng nghiệp và nhiều khán giả hiểu nó hơn, để có thể có vị trí lớn hơn, thu nhập tốt hơn, còn Nhi thì sao?
- Vâng đúng thế ạ, nhạc cổ điển gắn liền với văn hóa truyền thống, là giá trị lịch sử lâu đời ở phương Tây. Với Na Uy, thì việc có 1 dàn nhạc như Oslo Philharmonic còn là một niềm tự hào của đất nước. Một quốc gia phát triển giàu mạnh, là quốc gia có khả năng thu hút nhân tài, mời được chỉ huy nổi tiếng như Klaus Mäkelä, và chơi các tác phẩm trình độ khó nhất lịch sử âm nhạc vào mỗi tuần… Cháu cũng nghĩ là nếu được ở lại thì sẽ học hỏi được nhiều hơn, phát triển hơn…Các bạn và đồng nghiệp của cháu cũng đã quen làm việc với cháu, phong cách sống của cháu ở Na Uy, những đóng góp của cháu cũng đã được công nhận, các bạn bảo rằng cháu mang lại danh dự cho Nauy trong những lần biểu diễn... Nhưng cháu chưa có được visa ở lại. Cũng là một may mắn, để cháu quyết định ở nhà. Cháu hòa nhập rất nhanh với quê nhà, và cháu rất vui khi được quay trở lại làm việc với các cô chú, anh chị trong dàn nhạc Việt Nam.
Nhi có thể chơi nhiều tác phẩm từ khó đến rất khó, nhưng nếu thích và đặt vào đó nhiều cảm xúc nhất thì Nhi chọn những tác phẩm nào?
- Có lẽ do từ bé cháu đã nghe tất cả các thể loại nhạc khác nhau, nên cháu dù tham gia một chương trình chơi toàn các bản giao hưởng khó nhằn (như Bartok, Prokofiev, Stravinsky, Richard Strauss, Mahler, Shostakovich…) cháu sẽ rất thích đào sâu và đi vào nghiên cứu, đọc tổng phổ, nghe, và tập luyện tới rạng sáng. Cháu rất thích sự thử thách của những bản nhạc khó, và cháu sẽ tìm đủ mọi cách để chơi thật hay bản nhạc đó. Còn khi chơi nhạc pop, nhạc dân gian (châu Âu), thì cháu sẽ thư giãn hơn, phiêu hơn và cháu chơi ngẫu hứng khá nhiều. Hiện tại thì cháu thích nhất bản giao hưởng số 5 của Gustav Mahler, bởi sự cộng hưởng của tất cả các nhạc cụ vang lên trong nhà hát lớn, và bản thân Mahler từng là 1 nhạc trưởng giỏi, có sức ảnh hưởng vĩ đại, ông rất lãng mạn, tinh tế, và tâm hồn sâu sắc.
Là một người rất cá tính, Nhi còn chuyển soạn, hoà âm phối khí nữa, điều đó đem lại cho Nhi những cảm xúc như thế nào, chiếm bao nhiêu thời gian của Nhi?
- Hiện giờ cháu vẫn đang dành toàn thời gian cho chơi đàn, nên cháu... giống Mahler, công việc chính là chỉ huy dàn nhạc, mãi không phác xong cái khung của bản giao hưởng số 1 (cười). Cháu tự viết cho mình trước để xem thật sự mình có khả năng đi theo hướng trở thành người viết nhạc hay không. Các bản cháu từng phối thì khá cơ bản về kỹ thuật, hòa thanh mở. Hay gần đây em trai có nhờ cháu viết nhạc nền, phối khí hoặc đồng sáng tác một số bài của em…
Thông thường cháu sẽ ngồi rất lâu hàng giờ viết nhạc cho tới khi nào xong, vì nếu cháu dứt ra, cháu sẽ bị đứt mạch ý tưởng chuyển biến các cảm xúc thành các ý tưởng âm thanh ạ.
Thế còn soạn nhạc?
-Vâng. Cháu đang thử và rất thích ạ. Các bài cháu hoàn chỉnh gồm có tập "circles" (các vòng lặp trong cuộc sống) viết năm 2022, đã thu 1 số demo những bài cháu sẽ chơi ngẫu hứng, bài nào hay và thích rồi cháu sẽ lấy ra chơi dần. Hay bản "Vjolahz- cơn ác mộng dành cho violin, cello, và 6 cây viola, Opus số 1, được lấy cảm hứng từ ở các dàn nhạc, cháu thấy tổ viola luôn là tổ rất thú vị, hay ho, nên họ xứng đáng có 1 bản nhạc riêng để chơi chung và (cười khúc khích), là những bản cháu tâm đắc. Cháu cũng viết 1 số các bài nhỏ để chơi trong các buổi tiệc xinh xắn. Hầu hết cháu thu âm các giai điệu cháu nghĩ ra trong điện thoại, để rồi một ngày đẹp trời nào đó cháu sẽ hoàn thành chúng ạ.
Xinh đẹp, tài năng vậy Nhi nghĩ thế nào về tương lai của mình?
- Cháu muốn là một người chơi đàn hay, truyền cảm hứng cho tâm hồn của cháu, và hy vọng truyền cảm hứng cho thế giới xung quanh cháu ạ.
Hôm qua nghe Nhi biểu diễn hay quá, ngoài kỹ thuật, cảm xúc và tài năng thì có thể kể đến cây đàn của Nhi một chút không.“Tiếng” của nó hay quá?
- Cháu cảm ơn bác, một người bận rộn với nhiều khả năng sáng tạo các loại hình nghệ thuật khác nhau đã dành thời gian đi nghe cháu đàn ạ. Về cây đàn thì, cháu xin kể: Trong 1 lần đi chơi ở Philadelphia, cơ duyên đã đưa cháu đến 1 cửa hàng cổ kính, có một cây đàn, làm cháu mê mẩn. Nó không tên tuổi như Stradivarius, nhưng nó có cá tính, như 1 người có giọng hát, điệu đà, thích ca hát, cháu lập tức muốn có nó và làm cho nó có thể chơi/ đáp ứng mọi khả năng của âm nhạc. Tullip (cháu đặt tên cho nó) được ra đời năm 1899 bởi một trong các thành viên thuộc gia đình Bernadel, từng được chơi bởi 1 concertmaster bên Philly vào những năm 1970…
Câu chuyện còn dài, về bố mẹ, về cậu em trai, toàn những người tài hoa trong nghệ thuật violin, nhưng xin tạm dừng lại ở đây, để bài sau kể nốt. Cảm ơn Đỗ Phương Nhi rất nhiều.