Thông tin mới đây từ Google, từ khóa tìm kiếm “đậu mùa khỉ” có ngày còn vượt hơn cả từ khóa “Covid-19”. Vậy, điều gì đang diễn ra khi mà Covid-19 vẫn còn là đại dịch toàn cầu, trong khi số bệnh nhân đậu mùa khỉ chưa tới 800 và số ca tử vong rất ít, chỉ có ở châu Phi? Người ta cho rằng đó cũng là thực tế do tổn thương tâm lý hậu Covid, khi mà nỗi bàng hoàng chưa qua.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan trong cộng đồng tại nhiều quốc gia. Không ít người trong giới y học đã cho rằng, nếu như với Covid-19, WHO bị đánh giá là quá chậm trễ khi tuyên bố đại dịch, thì lần này với đậu mùa khỉ có thể lại hơi vội vàng? Tuy nhiên, vấn đề không hẳn đã như vậy.
Tăng cường giám sát trước khi tình hình trở nên khó khăn hơn
Theo WHO, virus đậu mùa khỉ có khả năng đã lây lan mà không bị phát hiện tại nhiều nước không thuộc châu Phi - nơi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hiện tổ chức này đang tiến hành điều tra dịch tễ, song sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ tại nhiều nước cùng một thời điểm cho thấy căn bệnh này có thể đã lây lan trong một khoảng thời gian mà không được phát hiện.
Thống kê của WHO cho thấy kể từ khi Anh ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 7/5/2022, tới nay đã phát hiện ca mắc tại hơn 30 quốc gia ngoài Tây và Trung Phi.
Ông Tedros hối thúc các nước tăng cường phòng ngừa, giám sát trước khi tình hình trở nên khó khăn hơn.
Cùng chung cách nhìn nhận, Tiến sĩ Rosamund Lewis - chuyên gia phụ trách các bệnh đậu mùa trong chương trình khẩn cấp của WHO, cho rằng việc xuất hiện tuy chưa nhiều ca mắc đậu mùa khỉ nhưng rõ ràng là điều đáng quan ngại vì không thể xác định loại bệnh do virus gây ra này đã xuất hiện trong khoảng thời gian nào. Vì thế, theo Tiến sĩ Lewis, liệu có phải đã quá muộn để khống chế sự lây lan của dịch bệnh này hay không?
Vẫn theo bà Lewis, các loại vaccine đã được phát triển nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa được cho là đạt hiệu quả tới khoảng 85% trong việc ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng đó cũng chỉ là ghi nhận ở những ca ít ỏi đã phát hiện, còn trong từng cộng đồng thì vẫn không thể xác định.
Tới thời điểm bước vào tuần thứ 2 của tháng 6/2022, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan mạnh tại nhiều quốc gia phương Tây, khi đã “vượt qua biên giới” Trung và Tây Phi. Mạng lưới Global Health cho biết, số ca mắc hiện lên tới gần 800 trường hợp. Tại Canada, trong số gần 100 trường hợp nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ thì có tới 71 trường hợp tại tỉnh Quésbec. Điều đó chứng tỏ nó có khả năng lây lan trong cộng đồng. Con số này cao gấp hơn 15 lần so với cuối tháng trước.
Phần lớn các ca bệnh là những người đồng tính nam và lưỡng tính. Cơ quan y tế công cộng Canada đã phải cảnh báo cần hành động nhanh chóng để chặn các chuỗi lây nhiễm. Quesbec hiện đã bắt đầu tiêm vaccine cho những người tiếp xúc gần với những người bị nhiễm đậu mùa khỉ.
Trong khi đó, tại Đức, vẫn tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đặc biệt, thủ đô Berlin chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm với hơn 40 trường hợp, tăng gấp đôi chỉ trong vài ngày. Đa phần các trường hợp mắc bệnh là người đồng tính nam, tham gia chung một câu lạc bộ.
Để phòng ngừa, giới chức Berlin khuyến cáo mọi người nên tránh tiếp xúc gần với người lạ. Những trường hợp nghi ngờ bản thân đã tiếp xúc với người bệnh nên liên hệ ngay với cơ quan y tế, ở nhà và hạn chế tiếp xúc.
Chung một mối lo, ngày 8/7, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã nâng mức cảnh báo đối với bệnh đậu mùa khỉ lên mức 2, khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang khi đi lại. Trong cảnh báo mới nhất, CDC cho biết các trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, châu Á và Australia. CDC dẫn báo cáo của WHO cho rằng các ca nhiễm đậu mùa khỉ có thể đã lan ra ngoài châu Phi mà không bị phát hiện trong nhiều năm.
Để ngăn chặn, CDC Mỹ đã phân phối khoảng 1.200 liều vaccine phòng virus đậu mùa khỉ có tên gọi Jynneos cho những đối tượng tiếp xúc gần có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Loại vaccine này đã được phê duyệt sử dụng tại Mỹ vào năm 2019 đối với những người từ 18 tuổi trở lên, để phòng chống các bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ.
Đồng thời khuyến cáo, những người có tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày, thường xuyên đo thân nhiệt, đặc biệt nếu có các triệu chứng như ớn lạnh, nổi hạch và phát ban thì cần tự cách ly.
Bệnh đậu mùa khỉ có lây lan mạnh hơn vào mùa hè?
Trong một nỗ lực cảnh báo nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, WHO đã bày tỏ quan ngại khi cho rằng có thể virus này sẽ lây lan mạnh hơn vào mùa hè, nhất là với châu Âu.
Trong một thông báo hồi đầu tháng 6, WHO nêu rõ châu Âu hiện vẫn là tâm điểm của đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất và lan rộng nhất về mặt địa lý được ghi nhận từ trước đến nay bên ngoài các khu vực mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu ở Tây và Trung Phi. Giám đốc của WHO tại châu Âu - ông Hans Kluge đã chỉ ra các bước cần thiết để nhanh chóng tìm hiểu và kiểm soát tình hình.
Theo phân tích của ông Kluge, hiện tượng tụ tập đông người tại một số nơi trong khu vực đã khiến bệnh đậu mùa khỉ lây lan rộng. Trong những tháng mùa hè với nhiều sự kiện lễ hội và những bữa tiệc lớn sẽ càng làm khuếch đại nguy cơ lây lan của căn bệnh này.
“Mục tiêu của WHO là kiềm chế đợt bùng phát hiện nay bằng cách ngăn chặn hiện tượng lây bệnh từ người sang người ở mức tối đa có thể” - ông Kluge nói, đồng thời kêu gọi các nỗ lực giúp nâng cao nhận thức về bệnh đậu mùa khỉ và chia sẻ thông tin về cách thức giảm nguy cơ phơi nhiễm.
Tuy nhiên, ông Kluge cho rằng việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 là không cần thiết đối với căn bệnh đậu mùa khỉ đang lưu hành ở châu Âu, bởi cách lây lan của virus là không như nhau.
“Điều quan trọng là chúng ta vẫn chưa biết liệu chúng ta có thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của căn bệnh đậu mùa khỉ hay không. Vì lẽ đó, chúng ta cần giảm đáng kể và khẩn cấp sự phơi nhiễm thông qua việc truyền thông rõ ràng, hành động cộng đồng, cách ly các ca bệnh trong giai đoạn lây nhiễm, theo dõi và truy vết tiếp xúc hiệu quả” - ông Kluge nói.
“Chúng ta vẫn chưa biết bệnh đậu mùa khỉ sẽ tác động như thế nào đến sức khỏe ở những người nguy cơ gặp phải những hậu quả nghiêm trọng do bệnh đậu khỉ, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch” - ông Kluge lưu ý, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường phối hợp và hình thành các cơ chế chia sẻ thông tin, tăng cường giám sát và liên lạc cộng đồng để ngăn chặn thông tin sai lệch phát tán trên mạng hay các nguồn khác, dẫn đến các kết quả tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng.
“Kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 cho thấy chúng ta cần được trang bị thông tin tốt hơn để mở đường cho các hành động trong tương lai. Điều mà chúng ta cần làm đó là hãy tập hợp chính phủ, các đối tác y tế xích lại cùng nhau giải quyết thách thức sức khỏe cộng đồng này một cách dứt khoát và hiệu quả, dựa trên nền tảng khoa học và y học, cũng như tinh thần của sự tôn trọng và lòng trắc ẩn” - ông Kluge kêu gọi.
Theo Tiến sĩ Maria van Kerkhove - nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm thuộc WHO thì lây nhiễm đậu mùa khỉ thực sự xảy ra từ việc tiếp xúc gần với cơ thể, da chạm da. Điều này hoàn toàn khác sự lây lan của Covid-19 khi mà có thể chỉ qua nói chuyện cũng đã bị mắc. Những gì thu nhận được cho thấy, dù khá nguy hiểm nhưng ít khả năng virus gây bệnh đậu mùa khỉ gây ra đại dịch trên toàn thế giới như virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19. Trên thực tế, giới khoa học đã nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ kể từ khi phát hiện căn bệnh này ở người cách đây hơn 50 năm. Bệnh này tương tự bệnh đậu mùa, có nghĩa là có thể phòng chống được bằng các biện pháp phòng chống đậu mùa.
Vẫn theo Tiến sĩ Maria van Kerkhove, triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là nổi phát ban thường bắt đầu trên mặt, rồi sau đó lan sang tay chân và các bộ phận khác của cơ thể. Thời kỳ ủ bệnh từ lúc nhiễm tới lúc xuất hiện triệu chứng là từ 5 đến 21 ngày, đây là một khoảng thời gian dài. Thời gian bình phục thường từ 2 đến 4 tuần. Cách tốt nhất đối phó với căn bệnh này là cách ly người bệnh để tránh lây lan cho các thành viên gia đình, và chủ động liên hệ với những người đã có tiếp xúc với người bệnh để họ có thể theo dõi nếu xuất hiện các biểu hiện mắc bệnh.