Thông điệp “vì dân hành động” mới đây lại được Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng triển khai hết sức cụ thể, dứt khoát và nhất quán bằng yêu cầu cách chức Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hóc Môn sau khi nhận thấy người cán bộ này hành xử “vô cảm”, “không đứng vào vị trí của dân” trong thi hành công vụ.
Để cho một nhà máy sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư tồn tại nhiều năm, bị Bí thư Đinh La Thăng truy vấn, Trưởng Phòng TN-MT huyện Hóc Môn Trần Quang Duy làm một báo cáo giải trình được ông Thăng đánh giá là “vô cảm với dân”. Bởi vì, theo quy hoạch và các quy định về môi trường nhà máy này không được tồn tại trong khu dân cư.
Trên thực tế nhà máy đã gây ô nhiễm và bị người dân phản đối nhiều năm. Thế nhưng, người có trách nhiệm đảm bảo môi trường sống trong lành cho cư dân địa phương vẫn “ung dung” để cho nhà máy gây ô nhiễm này tồn tại một cách khó hiểu, mặc cho nỗi khốn khổ của người dân, cũng như bất chấp các quy định của pháp luật về môi trường.
“Những cán bộ như thế cần phải sớm ra khỏi bộ máy vì anh không đặt ở vị trí của người dân, không xứng đáng làm bảo vệ tài nguyên môi trường cho huyện” - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã nói như vậy với lãnh đạo huyện Hóc Môn trong buổi làm việc chiều 19/5.
Cũng trong chủ đề bảo vệ môi trường sống an toàn cho dân, đề cập tới việc thí điểm xử lý rác y tế tại bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn), Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tỏ ý không hài lòng với Báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN-MT). Đó là một báo cáo mà theo ông Thăng cũng chưa nói đúng trọng tâm yêu cầu và vô cảm với dân.
Bí thư Đinh La Thăng truy vấn, một bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới đời sống của rất nhiều hộ dân trên địa bàn có nên tồn tại không, đừng nói lòng vòng về cơ sở pháp lý. Bãi rác gây ô nhiễm, nằm không đúng quy hoạch, Nhà nước sai mà tại sao dân phải chịu? Ngay trong buổi làm việc, Bí thư Thăng kết luận, giao cho Giám đốc Sở TN&MT thành phố xử lý dứt điểm trong thời hạn hai năm vụ bãi rác Đông Thạnh gây ô nhiễm.
Trong một diễn biến khác, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cũng đã ra “tối hậu thư” cho Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO): “Tới cuối năm nay, 100% người dân thành phố phải có nước sạch dùng, và chỉ mua với một giá như nhau”.
Bởi vì, theo Bí thư Thăng, không thể chấp nhận việc đối xử thiếu bình đẳng với người dân như vậy: “Cùng sống trong một thành phố sao có người được dùng nước sạch, người phải dùng nước bẩn và với giá cả cao thấp khác nhau?” và cảnh báo: “Dân chưa có nước sạch, tổng giám đốc phải đi kiếm việc khác mà làm”.
Những chỉ đạo hết sức quyết liệt và cụ thể của Bí thư Đinh La Thăng trên đây cho thấy sự nhất quán giữa “lời nói và hành động” của ông trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của một thành phố phát triển hàng đầu, với rất nhiều vấn đề cần phải thay đổi. Thay đổi để phát triển đúng với mục tiêu mà ông Thăng đã cam kết ngay từ khi nhận trách nhiệm tại địa phương này là “xây dựng một chính quyền phục vụ dân, vì dân hành động”.
Một chính quyền “phục vụ dân, vì dân hành động” thì dứt khoát không thể chấp nhận những công chức vô cảm, thiếu trách nhiệm với dân. Càng không thể dung túng cho những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, làm khó dân, làm xấu chính quyền. Quyết liệt và dứt khoát đưa ra khỏi bộ máy hành chính những công chức vô cảm, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu và làm khó dân chính là sự khởi đầu cần thiết để tạo ra sự chuyển biến, thay đổi nhận thức và hành động cho mỗi thành viên của bộ máy từ chính quyền “cai trị” sang chính quyền “phục vụ”.
Một điều rất dễ thấy, muốn hội nhập thành công, đạt chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra không có gì khác là phải phát huy, huy động tất cả các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên, một nỗ lực không kém phần quan trọng có ý nghĩa quyết định là phải tháo gỡ các rào cản, cản trở đối với sự phát triển.
Một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển lâu nay là những bất cập trong bộ máy hành chính nhà nước, mà “thủ phạm” trong bộ máy đó không ai khác là các công chức thoái hóa, gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng. Khi mà nhận thức, tinh thần và thái độ của công chức còn chưa chuyển biến từ “tư duy cai trị” sang “tư duy phục vụ” thì khi đó không thể nói tới chuyện xây dựng thành công một chính quyền phục vụ dân, vì dân hành động.
Một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả là nền hành chính trong đó mỗi công chức biết mình phải làm gì, làm như thế nào, quyền hạn tới đâu, chịu sự kiểm tra giám sát của ai, được hưởng quyền lợi gì và bị xử lý như thế nào nếu không hoàn thành công vụ. Nhưng trước hết, mỗi công chức phải được trang bị kiến thức cần thiết để tự nhận thức và tự hình thành, xây dựng cho chính mình tinh thần, thái độ vì dân, hiểu dân, tôn trọng và sẵn sàng phục vụ dân vô điều kiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, quyết định sự thành bại của cách mạng ngoài đường lối còn có khâu rất quan trọng là cán bộ. Chất lượng công chức là yếu tố then chốt tạo nên hiệu quả của thể chế, nền tảng của tổ chức và vận hành bộ máy. Công tác tổ chức, sử dụng cán bộ được khuyến cáo phải luôn thận trọng và chính xác, bởi lẽ “sai một ly đi một dặm”. Có cán bộ tốt mọi việc đều dễ dàng và ngược lại. Cán bộ, công chức, dù một bộ phận nhỏ làm sai, ta thường ví là “con sâu”, sẽ đủ sức làm rầu nồi canh. Thậm chí có thể làm hư cả nồi canh nếu không có biện pháp ngăn ngừa và loại bỏ những “con sâu”. Một trong nhiều dấu hiệu để nhận diện “con sâu” trong bộ máy đó là “vô cảm với dân”.