Diễn biến kéo dài của dịch bệnh khiến nhiều chủ farmstay lâm vào tình cảnh vỡ kế hoạch tài chính. Thị trường ghi nhận tình trạng nhiều farmstay cắt lỗ với mức giá giảm tới 50%.
Anh Sơn, một nhà đầu tư chia sẻ, đầu năm 2020 anh đã bỏ ra gần 5 tỷ đồng vào một farmstay tại Sóc Sơn (Hà Nội). Ngoài ngôi nhà rộng gần 300 m2, xung quanh có các tiện ích như bể bơi, khu vui chơi, có thể phục vụ trên 30 khách nghỉ. Số diện tích đất còn lại lên tới cả 1.000 m2, anh trồng các loại hoa làm cảnh quan, cây ăn quả để khách đến có thể mua về. Giá thuê là 20 triệu đồng/đêm vào cuối tuần và 13 triệu đồng/đêm ngày thường nhưng đó là thời điểm dịch vẫn được kiểm soát. Khi đó, farmstay lúc nào cũng đông khách vào cuối tuần, những ngày thường cũng có lác đác khách thuê.
Tuy nhiên, hiện tại để duy trì farmstay này, mỗi tháng mùa dịch anh mất 10 triệu đồng để thuê người quét dọn lẫn quản lý nhưng cả 2 tháng nay vẫn không thu về được đồng nào. “Với số tiền vay lên tới 5 tỷ đồng, áp lực trả lãi ngân hàng giờ đang đè nặng. Nếu dịch bệnh kéo dài thêm 2 tháng nữa thì tôi không trụ được, chắc phải rao bán”, anh Sơn nói.
Hiện tại trên các diễn đàn trên mạng xã hội như xã hội như “Bỏ phố về rừng”, “Bỏ phố về quê” có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt các lời than vãn, thậm chí rao bán của các chủ nhân farmstay. Lý do chủ yếu bởi không có doanh thu trong khi áp lực trả lãi ngân càng ngày càng lớn. Đáng chú ý, nhiều chủ farmstay rao bán cắt lỗ tới 50% giá trị đầu tư
Anh Quân, nhân viên môi giới của một công ty bất động sản cho biết, anh chuyên bán homestay, farmstay ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Do dịch nên thị trường ảm đạm, người bán thì nhiều nhưng người mua thì ít. Các homestay, farmstay quy mô nhỏ giá vài tỷ có tính thanh khoản cao hơn, nhưng hiện tại cũng rất khó ban. Còn các farmstay giá vài chục tỷ đồng thì hầu như không có giao dịch.
Cũng theo môi giới này, đa phần những người cần bán gấp, chấp nhận giảm giá sâu từ 30% tới 50% là do họ vay mượn ngân hàng để xây dựng, kinh doanh homestay, chịu sức ép rất lớn về tài chính. “Không có khách, homestay không có nguồn thu, càng bán được sớm thì càng hạn chế lỗ”, anh Quân nói.
Anh Quân nhận định, mua homestay, farmstay trong thời điểm này là có lợi về giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, khách khó đi xem thực tế, nếu có mua cũng không kinh doanh ngay được. Vì thế, những nhà đầu tư vốn ít thì không dám liều, người sẵn tiền còn tiếp tục nghe ngóng.
Theo các chuyên gia, tình trạng cắt lỗ bất động sản sẽ tiếp tục xảy ra nếu như dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Chuyên gia bất động sản Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận, với dịch bệnh như hiện tại, có thể đến quý 1 hoặc quý 2/2022 thị trường mới ổn định lại. Như vậy, những người ôm bất động sản nếu như sử dụng đòn bẩy tài chính tới 50-80% sẽ buộc phải đẩy hàng.
Vị chuyên gia này cũng dự báo, làn sóng cắt lỗ vẫn có thể tiếp diễn đến những tháng cuối năm 2021, và có thể kéo dài tới giữa năm 2022 nếu dịch không được kiểm soát, kinh tế không hồi phục và việc di chuyển chưa thuận lợi.