Thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, trong khi lãi suất ngân hàng tăng vọt khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh nợ nần, phải bán tháo tài sản để trả nợ. Dù đã rao bán sản phẩm với giá rẻ nhưng vẫn không hấp dẫn được khách mua.
Nợ chồng nợ
Anh Lê Công Nguyên (Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng, anh vào TPHCM làm môi giới cho một công ty BĐS. Sau 6 năm tích luỹ được một số vốn, anh Nguyên quyết định thành lập công ty riêng. Theo anh Nguyên, thời gian đầu công ty chỉ hoạt động phân phối và môi giới hàng cho một số doanh nghiệp, tập đoàn. Sau đó anh bắt tay vào làm những dự án nhỏ và vừa ở Bình Dương, Bình Phước, Long An. Ngoài ra, công ty của anh Nguyên đã mua thêm đất nông nghiệp tại Tây Ninh, Đồng Nai để phân lô, làm thủ tục pháp lý, bán lại cho các nhà đầu tư thứ cấp, công việc khá thuận lợi. Nhưng khoảng 2 năm gần đây, do chính sách hạn chế phân lô, tách thửa, cộng với việc sốt đất, giá bị đẩy lên quá cao nên việc này hầu như bị ngưng trệ. Đặc biệt, gần đây ngân hàng tăng lãi suất, siết tín dụng đối với BĐS nên mọi giao dịch gần như bị “đóng băng”. Không có nguồn thu, trong khi lãi suất ngân hàng đóng cả gốc lẫn lãi hơn 3 tỷ đồng/tháng, lương hơn 100 nhân viên vẫn phải duy trì hàng tháng trên 1 tỷ đồng.
“Mỗi tháng trung bình tôi phải chi ra gần 4 tỷ đồng tiền trả nợ và lương, không có nguồn thu, tôi chỉ cầm cự được vài tháng đầu, những tháng còn lại xoay xở khắp nơi cũng không đủ, đành phải bán xe, bán nhà để trang trải nợ nần” - anh Nguyên nói.
Câu chuyện của anh Trần Xuân Liên (quận 1, TPHCM) cũng bi đát không kém, trước đây anh làm việc cho một doanh nghiệp công nghệ của Nhật Bản tại TPHCM, trung bình thu nhập mỗi tháng trên 35 triệu đồng. Mặc dù thu nhập khá nhưng anh Liên chịu nhiều áp lực, đặc biệt là thời gian, đối với người Nhật họ chỉ có khái niệm “hết việc” chứ không “hết giờ”. Áp lực lớn nên anh Liên quyết định chuyển việc. Theo anh Liên, sau khi đại dịch bùng phát mạnh ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, cũng là lúc BĐS “nóng” lên hàng ngày, anh Liên quyết định bỏ việc để chuyển sang BĐS. Nhờ có bạn bè hỗ trợ, mỗi tháng anh cũng “lướt” được từ 1-3 lô đất, thu về mỗi tháng từ 50 -120 triệu đồng, đỉnh điểm có tháng anh Liên trúng đậm 400 triệu đồng. Sau gần 1 năm tham gia, trừ chi phí, anh Liên bỏ túi hơn 1 tỷ đồng. Có một nguồn vốn, anh Liên quyết định thế chấp ngân hàng căn nhà được 2 tỷ đồng, vay lãi anh em, họ hàng nội ngoại thêm 3 tỷ đồng để “chơi lớn”. Anh đầu tư 2 lô đất tại Bình Phước, 1 lô tại huyện Bàu Bàng (Bình Dương), 1 lô tại Củ chi (TP HCM) đợi giá đất lên bán kiếm lời. Chưa kịp thực hiện thì ngân hàng siết room tín dụng dành cho BĐS, cộng lãi suất tăng chóng mặt, khiến cho BĐS bị chững lại. “Có những lô như ở thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) giá giảm gần 1 nửa nhưng cũng không bán được. Thiệt hại lớn về tài sản, mỗi tháng tôi phải gồng gánh hơn 100 triệu đồng nợ lãi và gốc, thu nhập gia đình chỉ nhìn vào đồng lương của vợ” - anh Liên chua chát nói.
Khi nào BĐS ấm lên?
Theo ông Huỳnh Văn Nghĩa - Văn phòng môi giới Bất động sản Thiên Ân (Bình Phước), mặc dù BĐS trầm lắng nhưng kể từ quý III/2022 đến nay, lượng khách đến ký gửi tại văn phòng tăng khoảng 20% so với quý II, đa phần là những người bán ra. Tương tự, lượng người đến Công ty TNHH Dịch vụ môi giới Bất động sản Hùng Phát (Bình Dương) nhờ bán cũng tăng đáng kể. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Hùng Phát, lượng người bán trong 6 tháng cuối năm 2022 tăng từ 15-20% so với 2 quý đầu năm. Đặc biệt, từ đầu năm 2023, số khách bán ra tăng 30% so với cùng kỳ.
“Đây là điều bất thường, bởi như các năm, khách ký gửi chỉ tăng từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, tức là thời điểm sau Tết Nguyên đán. Trái ngược với lượng BĐS bán ra tăng, lượng người mua lại rất nhỏ giọt, dù giá đã giảm từ 15-30%. Hầu hết để cắt lỗ trả nợ ngân hàng nhưng vẫn không có người mua” - ông Tuấn thông tin.
Trong khi đó, ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của DKRA Group cho rằng, thị trường BĐS năm 2023 rất khó dự đoán, hiện tại các nhà đầu tư đang gặp khó khăn. Thị trường BĐS ấm lên hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước. “Đây cũng là thời điểm chứng kiến sự thanh lọc và tái cấu trúc của các doanh nghiệp BĐS. Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ cũng có cơ hội để nhìn lại, thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững, chậm mà chắc” - ông Thắng nhận định.