Những kẻ buôn lậu quốc tế đã sử dụng vô số thủ đoạn để vận chuyển sừng tê giác từ châu Phi tới châu Á, giấu chúng trong các bức tượng gỗ, cắt nhỏ để giấu trong đầu tôm hùm trong các thùng chứa đông lạnh và giấu trong đế của các bức tượng.
Lượng lớn trang sức bằng sừng tê giác Nam Phi bị cảnh sát Hong Kong thu giữ. (Nguồn: AP).
Theo các chuyên gia bảo tồn, hiện nay, một số băng nhóm tội phạm còn chế sừng tê giác thành bột mịn và đồ trang sức ngay ở Nam Phi trước khi đem đi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, một xu hướng có thể phản ánh sự thay đổi trong thị hiếu người dùng và khiến cho các lực lượng hành pháp khó phát hiện hơn.
Sự thay đổi trên cũng gây khó khăn trong việc chống các tổ chức chuyên buôn lậu, một số trong số này ở các nước châu Á, trong bối cảnh các vụ bắt giữ của lực lượng chức năng không thường xuyên diễn ra.
Trong các tháng vừa qua, lực lượng chống săn trộm của Nam Phi đã bắt giữ được một số lượng lớn sừng tê giác tại sân bay quốc tế ở Johannesburg. Nam Phi, hiện là nơi chiếm tới 80% số lượng tê giác trên toàn châu lục, đã chứng kiến mức tăng kỷ lục của nạn săn trộm trong vòng một thập kỷ qua.
Các cuộc điều tra mới nhất mà cảnh sát Nam Phi thực hiện đã lần ra được nhiều xưởng chế tự tạo, nơi sừng tê giác được cắt thành những mẩu nhỏ, chế thành chuỗi hạt hoặc vòng đeo tay, hay nghiền thành bột, theo báo cáo của TRAFFIC, mạng lưới kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, công bố hôm 19-8.
Tình trạng này được các cơ quan hành pháp Nam Phi coi là một thách thức, bởi những kẻ buôn lậu có khả năng sẽ mở rộng các hoạt động trên. Thêm vào đó, cảnh sát cho biết có nhiều chứng cứ cho thấy các xưởng chế này còn chuyên biến sừng bò thành các sản phẩm sừng tê giả để chuyển ra thị trường nước ngoài.
"Nếu có người đi qua cổng an ninh sân bay trong khi đang đeo một chuỗi vòng cổ làm bằng sừng tê giác, ai sẽ ngăn được họ?" - Julian Rademeyer, đồng tác giả bản báo cáo của TRAFFIC, cho hay.
Ông Rademeyer cho hay, ông đã từng phát hiện ra xu hướng tự chế sừng tê thành sản phẩm từ hồi năm ngoái. Tương tự, các sản phẩm từ ngà voi cũng được chế tác ngay tại châu Phi trước khi chuyển tới các thị trường đen trên khắp thế giới.
Báo cáo của TRAFFIC chỉ ra một trường hợp hồi tháng 6 vừa qua, trong đó cảnh sát đột kích một ngôi nhà ở phía Đông thành phố Johannesburg và phát hiện ra một xưởng chuyên chế sừng tê giác thành chuỗi hạt cỡ lớn, và thành các ống hình trụ. Hai công dân Trung Quốc và 1 phụ nữ Thái Lan bị bắt giữ.
Trong một vụ khác hồi năm 2016, cảnh sát Nam Phi thực hiện cuộc đột kích vào khu vực ngoại ô Johannesburg và thu giữ được một túi lớn chứa bột sừng tê giác, số lượng lớn các sản phẩm vòng đeo tay và tác phẩm điêu khắc làm bằng ngà voi, vẩy tê tê cùng nhiều mặt hàng phi pháp khác. Có 2 nghi phạm đã bị bắt giữ trong vụ này.
Khu vực châu Á hiện vẫn là thị trường chính tiêu thụ sừng tê giác, bởi nhiều người vẫn cho rằng sừng tê có công dụng chữa ung thư, tăng cường sinh lực, dù cho khoa học đã chứng minh rằng sừng tê giác có công thức không khác gì móng tay con người và chưa có gì chứng minh chúng có dược tính.
Dù vậy, nhiều người giàu có vẫn coi một chiếc sừng tê giác hay ngà voi như một biểu tượng của sức mạnh, và do thị trường có nhu cầu ngày càng tăng trong những năm gần đây, nên các băng nhóm ở Nam Phi đã bắt đầu tự chế tác ngay trong nước trước khi "xuất khẩu".
Một nhà nghiên cứu ở Nam Phi còn nói rằng việc tự mở các xưởng sản xuất sừng tê giác ở Nam Phi là điều "khá mới mẻ" bởi việc chế tác sừng tê giác trước đây thường chỉ diễn ra ử khu vực châu Á.
"Xu hướng này sẽ tạo ra một vấn đề mới cho chúng tôi, bởi nó khó bị phát hiện hơn" - Melviller Saayman, Giáo sư Kinh tế thuộc Đại học Tây Bắc Nam Phi, người đang dẫn đầu một cuộc nghiên cứu về sừng tê giác, nói.
Vị chuyên gia còn cho hay, hiện nay có nhiều khách hàng ưa chuộng bột sừng tê giác gơn, nhưng cũng có nhiều người muốn dùng sừng tê giác như trang sức để lấy may mắn nên họ lại muốn một mẩu của sừng tê giác. Trước đây, những mạng lưới phân phối ở châu Á muốn nhận được sừng tê nguyên chiếc từ châu Phi bởi họ có thể xử lý theo bất cứ dạng nào mà khách hàng muốn.
Đội ngũ TRAFFIC chi nhánh Trung Quốc cũng cho hay họ đã phát hiện một số sản phẩm sừng tê như vòng tay và chuỗi hạt được rao bán trên Internet, có nghĩa rằng sừng tê giác đang "chuyển biến thành một dạng hàng hóa xa xỉ" thay vì chỉ có công dụng dược tính như trước kia.