Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, hiện không thiếu vốn cho hoạt động này; khi mà dòng tiền của thị trường bất động sản hiện nay đến từ 4 nguồn chính: tín dụng, trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khách hàng.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận bán hàng CBRE Việt Nam nhận định, trong năm 2022 nguồn cung căn hộ sẽ ở mức 22.000 - 24.000 căn. “Sự mất cân đối về nguồn cung tại TP HCM ngày càng rõ, do chi phí phát triển dự án bị đẩy lên cao nên hầu hết sản phẩm đưa ra thị trường thời gian tới chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Từ này đến cuối năm, phân khúc tầm trung không có nguồn cung nếu không có sự hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nhà ở bình dân, nhà ở xã hội”- ông Kiệt dự báo.
Ông Đặng Hoài Nam - Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần BĐS Tiến Phước cũng cho biết, phân khúc chủ lực hiện nay mà đơn vị đang nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm nhà liền phố có tiềm năng tăng giá, giá trị gia tăng cao. Đây là sản phẩm hiệu quả cho nhà đầu tư, khách hàng trong bối cảnh kinh tế, tài chính đang có nhiều bất ổn như hiện nay. Bối cảnh này giúp doanh nghiệp (DN) có những rà soát, điều chỉnh phù hợp, hướng đến xây dựng sản phẩm có giá trị thực cho nhà đầu tư cũng như khách hàng có nhu cầu để ở.
Ghi nhận thực tế cho thấy, trong bối cảnh thị trường TP HCM khan hiếm nguồn cung thì các thị trường lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai phát triển rất sôi động trong khoảng 3 năm trở lại đây. Đơn cử năm 2020, thị trường TP HCM sụt giảm mạnh, đặc biệt phân khúc tầm trung gần như không có dự án mới. Trong khi đó, Bình Dương lại bổ sung cho thị trường đến 8.000 sản phẩm. Thị trường Đồng Nai rất sôi động, còn Long An vẫn là thị trường với sản phẩm chủ yếu là đất nền.
Kỳ vọng lớn vào nguồn cung BĐS và nguồn vốn cho thị trường được nhận định cũng không thiếu hụt. TS Đinh Thế Hiển dẫn chứng, BĐS có cơ chế vốn thuận lợi với nguồn vốn lớn nhất là khách hàng, người mua nhà. Trước đây, ngân hàng không bao giờ cho vay quá 70% vốn của dự án. Nhưng nay ngân hàng cho vay đến 80 – 85% giá trị căn nhà. Do đó, có thể thấy nguồn vốn BĐS khá dồi dào. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng thương mại không những cho vay hết mà còn đầu tư trái phiếu lên tới 800 nghìn tỷ đồng. Riêng BĐS, trong 2 năm qua đầu tư từ trái phiếu lên tới 1.200 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho biết, dòng tiền của thị trường BĐS hiện nay đến từ 4 nguồn chính. Dòng tiền đầu tiên của thị trường BĐS là nguồn vốn tín dụng. Vốn tín dụng được xem là bà đỡ của cộng đồng DN. Hiện có đến 80 - 85% DN phải huy động vốn từ nguồn vốn tín dụng. Theo ông Châu, các dự án BĐS có tính khả thi, các DN uy tín vẫn được tiếp cận tín dụng, người tiêu dùng có nhu cầu cũng được tiếp cận. Nguồn vốn thứ hai là trái phiếu. Trái phiếu DN không có lỗi và Nhà nước không có chủ trương siết phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, ông Châu vẫn cho rằng việc siết chặt phát hành trái phiếu DN là cần thiết để việc phát hành trái phiếu riêng lẻ đúng theo quy định. Nguồn vốn thứ ba là vốn FDI. Nguồn vốn này đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai… Cuối cùng là nguồn vốn từ khách hàng. Nguồn vốn này tốt nhất, hiệu quả nhất mà nhà đầu tư không chịu áp lực lãi vay. Ngoài những nguồn trên, Chính phủ vừa giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ dồng, bao gồm gói 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn này hiện triển khai rất chậm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, dòng vốn cho thị trường BĐS tiếp tục tăng và phát triển ổn định. Nguồn vốn tín dụng dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 10 – 12%/năm để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong khoảng 6,8 – 7,3%. Song song đó, kiều hối cũng là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản khu Việt Nam luôn nằm trong top 10 nước có nguồn kiều hối lớn nhất thế giới.