Thứ Ba, 01/04/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chiến tranh thương mại toàn cầu là một rủi ro hiện hữu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn. Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cạnh tranh công nghệ và chuỗi cung ứng gay gắt, cùng với các cuộc xung đột địa chính trị là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ này. Giới quan sát đã cho rằng, chiến tranh thương mại lần thứ hai giữa Mỹ và Trung Quốc gần như đã được bắt đầu khi Trung Quốc tung ra đòn trả đũa việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan với toàn bộ hàng hóa nước này xuất khẩu sang Mỹ.
Trước đó, ông Donald Trump vào ngày 1/2 đã ký sắc lệnh hành pháp áp đặt thuế quan với 3 đối tác thương mại lớn của Mỹ là Canada, Mexico và Trung Quốc kể từ ngày 4/2, song ngay sau đó tuyên bố tạm hoãn trong vòng 1 tháng với Canada và Mexico. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bất định, Việt Nam lại là một nước có nền kinh tế mở, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, không để lỡ thời cơ và giữ đà tăng trưởng.
Việc Mỹ đe dọa đánh thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ các nước xuất khẩu vào Mỹ nhiều như Trung Quốc, Mexico, Canada... gây lo ngại toàn cầu. Trong đó, hàng Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị đánh thuế nhập khẩu 10%, có hiệu lực từ ngày 4/2/2025. Để đáp trả, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế 15% đối với khí LNG, than đá của Mỹ vào nước này đồng thời đánh thuế 10% đối với các sản phẩm như dầu thô, ôtô, thiết bị nông nghiệp... các hình thức áp thuế sẽ từ ngày 10/2/2025.
Trước thực tế này, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở thương mại lớn và Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đều là đối tác thương mại quan trọng. Do vậy, giới chuyên gia nhận định, chiến tranh thương mại có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã phân tích với báo giới rằng, cơ hội đến từ khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng, khi doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc (China+1).
Bên cạnh đó, xuất khẩu một số mặt hàng (dệt may, điện tử, nông sản…) có thể tăng nếu Việt Nam tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP…). Chúng ta cũng có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ các công ty tìm kiếm môi trường sản xuất ổn định hơn. Các công ty logistics cũng sẽ có cơ hội phát triển khi nhiều doanh nghiệp tìm cách dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia có lợi thế thuế quan, thúc đẩy nhu cầu vận tải, kho bãi và dịch vụ hậu cần.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là mục tiêu xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng, nếu nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm do chiến tranh thương mại. Việt Nam cũng đối mặt với nguy cơ bị áp thuế hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ Mỹ, EU nếu Việt Nam bị xem là điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc.
Trong lĩnh vực dệt may, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho rằng, dự báo đến năm 2025, tăng trưởng của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 10%, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47-48 tỉ USD. Những kết quả đạt được trong năm 2024 cùng với các thay đổi trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây cho thấy, trên lý thuyết, xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng.
Hiện Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc trong xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ. Khi Mỹ áp thuế cao hơn đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng dệt may Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng dệt may vẫn còn nhiều khó khăn. Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tạo ra áp lực kép, buộc doanh nghiệp phải thực hiện đồng thời vừa chuyển đổi xanh vừa chuyển đổi số.
Đối tác mua hàng yêu cầu các nhà máy đạt tiêu chuẩn xanh, điều này khiến doanh nghiệp phải đầu tư chi phí nhưng giá bán sản phẩm lại không tăng, thậm chí giá xuất khẩu sang Mỹ còn giảm 5%. Doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện, bởi nếu không sẽ mất đơn hàng và khách hàng.
Ngoài ra, hầu hết các đơn hàng hiện nay đều có số lượng nhỏ, yêu cầu thực hiện nhanh và giá bán thấp. Do đó, để tăng trưởng 10%, các doanh nghiệp cần cải tiến, tài chính, nhân lực và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Một khó khăn khác là ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong bối cảnh Mỹ tăng thuế đối với hàng dệt may từ Trung Quốc, việc Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ tiềm ẩn rủi ro bị Mỹ điều tra về khả năng hàng Trung Quốc sử dụng Việt Nam làm trạm trung chuyển để xuất khẩu sang Mỹ. Đây là vấn đề mang tính vĩ mô, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ Chính phủ và các bộ ngành để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
“Thực tế, trong những năm qua, đã có sự dịch chuyển của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế từ các FTA, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu” – ông Tùng chia sẻ.
Chia sẻ với báo giới về vấn đề này, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết, mọi biến động từ thị trường Mỹ đều ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Công ty có bộ phận thường trực theo dõi sát các thông tin từ thị trường Mỹ, từ các đối tác, từ đó phân tích và đánh giá để có kế hoạch phù hợp.
Nói về nguy cơ, đại diện Bộ Công thương đã chia sẻ, xung đột thương mại có thể ảnh hưởng gián tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, khi Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc, một số nhà sản xuất Trung Quốc có thể tìm cách chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam để né thuế. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ giám sát chặt hơn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nếu phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ. Hàng hóa Việt Nam đã từng gặp trường hợp này.
Còn lại, đối với các thị trường khác như Mexico, Canada hay EU, thì tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc không lớn. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước này vẫn tuân theo các cam kết trong FTA, mức thuế ưu đãi vẫn được áp dụng bình thường. Do đó, doanh nghiệp vẫn có thể xuất khẩu sang các thị trường này một cách ổn định, không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ.
Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung sẽ làm gia tăng PVTM. Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam muốn giữ được đà tăng trưởng cần nâng năng lực ứng phó điều tra PVTM.
Thời điểm diễn ra diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2024, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã có phân tích, các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Cụ thể là quan điểm muốn giảm thâm hụt thương mại về phía Mỹ.
Hiện Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 vào Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico. Việc Mỹ thâm hụt thương mại có thể khiến chính quyền nước này chú ý đến việc cân bằng thương mại với đối tác. Để kim ngạch thương mại hai chiều hài hòa, Việt Nam có thể tăng nhập nguyên liệu gỗ, hóa chất, công nghệ cao... từ Mỹ.
Với kế hoạch áp thuế hàng hóa nhập khẩu 10% của chính quyền tân Tổng thống Mỹ, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn bởi chính sách này áp dụng đồng thời với các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, dự báo chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới sẽ dịch chuyển và Việt Nam có thể hưởng lợi.
Trong diễn biến mới nhất khi Tổng thống Donald Trump thông báo áp thuế bổ sung 25% đối với nhôm, thép nhập khẩu vào nước này, nhiều lo ngại hoạt động xuất khẩu nhôm thép của Việt Nam ảnh hưởng, ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin Việt Nam có cơ hội từ chính sách thuế này.
Cụ thể, ông Hưng phân tích, kể từ năm 2018, xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ đã chịu mức thuế 25%, một số chính sách được áp dụng bởi chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngay những ngày đầu nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước của Mỹ.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, một số quốc gia lớn như Canada, Mexico và Brazil đã được miễn trừ khỏi mức thuế này, tạo ra sự không công bằng trong môi trường cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu thép không được miễn trừ, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Hưng, động thái năm 2025 không thay đổi với Việt Nam và mức thuế 25%, Việt Nam không nằm trong danh mục miễn trừ năm 2018, vì vậy thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã phải mức thuế này trong suốt giai đoạn này. Do vậy, năm 2025, khi ông Trump xem xét đánh thuế thép và không miễn trừ quốc gia nào thì không ảnh hưởng thêm tới Việt Nam.
Đại diện cơ quan thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, một điểm đáng chú ý là việc áp dụng mức thuế đồng nhất này có thể tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt Nam. Khi không còn sự phân biệt giữa các quốc gia xuất khẩu thép vào Mỹ, các công ty thép Việt Nam sẽ không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá từ các quốc gia thấp hơn như Canada, Mexico, Brazil. Điều này giúp các doanh nghiệp như Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG) và Tôn Đông Á (GDA) giảm bớt sức ép cạnh tranh về giá và cải thiện lợi nhuận.
Với ngành thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu cả ngành, đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra. Tuy nhiên trong hơn 20 năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam phải luôn đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường này. Song những cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra PVTM sẽ giúp các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhằm vượt qua các vụ kiện và đạt được kết quả tốt nhất. Thời gian tới, để tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, việc nâng cao năng lực ứng phó điều tra PVTM của doanh nghiệp thuỷ sản cần phải đẩy mạnh.
Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
Từ đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.