Vụ án cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Các đối tượng thao túng chứng khoán như thế nào?

Văn Thanh 31/10/2023 15:48

Hai người em gái của ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc đã giúp anh trai mình thao túng chứng khoán và lừa đảo, thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Trong quá trình khám xét văn phòng FLC, cơ quan chức năng phát hiện hình ảnh công văn đóng dấu "Tối mật" của NHNN. Ảnh minh họa.

Như đã đưa tin trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an thông báo kết quả điều tra, xử lý vụ án hình sự về tội “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC (MCK:FLC), Công ty CP Chứng khoán BOS (MCK:ART), Công ty CP Xây dựng Faros (MCK:ROS) và các công ty liên quan, do Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và đồng phạm thực hiện.

Theo đó, bị can Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC; Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga (cùng em gái ông Quyết) và Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó chủ tịch Tập đoàn FLC, về tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, có 16 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán theo khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thao túng cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra, mặc dù là người có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính ngân hàng chứng khoán, biết việc thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán là vi phạm pháp luật, nhưng trong thời gian từ 25/6/2017 đến 10/01/2022, bị can Trịnh Văn Quyết vẫn chi đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân của 45 cá nhân, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán tại 41 công ty chứng khoán trong đó 141 tài khoản mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS, 359 tài khoản mẹ tại các công ty chứng khoán khác (trong đó, Quyết đứng tên 23 tài khoản).

Để thực hiện việc thao túng thị trường chứng khoán, Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga cấp hạn mức không cho nhóm tài khoản của Trịnh Văn Quyết mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS thời điểm từ 26/5/2017 đến 10/01/2022. Sau đó chỉ đạo Hương Trần Kiều Dung, Trịnh Thị Thúy Nga, Nguyễn Quỳnh Anh điều hành Công ty BOS ban hành nghị quyết của HĐQT "ủy quyền cho Nga phê duyệt cấp hạn mức khách hàng khống để giao dịch chứng khoán hàng ngày cho 141 tài khoản BOS".

Tại Công ty CP Chứng khoán BOS, bị can Trịnh Văn Quyết giao Trịnh Thị Thúy Nga chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Phương, Bùi Ngọc Tú, Nguyễn Thị Thu Thơm, thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức cho nhóm 79/141 tài khoản (đứng tên 19 tổ chức và 21 cả nhân mở tại BOS) do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng, với tổng giá trị hạn mức khống là 170.598.050.000.000 đồng; để Huế sử dụng 79/141 tài khoản đặt 15.128 lệnh mua với khối lượng 2.850.120.160 cổ phiếu, gồm: AMD, HAI, GAB, ART, FLC tương đương 46.980.907.744.300 đồng.

Sau khi đặt lệnh mua, Huế tiếp tục thực hiện các hành vi hủy lệnh, khớp chéo giữa các tài khoản với nhau hoặc mua vào với số lượng lớn cổ phiếu cùng một mã cổ phiếu để thực hiện hành vị thao túng. Trong đó, đã khớp lệnh mua 463.375.070 cổ phiếu với tổng giá trị là 11.855.067.296.900 đồng, thiếu 11.651.608.017.410 đồng.

Sau khi tạo cung cầu giả tạo đối với 5 mã chứng khoán nhóm FLC, gồm: AMD, HAI, GAB, ART và FLC, theo chỉ đạo của bị can Quyết, Trịnh Thị Minh Huế bán cổ phiếu ra thị trường, giúp Quyết thu lợi bất chính 723.322.534.069 đồng (trong đó, đối với cổ phiếu AMD trong giai đoạn từ ngày 26/5/2017 đến ngày 13/7/2017 là 39.075.817.133 đồng; cổ phiếu HAI trong giai đoạn từ ngày 26/6/2017 đến ngày 09/02/2018 là 238.885.676.049 đồng; cổ phiếu GAB trong giai đoạn từ ngày 19/12/2019 đến ngày 27/11/2020 là 3.437.787.029 đồng; cổ phiếu FLC trong giai đoạn từ ngày 23/9/2020 đến ngày 10/01/2022 là 397.338.681.335 đồng; cổ phiếu ART trong giai đoạn từ ngày 02/01/2021 đến ngày 11/6/2021 là 44.584.572.523 đồng).

Để che giấu hành vi phạm tội, Quyết chỉ đạo Nguyễn Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS để chỉ đạo nhân viên cấp dưới ký chứng từ, ủy nhiệm chi thanh toán bù trừ, hợp thức việc cấp hạn mức khống, hạch toán báo cáo tài chính.

Cụ thể, Nguyễn Quỳnh Anh và nhân viên cấp dưới đã ký 300 Ủy nhiệm chi chuyển tổng số tiền 24.635.920.000.000 đồng từ các tài khoản ngân hàng khác của Công ty CP Chứng khoán BOS đến tài khoản ngân hàng số 2210000368113 của Công ty CP Chứng khoán BOS mở tại ngân hàng BIDV Hà Thành để Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam tự động trích tiền thanh toán bù trừ cho 288 ngày giao dịch, trong đó có 9.903.927.029.786 đồng thanh toán cho các lần khớp lệnh mua cổ phiếu thiếu tiền, không có tài sản đảm bảo của 75/141 tài khoản VIP do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng tại Công ty CP Chứng khoán BOS.

Trịnh Thị Minh Huế sử dụng nguồn tiền của Trịnh Văn Quyết để nộp tiền mặt vào các tài khoản chứng khoán để đặt lệnh mua cổ phiếu; hạch toán nộp rút tiền, điều chuyển dòng tiền mua bán cổ phiếu; sử dụng nhiều tài khoản trong số 500 tài khoản, trong đó, Trịnh Văn Quyết đứng tên mở 23 tài khoản giao cho Trịnh Thị Minh Huế sử dụng để kinh doanh chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế, sử dụng tài khoản của Quyền l bán chui" 74.800.0000 cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10/01/2012 với tổng giá trị khớp lệnh là 1.689.422.165.000, UBCKNN đã kịp thời hủy bỏ giao dịch, ngăn chặn việc thu lợi bất chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán.

Số tiền thu lợi bất chính: 723.322.534.069 đồng, bị can Trịnh Văn Quyết sử dụng mua cổ phần Công ty CP Hàng không Tre Việt; mua cổ phần Công ty CP CP FLC Travel; mua cổ phần của Công ty CP Nông dược HAI (mã chứng HAI); trả nợ; chuyển vào các tài khoản chứng khoản, chi tiêu cá nhân.

Nâng khống vốn điều lệ của Xây dựng Faros

Ngoài ra, theo kết luận điều tra, Trịnh Văn Quyết biết việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng Faros để niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, bán cổ phiếu (cổ phiếu không đảm bảo giá trị) cho nhà đầu tư để chiếm đoạt là vi phạm pháp luật nhưng vẫn chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiểu Dung, Nguyễn Thiện Phủ và các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty CP Xây dựng Faros, Công ty CP Tập đoàn FLC đứng tên là cổ đông để thực hiện việc góp vốn khống bằng cách ký khống các chứng từ (gồm: Ủy nhiệm chi, Giấy nộp tiền mặt, Giấy rút tiền mặt..) để Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra, rồi nộp lại… quay vòng nhiều lần để 5 lần tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần.

Để hợp thức cho việc rút tiền ra khỏi Công ty CP Xây dựng Faros và tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Quyết chỉ đạo Huệ soạn thảo để 3 cá nhân là Giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros ở từng giai đoạn, gồm: Nguyễn Tiến Dũng, Đỗ Quang Lâm và Đỗ Như Tuấn ký 115 hợp đồng chuyển tiền ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn khống với 12 doanh nghiệp và 6 cá nhân đều là người thân, nhân viên Công ty CP Tập đoàn FLC do Quyết và Huế nhờ đứng tên ký nhận khống, để hạch toán hợp thức cho việc rút số tiền góp khống ra khỏi Công ty CP Xây dựng Faros.

Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Công ty CP Xây dựng Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (sàn HoSE) nhưng Quyết vẫn chỉ đạo Doãn Văn Phương, Đỗ Như Tuần và các cá nhân liên quan lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu ROS tại HoSE.

Đến ngày 24/8/2016, HoSE có Quyết định số 348/QĐ-SGDHCM, chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng Faros, mã chứng khoán ROS với “số lượng 430 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị cổ phiếu theo mệnh giá 4.300 tỷ đồng” và chính thức được giao dịch trên HoSE từ ngày 1/9/2016 với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.

Theo cơ quan điều tra, hành vi của Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 2 Điều 211 và khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 với vai trò chủ mưu, cầm đầu, vừa là người thực hiện tội phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ án cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Các đối tượng thao túng chứng khoán như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO