Vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung: Chưa xác định rõ độc tố

Bắc Vũ - Hạnh Nguyên 23/04/2016 22:34

Chiều 23/4, tại Hà Tĩnh, Bộ NN&PTNT tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế) và các ban ngành liên quan về tình trạng cá chết hàng loạt ở ven biển. Tại buổi họp, đa số các tỉnh đều loại bỏ yếu tố dịch bệnh và nguồn nước mà tập trung vào yếu tố độc tố gây nên.

Theo nhận định của đại diện Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, các loại cá chết dạt vào bờ đều sống ở tầng đáy, vùng biển gần bờ. Sau khi có kết quả ban đầu, Sở Nông nghiệp& Phát triển nông thôn Quảng Bình thống nhất ý kiến với cơ quan cùng cấp Hà Tĩnh xác nhận, nguyên nhân gây cá chết là nguồn nước biển ô nhiễm (có yếu tố gây độc) từ Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lây lan vào Quảng Bình theo dòng hải lưu.

Ông Vũ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết “Đường ống mà mấy ngày qua báo chí phản ánh là được Bộ cấp phép”.

Ngày 22/4, Đoàn công tác liên ngành do Bộ TN&MT chủ trì đã trực tiếp vào làm việc, kiểm tra, lấy mẫu nước và cá chết để phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân cá chết trắng ven biển miền Trung.

Vụ trưởng Vụ Bảo tồn nguồn lợi thủy sản, cho biết, cá chết bắt đầu từ ngày 4 đến ngày 14/4. Sau khi xảy ra sự việc, phía cơ quan đã tiến hành thu mẫu cá, mẫu nước, tại các tỉnh. Cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, riêng cá tự nhiên chủ yếu là cá tầng đáy chết nhanh, chỉ sau 3-4 tiếng là chết. Kết quả ban đầu kiểm tra cho thấy, các thông số môi trường, PH, độ muối, oxi tự nhiên đều bình thường.

Quan sát và phân tích sơ bộ không có dấu hiệu bất thường, cho phép loại bỏ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh. Ngoài ra, mầu nước trầm tích, phù du sẽ được phân tích. Hiện phía cơ quan này đang chú trọng đến nhóm nguyên nhân cá chết do độc tố từ tảo độc, kim loại nặng, xyanua...

Cá chết hoàng loạt ở miền Trung.

Tại buổi làm việc, nhiều câu hỏi của các đại biểu đặt ra nhưng chưa có câu trả lời. Ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt ra câu hỏi: “Tại sao không bắt đầu từ Nghệ An mà bắt đầu từ Hà Tĩnh? Tại sao không xảy ra tại tỉnh nào mà lại là Hà Tĩnh? Chúng tôi nhận định cá chết do nguồn nước thải ra và không loại trừ do các tàu hoạt động trên biển”. Ông Hùng đề nghị cần phải kiểm tra, xem xét lại các tàu hoạt động từ ngày 1 đến ngày 20/4 để cùng tìm ra nguyên nhân.

Tại cuộc họp, đại diện đơn vị Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản cho biết, sau khi sự việc xảy ra, phía đơn vị đã vào cuộc lấy mẫu để làm rõ. Kết luận ban đầu cho thấy, cá chết không phải do dịch bệnh mà do độc tố ở môi trường nước. Với tình trạng cá chết nhanh cả cá trong lồng bè và tự nhiên thì có thể khẳng định đó là chất độc cực mạnh.

Nói về đường ống khổng lồ của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Fosmosa Hà Tĩnh, ông Vũ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Ống xả thải từ nhà máy này ra biển đã được Bộ Tài Nguyên Môi trường cấp phép. Năm 2014, công ty này có văn bản đề nghị xây dựng đường ống xả thải ra vịnh Sơn Dương dài 1,3 km, đường kính 1,2m, nằm cách mặt biển 12m đã được Bộ Tài Nguyên & Môi trường chấp thuận. Mục đích của đường ống này là đấu nối vào vị trí đã được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về nước thải”.

Cũng tại đây, có một trạm quan trắc tự động, nếu không đủ quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam thì không được xả thải. Khi được hỏi những số liệu tự động do đơn vị nào quản lý, ông Nhân cho biết: “Nếu như ở một số nơi thì Sở TNMT là nơi quản lý, khi phát hiện vấn đề thì ấn nút và sẽ lấy được mẫu ngay tại chỗ. Nhưng ở đây chưa có quan trắc tự động thì chưa biết có đấu nối về đây và bấm nút hay chưa”.

Trả lời câu hỏi Fosmosa đã được cấp phép xả thải xuống biển hay chưa, ông Nhân cho biết: Ai nói chưa được? Thế nhưng khi PV đặt câu hỏi, trước đó trả lời trên báo chí ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT lại khẳng định đến nay, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ vẫn đang tiến hành các bước thủ tục kiểm tra, thẩm định cần thiết. Nếu hệ thống xử lý nước thải, xả thải đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động.

Lúc này ông Nhân lại thay đổi: “Giấy phép xả thải bên Cục Quản lý Tài nguyên nước cấp, chứ hiện tôi chưa nắm được”.

Kết thúc buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám thông tin thêm về tình trạng cá chết xảy ra trong những ngày vừa qua là rất bất thường và đây là lần đầu tiên xuất hiện trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Như vậy, điều khiến dư luận quan tâm là độc tố nào gây nên, vẫn đang là câu hỏi lớn.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại Chi cục Hải quan Vũng Áng, từ đầu năm đến nay phía Formosa đã thông quan, nhập về gần 297 tấn hóa chất, trong số này có những hóa chất chống gỉ CYC-VPrefilm900, chất loại bỏ gỉ CYC-Vprefilm400, chất chống ăn mòn CYC-Vclosetrol360, chất chống ăn mòn CYC-VMA 796...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung: Chưa xác định rõ độc tố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO