Khi biến thể Delta lây lan mạnh, cần nâp cấp các loại vũ khí chống biến thể như thế nào để khống chế được dịch bệnh? Đó là câu hỏi khó cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Trong tuần cuối tháng 8, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận thêm hơn 655.000 ca mắc mới Covid-19, tăng tới 10% so với hồi đầu tháng và đường cong dịch bệnh tiếp tục đi lên.
Trong bối cảnh đó thì việc phát triển một loại vacine đủ khả năng chế ngự những biến thể mới của virus SAR-CoV-2 vẫn là điều hết sức cần thiết, vì đây là cuộc chiến lâu dài.
“Tia sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm”
Thực tế cho thấy, biến thể Delta đang “hạ gục” các thành trì chống dịch. Các nước từ Đông sang Tây bán cầu, nơi có tỉ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp lẫn nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao đều chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Thách thức này buộc các hãng dược trên thế giới tiếp tục nghiên cứu, qua đó có thể cho ra đời phiên bản vaccine cải tiến đặc trị biến thể Delta.
“Tia sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm” - Marine Doff, nhà vi trùng học người Anh nói khi cho rằng triển vọng về vaccine Covid-19 thế hệ tiếp theo có thể bảo vệ chống lại các biến thể virus trong tương lai đã tiến một bước gần hơn thành hiện thực.
Gritstone - Công ty sinh học có trụ sở tại Mỹ, đã nhận được khoản tài trợ 20 triệu USD để thử nghiệm một loại vaccine Covid-19 phổ quát. Vaccine của Gritstone sử dụng công nghệ mRNA tương tự Pfizer-BioNTech hay Moderna, nhưng có một điểm khác biệt quan trọng. Cần lưu ý, các vaccine mRNA hiện có thúc đẩy những tế bào của cơ thể chỉ sản xuất một protein duy nhất - protein gai mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để tấn công vào các tế bào. Điều này khiến vaccine dễ bị tê liệt trước các đột biến ở protein gai như trong những biến thể mới, chẳng hạn biến thể Delta.
Trong khi đó, vaccine của Gritstone được nâng cấp hơn, đó là ngoài protein gai, vaccine này sẽ “hướng dẫn” tế bào tạo ra các protein khác có liên quan đến virus, tăng khả năng ngăn ngừa những biến thể mới. Nói cách khác, điều đó khiến các biến thể như Delta sẽ khó né được vaccine.
Hiện các nhà sản xuất vaccine khác như Pfizer-BioNTech hay Sinovac cũng đang phát triển loại vaccine ngừa Covid-19 đặc hiệu để đối phó với biến thể Delta. Đáng chú ý, các nhà khoa học thuộc Hệ thống y tế Northwestern (Mỹ) đang phát triển một phiên bản mới, cải tiến và đầy triển vọng của vaccine ngừa Covid-19 nhằm chống lại biến thể mới.
Các nhà khoa học nhận ra rằng, khi virus còn phát triển các biến thể phức tạp, cuộc chiến chống dịch sẽ không kết thúc nhanh chóng. Vì thế, một số quốc gia đã dần từ bỏ mục tiêu đánh bại, chuyển sang thích nghi với chiến lược sống chung với Covid-19. Nói như Thủ tướng Australia Scott Morrison thì khó đạt được mục tiêu “Zero Covid”, nên cần hướng tới “sống chung với Covid-19” bằng cách chuyển trọng tâm chú ý từ số ca nhiễm sang các ca điều trị ở bệnh viện và phát triển những loại vaccine mới “đón đầu” sự “lẩn tránh” của các biến thể virus.
Tương tự, Thủ tướng New Zealand cho biết, biến thể Delta đã buộc chính quyền phải điều chỉnh chiến lược loại bỏ Covid-19, thay vào đó là đẩy mạnh việc tiêm vaccine như một biện pháp phòng vệ bắt buộc. Với tỷ lệ tiêm vaccine cao, đa số các ca mắc đều có triệu chứng nhẹ và có thể tự điều trị tại nhà. Hệ thống y tế sẽ tập trung nguồn lực điều trị các bệnh nhân nặng.
2 kịch bản đối phó với Covid-19
Trong một diễn biến liên quan, giới khoa học kêu gọi cần nhìn nhận lại dịch bệnh Covid-19 sau gần 2 năm “chiến đấu”, để có cách xử lý tốt hơn. Đặc biệt là trước các biến thể virus mới.
Tờ Thời báo phố Wall đăng bài bình luận cho rằng, chiến lược chống dịch bây giờ nên là đưa “pandemic” (đại dịch) trở thành “endemic” (bệnh truyền nhiễm), kiểm soát được số ca mắc, tử vong và hạn chế gián đoạn hoạt động xã hội.
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra 2 kịch bản Covid-19. Kịch bản thứ nhất là chúng ta nên hướng tới là sống chung với Covid-19. Kịch bản còn lại là virus tiếp tục sản sinh những biến thể mạnh. Đây là kịch bản mà ai cũng muốn tránh.
Theo Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO - Tiến sĩ Takeshi Kasai, do tính nguy hiểm của biến thể Delta, nên mặc dù nhiều nước trong khu vực đang triển khai các biện pháp nhanh, mạnh như phong tỏa, nhưng “dù có nỗ lực hết sức thì dường như trên bình diện toàn cầu, virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất, ít nhất là trong tương lai gần”. Ông Kasai cũng nhắc lại “2 kịch bản” như trên và cho rằng, với kịch bản thứ hai thì cần rất nhiều nỗ lực để hạn chế virus lây truyền. Bởi giống với những mầm bệnh khác, càng lây được vào nhiều người thì virus càng phát triển và biến đổi và sinh ra các biến thể mới.
“Diễn biến dịch bệnh trong tương lai phụ thuộc vào hành động của mỗi cá nhân, tập thể trong những tuần và tháng tới thông qua việc tiêm phòng và thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây trong cộng đồng”- Tiến sĩ Kasai khuyến cáo.
Một loại thuốc điều trị Covid mới - sử dụng một cặp kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm để tấn công virus - vừa được duyệt cho sử dụng tại nước Anh. Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh cho biết, đó là thuốc Ronapreve. Thuốc này tấn công trực tiếp vào virus, không như các loại thuốc điều trị khác như Dexamethansone dùng Steroid để làm dịu hệ miễn dịch hoạt động thái quá của cơ thể. Bác sĩ Samantha Atkinson (Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh), nói: “Chúng tôi hài lòng rằng loại thuốc điều trị này là an toàn và hiệu quả”. Còn bà Penny Ward - Giáo sư Y Dược Đại học King’s College London, cho rằng “thuốc đặc trị này sẽ nhắm vào những người dễ tổn thương nhất”.